Tây Nguyên vắng dần những nhà chòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài nhà rông, nhà sàn, nhà dài thì nhà chòi (chồ) vốn rất phổ biến ở các buôn làng Tây Nguyên. Trước đây, ở mỗi ô rẫy của từng hộ gia đình đều có nhà chòi làm bằng tranh tre nứa lá hoặc bằng ván gỗ. Đây được gọi là cơ sở hai của người dân bản địa. Nhà chòi dùng làm kho chứa nông sản, đồng thời là nơi chứa dụng cụ lao động. Ngoài ra, đây cũng là nơi ở tạm trong những ngày làm việc trên rẫy. Nhà chòi còn là nơi chăn nuôi heo gà để cải thiện đời sống.
 

Nhà chòi của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Giác
Nhà chòi của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Giác

Ngoài sự tiện lợi trong sinh hoạt và sản xuất, nhà chòi còn cho ta cái cảm giác an bình của cộng đồng các dân tộc bản địa. Của cải không bị mất mát, không phải canh kẻ gian trộm cắp, nhà chòi cũng không rào giậu, không cần khóa cửa mà suốt mùa này qua mùa khác vật dụng của ai vẫn thuộc về người ấy. Đây cũng biểu hiện nếp văn hóa là sự tôn trọng của cải riêng tư của người khác. Điều này thể hiện tính cộng đồng của truyền thống lâu đời. Nói theo ngôn ngữ của người Kinh là “ đói cho sạch rách cho thơm”.

Tuy nhiên, hiện nay, nhà chòi bị thu hẹp, thưa thớt dần ở những nương rẫy gần nơi dân cư. Hiện nay, đường sá được mở rộng, phương tiện vận chuyển có thể đi thẳng từ nhà đến rẫy một cách thuận tiện. Nhờ đó, mọi sản phẩm, dụng cụ lao động được đưa về nhà bảo quản trực tiếp chứ không để ở nhà chòi. Một nguyên nhân nữa khiến nhà chòi bị thu hẹp đó là tình trạng trộm cắp nảy sinh. Vì vậy, bà con không dám để của cải trong các nhà chòi trên rẫy. Ngày nay, nhà chòi chỉ còn rải rác tại các khu vực vùng sâu, vùng xa hoặc chỉ còn tồn tại trong ký ức của mọi người.

Nguyễn Tấn Hỷ

Có thể bạn quan tâm