Mấy hôm nay dư luận thêm một lần bức xúc sau khi báo chí phanh phui rau sạch “dỏm”, rau ở chợ, rau củ có xuất xứ từ Trung Quốc đội lốt rau sạch, rau đạt chuẩn VietGAP rồi vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Như thường lệ, với vụ việc này, các cơ quan chức năng cũng nhanh chóng vào cuộc, cụ thể là Cục Quản lý thị trường TP.HCM, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Rồi đây, sẽ lại có những báo cáo, thậm chí những án phạt được ban hành, rồi một loạt giải pháp “mạnh”, “khả thi” lại được nêu ra để “ngăn chặn có hiệu quả” các hành vi gian lận, “hô biến” rau thường, rau bẩn thành rau sạch, rau VietGAP.
Nhưng “nỗi đau rau VietGap” liệu có vơi đi ít nhiều, nỗi oan ức bị đội lốt của rau VietGAP liệu có sớm được rửa sạch triệt để?
Hỏi như vậy bởi lẽ, đây không phải lần đầu việc đội lốt rau sạch, rau VietGAP bị đưa ra ánh sáng. Cách đây 8 năm, vào năm 2014, Báo Thanh Niên có loạt bài điều tra công phu vạch trần mánh khóe gắn mác rau an toàn, rau VietGAP cho rau bẩn và đường đi của loại rau này đến tay các bà nội trợ. Loạt bài khiến dư luận dậy sóng phẫn nộ trước hành vi lừa dối, móc túi người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm từng mâm cơm hằng ngày của mỗi gia đình. Cơ quan chức năng khi đó cũng nhanh chóng vào cuộc. Và rồi, vấn nạn này vẫn tái diễn để rồi đến nay một lần nữa bị vạch trần.
Đành rằng những kẻ vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, kể cả sức khỏe người dân, nhắm mắt “rửa nguồn”, “rửa chất lượng” rau để bán với giá cao hơn, thu lời bất chính, luôn có trăm phương nghìn kế che đậy hành vi của mình. Tuy nhiên, những người dân hằng tháng, hằng năm miệt mài đóng thuế, vẫn phải đau đáu với những câu hỏi: Trách nhiệm của những người “gác cổng” ở đâu? Có nhiều cơ quan, lực lượng được giao gánh trên vai trọng trách giám sát, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm…; rồi quy trình đưa một bó rau vào siêu thị, cửa hàng tiện ích, những nơi mà các chuyên gia về an toàn thực phẩm luôn khuyến cáo “người tiêu dùng thông minh” đến mua, là rất nghiêm ngặt nhưng tại sao “rau núp bóng” vẫn “chui” được vào?
Để có được bó rau sạch, rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, người nông dân phải đổ nhiều hơn mồ hôi trên đồng ruộng, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và quy định, chi phí đầu tư cũng cao hơn nhiều so với trồng rau bình thường. Những cái tên như rau sạch, rau an toàn, rau VietGAP đã trở thành thương hiệu đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng mong muốn có được những bó rau sạch, rau an toàn và họ chấp nhận chi trả nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, niềm tin của các bà nội trợ đã bị đánh cắp. Thương hiệu rau an toàn, rau VietGAP cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những vụ “hô biến” như nêu trên.
Ai trả lại tên cho rau VietGAP? Câu trả lời là không khó, thậm chí rất dễ để “chỉ mặt, đặt tên” cụ thể, rõ ràng. Cái khó nhất là những địa chỉ trách nhiệm có gắng hết sức, có tận tụy liên tục để làm tốt trọng trách gác cổng an toàn vệ sinh thực phẩm của mình hay không!
Theo Bùi Trần (TNO)