79,62% gia đình ở Gia Lai được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 26-10, tại hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do ông Đoàn Minh Phương-Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin-Truyền thông) làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phong trào tỉnh Gia Lai.

Tại buổi làm việc, Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là phong trào) tỉnh Gia Lai báo cáo một số kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện. Nững năm qua, phong trào trên địa bàn tỉnh đã phát huy được tính toàn dân, toàn diện; có nhiều mô hình hay, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng như: “Kho thóc tình thương”, “Gia đình hạnh phúc”; Nông dân đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa”…

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc 

Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 79,62% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 85,66% thôn làng, tổ dân phố và tương đương được công nhận danh hiệu văn hoá; 77,99% cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. 141/182 xã đạt văn hóa nông thôn mới, mục tiêu đến cuối năm 2022 đạt 80%. Có 29 tập thể, 22 cá nhân vinh dự được biểu dương, khen thưởng cấp nhà nước; 27 tập thể được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 51 tập thể, 84 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thiết chế văn hóa của tỉnh đã chú ý đến những yêu cầu của thời kỳ đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy tiềm năng sáng tạo của trí thức, văn nghệ sỹ và của Nhân dân. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo; đề ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng phong trào gắn với các phong trào thi đua yêu nước khác; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người có uy tín trong cộng đồng.

Đại diện thường trực Ban chỉ đạo phong trào nêu kiến nghị, đề xuất với đoàn công tác. Ảnh: Hoàng Ngọc 

Một số tồn tại, hạn chế cũng được Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, đồng thời có một số kiến nghị, đề xuất với Ban chỉ đạo Trung ương như: điều chỉnh, bổ sung kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào trong giai đoạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tăng cường đầu tư dự án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch các cấp, đặc biệt ưu tiên đối với cán bộ cấp xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; quan tâm đầu tư hỗ trợ trang thiết bị cho các làng văn hóa phục vụ mọi đối tượng, nhất là các thiết chế văn hóa phục vụ lứa tuổi thanh thiếu niên nhi đồng và người lớn  tuổi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Cục trưởng Hoàng Minh Phương đánh giá cao kết quả tỉnh Gia Lai đã đạt được, nhất  là trong xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với giáo dục truyền thống và khai thác du lịch cộng đồng. Phó Cục trưởng mong muốn Gia Lai tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình mới, nhất là cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; lưu ý mọi hoạt động văn hóa đều hướng đến nhu cầu hưởng thụ của người dân.

HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm