Ấm lòng ngày gặp lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 60 năm làm nên chiến thắng Đak Pơ-trận đánh được ví như Điện Biên Phủ ở Tây Nguyên, những chiến sĩ Đak Pơ năm xưa đã có cuộc hội ngộ xúc động ngay trên địa danh diễn ra trận đánh huyền thoại.

Niềm vui trong ngày gặp mặt. Ảnh: Phương Linh

Đó là cuộc gặp thấm đẫm nước mắt và nụ cười. Những chiến sĩ thanh xuân khi tham gia trận đánh năm nào giờ đã tóc bạc, da mồi. Có người chẵn 60 năm mới gặp lại bạn cũ, đồng đội cũ. Những giọt nước mắt vui ngày gặp mặt, nhưng cũng có những giọt nước mắt thương nhớ đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống. Những cái nắm tay run rẩy vì tuổi tác, vì sự xúc động mà không lời lẽ nào có thể nói đủ trong giây phút này. Họ tranh thủ từng giây từng phút ngồi lại bên nhau, hỏi han và cùng nhau nhớ lại những tháng ngày hùng tráng năm nào. Biết sẽ khó để thăm nhau khi tuổi tác đã in hằn trên những bước chân run run, trong nụ cười móm mém, trong ánh mắt đã mờ bóng thời gian, nhưng họ vẫn trao nhau những mảnh giấy cẩn thận ghi từng địa chỉ, từng số điện thoại liên lạc và hẹn ngày gặp lại...

Gần hai ngày ở bên đồng đội, thăm lại chiến trường xưa với những địa danh cũ, nhắc nhớ từng phút giây sinh tử trong trận chiến cam go với kẻ thù, những cựu binh đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Vậy mà, trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đak Pơ, ông Trương Quang Quyền-Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 đã lạc giọng khi nói về những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong trận chiến sinh tử. Đó là nỗi đau, sự mất mát tột cùng chỉ những người lính mới hiểu rõ. Ở tuổi 87, ông khóc trong sự biết ơn khi nhìn lại quá khứ, khóc vì những đồng đội vẫn còn nằm lại đâu đó, mà theo ông: “Cần có phương pháp mới để tìm kiếm. Cần sự kiên trì, bền bỉ bởi thời gian đã trôi đi quá lâu, địa hình đã thay đổi quá nhiều”.

 

Các cựu binh tham quan Nhà truyền thống chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: Phương Linh

Cùng tâm trạng bồi hồi khi được gặp lại đồng đội, cựu binh già Đặng Công Quảng (83 tuổi, phường Hội Thương, TP. Pleiku) thấy nặng lòng khi nghĩ đến những chiến sĩ đã hy sinh. Ông Quảng ngậm ngùi: “Chúng tôi, những người lính may mắn sống sót thật sự rất xúc động khi được gặp lại nhau trong dịp đặc biệt này. Chỉ buồn vì sau 60 năm, 147 hài cốt của đồng đội hy sinh tại chiến trường này vẫn chưa quy tập. Mong rằng trong thời gian sớm nhất, chính quyền địa phương sẽ tìm thấy và đưa các anh về đền tưởng niệm các liệt sĩ Đak Pơ”.

Cựu binh Phan Hồng Thố (TP. Quy Nhơn, Bình Định) năm nay bước sang tuổi 84, tóc bạc trắng và sức khỏe đã yếu đi nhiều. Trong suốt hai ngày qua, ông Thố vui lắm vì gặp lại nhiều đồng đội cùng chung chiến hào năm xưa. Không chỉ vậy, sau bao năm quay trở lại, ông Thố không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi của nơi trước kia toàn mảnh bom vỏ đạn: “Tôi không ngờ nơi đây lại đổi thay nhanh như vậy. Đường sá, nhà cửa, dân cư, những cánh đồng mía bạt ngàn… đã biến vùng chiến địa khốc liệt thành mảnh đất giàu sức sống”. Lần gặp mặt này, ông Thố đi cùng với con gái của mình. Mỗi khi đi qua một địa danh, một dấu mốc nào đó trên suốt dọc tuyến đường 19, ông đều kể cho con nghe từng chi tiết của trận đánh. “Có lẽ, tôi chỉ tham gia cuộc gặp mặt được lần này nữa thôi, sức tôi đã yếu lắm rồi, gia đình cũng không dám để đi xa nữa. Những năm trước, các anh cựu binh từ Hà Nội vào tới bốn chục người, nhưng năm nay chỉ còn một nửa…”-giọng ông Thố chợt trầm xuống.

 

Ảnh: Phương Linh

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đak Pơ cũng là chừng ấy thời gian cựu binh Nguyễn Anh Hồi (83 tuổi, phường An Phú, thị xã An Khê) chưa một lần gặp lại đồng đội cũ. Sau khi bắn hạ chiếc xe bộ binh thứ hai của quân địch, ông bị thương và được chuyển về đơn vị tại tỉnh Bình Định chuẩn bị cho đợt tập kết ra Bắc. Kể từ ngày ấy, ông chưa một lần gặp lại những người bạn cùng chiến đấu. Viết vội dòng tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của mình lên mảnh giấy cho người đồng đội từ Phú Yên lên, ông Hồi chia sẻ: “Từ ngày tập kết ra Bắc, vào Nam, nghỉ hưu rồi cùng gia đình chuyển về thị xã An Khê sinh sống, rất hiếm khi tôi được gặp lại những đồng đội cũ. Cảm ơn cấp trên đã quan tâm đến thế hệ cựu binh để chúng tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với nhau sau bao năm xa cách”.
 

Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ được xây dựng bên trong khuôn viên Đài tưởng niệm Chiến thắng Đak Pơ (thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) với diện tích 1,1 ha. Đền tưởng niệm bao gồm các hạng mục: đền tưởng niệm; nhà trưng bày, nhà quản lý; tượng đài; các công trình phụ trợ và hệ thống hạ tầng sân, đường, cây xanh.

Những câu chuyện sau bao nhiêu năm cách xa cứ dài mãi ra. Mỗi người có những kỷ niệm riêng với chiến tranh, với đồng đội cũ. Nhưng kể từ giây phút gặp mặt ngày hôm nay, những cựu binh đều có chung một câu chuyện, chung sự quan tâm, đó là công trình đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ vừa được khởi công xây dựng. Đây là sự ghi nhận xứng đáng công lao những chiến sĩ Đak Pơ trong trận đánh lịch sử, sớm kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

Hoàng Ngọc-Phương Linh

Có thể bạn quan tâm