Điểm đến Gia Lai

Ẩm thực miền Trung giữa Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không cần đi đâu xa, ngay trong lòng TP. Pleiku bạn cũng có thể thưởng thức đa dạng văn hóa ẩm thực đến từ các vùng miền. Trong số đó phải kể đến ẩm thực miền Trung vốn rất đậm đà, đa dạng.
Thực khách hay bảo nhau quán mì Quảng Nam của gia đình bà Lê Thị Ngọc Điệp (số 12 Nguyễn Đình Chiểu) là quán mì Quảng 3 thế hệ. Từ Quảng Nam chuyển đến Pleiku sinh sống từ năm 1980, vào những năm khó khăn mọi bề, mẹ bà Điệp luôn nghĩ đến việc làm thế nào để mưu sinh trên mảnh đất còn xa lạ này để nuôi sống gia đình. Và gánh mì Quảng mang hương vị đặc trưng quê hương, mang tất cả tâm tư, tình cảm chất chứa của người con xa quê đã ra đời, phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân Phố núi. Thời gian đầu tuy phải buôn gánh bán bưng nhưng lúc nào gánh mì cũng được khách ủng hộ bởi vị thơm ngon, đậm đà.
 Bún bò Huế. Ảnh: internet
Bún bò Huế. Ảnh: internet
Hiện nay, sau hơn 30 năm mở quán, quán mì Quảng Nam nằm trên “phố ăn hàng” Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành địa điểm quen thuộc không chỉ của những người con đất Quảng mà còn được dân sành ăn Phố núi Pleiku yêu thích. Khách thường xuyên tìm đến cũng bởi những sợi mì do chính tay chủ quán nhào bột, cắt sợi quyện hòa cùng nước súp thanh ngọt, để lại dư vị khó quên. Giờ đây, dù của ngon vật lạ không thiếu, hàng quán rất nhiều nhưng đối với nhiều người đã từng thưởng thức tô mì Quảng của mẹ con bà Điệp một thời khó khổ thì tô mì ở đây như lưu giữ một phần ký ức đẹp đẽ, thân thuộc đã qua.
Cũng trên đường Nguyễn Đình Chiểu có một quán bún bò Huế ngon có tiếng với chị chủ quán có tên gọi rất “hoàng tộc”: Công Tằng Tôn Nữ Phương Oanh. Nghề chính của chị Oanh khi còn ở Huế là may áo dài truyền thống. Khi gặp gỡ và kết duyên cùng chồng (sinh ra và lớn lên tại Pleiku), chị theo chồng lên sinh sống lập nghiệp tại đây vào năm 2000. Sau 18 năm mở quán (số 68 Nguyễn Đình Chiểu), đến nay món ăn đặc trưng xứ Huế được chị chế biến đậm vị với mắm ruốc, nước mắm, ớt bột... vẫn luôn khiến nhiều thực khách xuýt xoa. Chị Oanh bảo, có lẽ vì mắm ruốc được chị đặt từ Huế vào nên có vị ngon không đâu sánh bằng. Nhiều khách hàng cũng rất thích món chả cua do chính tay cô chủ chế biến khiến tô bún bò mang vị ngon lạ, không lẫn vào đâu được. Ngoài việc mưu sinh, chị Oanh còn gửi vào đó mong muốn quảng bá món ngon quê hương mình đến với người dân Phố núi.
Một món ăn có gốc gác miền Trung khác cũng gây ấn tượng với thực khách bởi tên gọi “đặc sản Bình Trị Thiên”, khiến ai vô tình nhìn thấy cũng muốn thưởng thức. Đó là quán bánh canh cá lóc (số 85 Phan Đình Giót) của chị Nguyễn Thị Như đến từ xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Quán tuy mới mở được khoảng 4 năm nhưng là địa điểm ưa thích của nhiều người vốn thích vị mặn mà đặc trưng của ẩm thực miền Trung. Đó cũng là từng ấy năm gia đình chị chuyển lên đây lập nghiệp. Bánh canh được gia đình chị làm hoàn toàn từ bột gạo, không gây ngán nên là điểm cộng của quán. Chia sẻ về bí quyết tạo nên hương vị đặc biệt, chị Như cho biết đó chính là nhờ những gia vị như nước mắm nhỉ, ớt bột và củ nén được phi thơm gia giảm cùng với món ăn. Nước súp được chị ninh từ xương và đầu cá lóc, phần thịt cá lấy hết xương và xào lên, sau đó cho trực tiếp vào tô bánh canh. Ban đầu đây chỉ là món ăn chiêu đãi bạn bè, người thân, về sau được sự ủng hộ và khích lệ chị đã mạnh dạn quảng bá đặc sản quê hương đến với mọi người.
Ngoài sự giao thoa văn hóa ẩm thực các vùng miền ngay trong lòng thành phố, ở những quán ăn ấy ta cũng bắt gặp sự tảo tần, vun xén của bao mảnh đời mưu sinh nơi mảnh đất ân tình này...
Võ Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm