Đã 2 tuần trôi qua nhưng nhiều học sinh Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku, Gia Lai) vẫn còn bàng hoàng trước vụ một học sinh dùng dao đâm nhiều nhát vào bạn cùng lớp. Rất may, vết đâm không hiểm nên không gây tử vong. Tất nhiên đối tượng xâm hại sức khỏe người khác sẽ bị trừng trị theo pháp luật và các quy định về quản lý học sinh, song hành vi trên gióng thêm hồi chuông cảnh báo về bạo lực học đường đã đến đến mức báo động.
Nhiều người cho rằng, bạo lực học đường gia tăng trong thời gian gần đây như một hiện tượng xã hội thách thức cái “tam giác giáo dục” truyền thống bấy lâu chúng ta xây dựng nên. Hiện nay, dường như sự phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội vẫn chưa chặt chẽ, thậm chí có hiện tượng đùn đẩy cho nhau. Con hư, bố mẹ đổ lỗi cho nhà trường giáo dục không nghiêm, thiếu phương pháp giáo dục. Học trò hư, thầy- cô giáo đổ lỗi cho gia đình thiếu quan tâm. Cộng đồng, số đông thì ngại dính líu, va chạm, “đèn nhà ai nấy sáng”. Theo cái vòng luẩn quẩn ấy, thử hỏi ai là người chịu trách nhiệm chính về hành vi bạo lực của học sinh?
Gia đình, xã hội-xin không bàn ở đây. Ở phạm vi trường học, một số bậc phụ huynh cho rằng vẫn có trường hợp xử lý học sinh chưa nghiêm. Có nhiều nguyên nhân để lý giải hiện tượng trên, trong đó có nguyên nhân ngại va chạm, xuê xoa cho qua việc, chỉ lo trí dục mà xem nhẹ đức dục…
Đi sâu hơn vào lĩnh vực quản lý học sinh, một số giáo viên chủ nhiệm cho rằng: Đối với những hành vi lẽ ra cần có sự hỗ trợ của Hội đồng giáo dục nhà trường, của Ban Giám hiệu, đằng này họ phải “gánh” hầu như tất cả. Điều đó lý giải vì sao mặc dù Bộ Giáo dục-Đào tạo đã ban hành Thông tư 08 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông nhưng đến nay việc ngăn chặn bạo lực học đường vẫn chưa đạt hiệu quả!
Đức An