Kinh tế

Nông nghiệp

5 phương thức cho tích tụ đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà Hoàng Thị Vân Anh - vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường - công bố 5 phương thức trong dự thảo nghị định mới giúp tích tụ đất đai.
 
Ở ĐBSCL, mỗi hộ dân chỉ có dưới 1ha đất, rất khó cho việc sản xuất quy mô lớn - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức ngày 24-11, bà Vân Anh cho biết vẫn còn tới 36% các hộ có diện tích quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ hơn 0,2ha.
Tổ chức được tích tụ gấp 20 lần hạn mức
Bà Vân Anh cũng đánh giá những vướng mắc, thậm chí là cản trở của quá trình tập trung, tích tụ đất đai có liên quan đến Luật Đất đai như vấn đề hạn mức, đối tượng và điều kiện nhận chuyển nhượng đất lúa.
"Khi Luật đất đai chưa được sửa đổi, nghị định này trước mắt sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đồng thời đưa ra chính sách khuyến khích ban đầu để thúc đẩy quá trình tập trung, tích tụ đất đai" - bà Vân Anh nói. 
Đồng thời cho biết dự thảo nghị định sau khi khảo sát ở 28 tỉnh, thành phố đã đưa ra 5 phương thức cho tập trung, tích tụ đất đai gồm: dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp; thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp; liên kết, hợp tác để tổ chức sản xuất nông nghiệp; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp và đặc biệt là được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
"Trong dự thảo nghị định chúng tôi chia ra thành hai nhóm đối tượng. Với hộ gia đình cá nhân, quy định hai tiêu chí gồm diện tích sử dụng với quy mô diện tích tối thiểu mỗi hộ tập trung, tích tụ từ 2ha trở lên, có phương án sản xuất kinh doanh từ 3 năm trở lên... là đạt được tiêu chí được hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. 
Với tổ chức, quy mô diện tích tập trung, tích tụ được quy định gấp 20 lần hạn mức giao đất, tức trên 40ha ở Đồng bằng sông Hồng, 60ha ở Đồng bằng sông Cửu Long là đạt tiêu chí hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước" - bà Vân Anh nói.
Bảo vệ quyền lợi nông dân
Về trách nhiệm của nhà đầu tư, theo bà Vân Anh, dự thảo nghị định quy định nhà đầu tư phải cam kết với người dân trường hợp nhận góp vốn, đặc biệt khi tăng vốn bao nhiêu thì tỉ lệ góp vốn của người dân không thay đổi. Tương tự, nếu giải thể, phá sản không được đưa đất của người dân vào xử lý, tức lợi ích của dân phải được bảo toàn.
Theo bà Bùi Hồng Nhung - giảng viên Luật đất đai, đại diện nhóm nghiên cứu của Khoa Pháp luật kinh tế ĐH Luật Hà Nội, cần bổ sung nguyên tắc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp chỉ nhằm mục đích hình thành những cánh đồng, thửa đất liền khu có diện tích lớn, thuận lợi tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa có tính cạnh tranh cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu thập, cải thiện đời sống của người dân.
"Cần luôn đảm bảo nguyên vẹn quyền sử dụng đất của người dân tham gia các phương thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp trong mọi trường hợp, trừ phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp" - bà Nhung đề nghị.
Về trách nhiệm của nhà đầu tư, bà Nhung nhấn mạnh dự thảo nghị định cần theo hướng không khấu trừ giá trị quyền sử dụng đất của người dân vào các khoản thua lỗ trong quá trình sản xuất kinh doanh, không được thế chấp quyền sử dụng đất của người dân…
Xuân Long (TTO)

Có thể bạn quan tâm