Ai quản lý khi mạng xã hội lên ngôi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- So với thế hệ chúng tôi, thời đại mà tất cả mọi nguồn thông tin đều giới hạn trong sách vở của những ngày mài đũng quần trên ghế nhà trường, giới trẻ ngày nay thật may mắn khi được sống và thụ hưởng một nền văn minh mới với sự tiến bộ vượt bậc và mang đến nhiều tiện ích.

Điểm phân biệt đáng chú ý nhất có lẽ là sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, khi mà internet đã trở thành một lựa chọn lý tưởng cho việc tìm kiếm thông tin, trao đổi, liên lạc. Và dĩ nhiên, giới trẻ cũng không bỏ qua sự hữu dụng này để biến nó thành một cầu nối tối ưu cho việc giao lưu, kết bạn.

 

Điển hình là sự thăng hoa của các trang mạng xã hội thời gian gần đây, nơi thu hút đông đảo thành viên đủ mọi thành phần xã hội tham gia như một địa chỉ gặp gỡ quen thuộc. Từ yahoo, twitter, zing, blogspot và đặc biệt là sự bùng nổ của facebook. Theo đó, bên cạnh không phải bình luận gì thêm về sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội, gần đây người ta lại sôi nổi hơn khi lên án những mặt tối của nó. Người lớn và đặc biệt là những người làm giáo dục nhiều thời điểm có lý do để lo lắng.

Công bằng mà nói, mạng xã hội không có tội. Sự ra đời và thịnh hành của các trang mạng này thực sự mang lại nhiều tiện ích cho công việc cũng như quan hệ của mỗi cá nhân. Mọi người dễ dàng tìm hiểu, trao đổi thông tin, chia sẻ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khi cần thiết… một cách nhanh chóng với chi phí rẻ nhất.

Ở thế giới đó, chúng ta được sống trong một không gian mở, có thể tự do bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân về mọi vấn đề chính trị, xã hội. Một địa chỉ thực sự thuận lợi cho việc tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm, nhất là đối với những khía cạnh nhạy cảm, từ đó giúp nhau có thêm nhiều kỹ năng và hiểu biết.

Một tiện ích không thể không nhắc tới đó là khả năng kết nối tuyệt vời, giúp mỗi người mở rộng phạm vi kết bạn hay tìm kiếm, liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp của mình. Nếu sử dụng có chừng mực và đúng mục đích, mạng xã hội sẽ trở thành một kênh giải trí hoàn hảo và lành mạnh mỗi khi rảnh rỗi; là địa điểm để xả stress lý tưởng.

Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ không chỉ dừng lại ở việc sử dụng nó với những ý nghĩa tích cực mà dần dà những “tín đồ” mạng xã hội nhanh chóng tạo lập một diễn đàn rộng lớn và hàng ngày rót thời gian một cách vô tội vạ vào đó để rồi ngày càng biến sự tiện lợi thành sự nhiễu nhương, ô hợp, đến nỗi “ghiền” bao giờ không hay. Và “ghiền” mạng xã hội gần đây đã được các tổ chức y tế kết luận là một căn bệnh tâm lý, cũng trầm trọng không kém so với chứng nghiện game online.

Hãy thử lướt qua yahoo, twitter hay facebook, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp một xã hội thu nhỏ, với đủ đầy hỉ, nộ, ái, ố; thượng vàng hạ cám ở thế giới này. Để thỏa trí tò mò và đam mê khám phá, kể cả những giờ học, thậm chí là giờ ăn, trước khi đi ngủ, các tín đồ cũng tranh thủ tối đa để “ghé thăm” địa chỉ quen thuộc cho “đỡ nhớ”.     

Hết việc để làm, họ lại tích cực truyền tai nhau, bình luận, nhận xét, đánh giá chuyện của thiên hạ và thỏa thuê đăng ảnh hay những thông tin cá nhân để quảng bá rộng khắp. Mạng xã hội vì thế giống như cái buồng không có khóa, do đó sẽ chẳng có điều gì được gọi là bí mật riêng tư tồn tại ở chốn này. Chưa hết, vấn đề đáng lên án ở đây là những hành vi thiếu văn hóa trong giao tiếp không thể thoải mái hơn để thăng hoa.

Từ những tấm hình phản cảm cho đến những câu đùa, câu nói tục, chửi bậy và nói xấu, đả kích… hết sức hào sảng. Rợn người hơn, một số trường hợp còn đưa cả người thân, thậm chí là bậc sinh thành lên cộng đồng rộng lớn để nhiếc móc, dè bỉu. Đáng buồn và xấu hổ thay!

Tiêu tốn thời gian, phát ngôn tùy tiện, thiếu tôn trọng người khác hay tự do quá trớn là những điểm tối của một bộ phận không nhỏ những người tham gia cộng đồng này. Đã có không ít ý kiến phản ứng dữ dội và yêu cầu “đóng cửa” mạng xã hội. Thiết nghĩ, điều đó là không nên. Làm như thế chẳng khác nào chúng ta tự từ bỏ đi nhiều tiện ích và đi ngược lại với xu thế phát triển.

Để mạng xã hội tiếp tục phát huy được ưu điểm vượt trội của nó, trước hết, những thành viên của cộng đồng này nhất thiết phải xây dựng cho mình một thái độ ứng xử đẹp và sử dụng nó với mục đích nghiêm túc. Giao tiếp lịch thiệp, nhã nhặn, tôn trọng người khác là những nguyên tắc cao nhất cần phải đảm bảo.

Ngoài ra, tiết chế và kiểm soát có hiệu quả thời gian sử dụng cũng là một việc làm cần thiết, đặc biệt là với đông đảo giới trẻ, khi mà thực tế hiện tại cho thấy tầng lớp này đang quá tùy tiện và lãng phí quá nhiều thời gian.

Hãy là người lịch sự, có văn hóa và sử dụng mạng xã hội một cách chừng mực. Lúc đó, với tư cách là một thành viên của cộng đồng rộng lớn, chúng ta sẽ biến không gian này thành một thế giới gặp gỡ lành mạnh, văn minh. Do đó, khi mạng xã hội lên ngôi cần rất nhiều sự quản lý của chính mỗi chúng ta và toàn xã hội ngay từ bây giờ.

Ngô Thế Lâm

Có thể bạn quan tâm