Ai quản lý việc khoan giếng nước ngầm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cứ độ hết tháng Giêng, TP. Pleiku lại rộ lên các công trình xây dựng nhà cửa. Đi dọc đường Nguyễn Văn Cừ, Tuệ Tĩnh, Trần Nhật Duật,… lên đến địa phận núi đá (TP. Pleiku) và các hẻm rẽ xương cá, “điệp khúc” khoan giếng trước khi xây nhà được hầu hết các chủ công trình răm rắp tiến hành.
 

Giàn khoan. Ảnh: Đình Phê

Vào thời điểm 10 năm, 20 năm về trước, cư dân khu vực này còn thưa thớt, để có nước sinh hoạt người ta đào giếng dù độ sâu trung bình của mỗi giếng không dưới 30 mét. Thời gian gần đây, nhà cửa được xây dựng san sát, mạch nước giếng vào mùa khô cạn kiệt dù nhà nhà đều cố ra công nạo vét.

Rút kinh nghiệm từ người đi trước, các chủ công trình bây giờ tiến hành khoan giếng lấy nước trước khi xây nhà dù chiều ngang mỗi lô đất xây dựng dân dụng thường chỉ 4 đến 5 mét, tức có nghĩa cũng với khoảng cách ấy lại có một giếng khoan. Được biết, chi phí cho mỗi giếng khoang ở độ sâu trên 100 mét lên đến hơn 30 triệu đồng.

Theo quy định, người dân muốn khoan giếng nước ngầm phải xin phép và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương mới được tiến hành nhưng thực tế hầu như rất ít trường hợp làm theo quy định. Khi đã có nguồn nước trong vắt, vô tư sử dụng không một ai nghĩ đến chuyện lấy mẫu đến cơ quan chức năng kiểm định chất lượng nước giếng nhà mình.

Đây là khu vực có địa hình tương đối cao, nước sạch từ nhà máy nước chưa thể tới được, giếng đào thường gặp phải đá bàn hoặc phải đào quá sâu lại chưa hẳn đã có nước trong khi nhu cầu nước sinh hoạt là việc chẳng đặng đừng thì khoan giếng tràn lan là hệ quả tất yếu.

Theo ông Đỗ Văn Ngạn- cán bộ Phòng Kỹ thuật Công ty Cấp nước Gia Lai thì Công ty đang có dự án xây dựng trạm bơm tăng áp cấp 3 ở khu vực tổ 13 phường Diên Hồng (gần Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) để phục vụ nước sinh hoạt cho cư dân phía Tây Nam thành phố. Khi hỏi thêm thời gian hoàn thành dự án, ông Ngạn bảo: “Là nghe lãnh đạo nhà máy có ý tưởng như thế”. Nếu quả thật như vậy, từ ý tưởng cho đến hiện thực còn biết đến bao giờ?

Với tình hình trên, theo chúng tôi, chính quyền thành phố cần đẩy nhanh chương trình nước sạch, phấn đấu trong thời gian gần nhất bảo đảm 100% hộ dân đủ nước sạch để sử dụng. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác quản lý, cấp phép khai thác nguồn tài nguyên nước; làm tốt công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu được tác hại của tình trạng khai thác giếng nước ngầm tràn lan, khuyến cáo tự giác lấy mẫu nước đem xét nghiệm để sớm có biện pháp xử lý nếu giếng bị ô nhiễm.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm