Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Âm vọng ting gling

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đêm, núi rừng cao nguyên chìm trong giấc ngủ im lìm, rừng xà nu rì rào khe khẽ, như sợ đánh thức giấc ngủ ai đó bên bếp lửa đang lụi dần. Có âm thanh văng vẳng từ xa, khi thánh thót, khi mượt mà như dải lụa, lúc dịu dàng như nhịp thở trẻ thơ say giấc. Nhịp nhàng, khoan thai. Gling, gling... gling... gling... Tiếng đàn dìu theo gió vang xa.
Người Tây Nguyên đều biết đến đàn ting gling, như người bạn thân trên rẫy. Người Kinh gọi là đàn nước, đơn giản vì đàn sử dụng sức nước, không cần người gẩy mà cứ ngân vang suốt đêm ngày.
Ting gling có từ thời nào, không ai nhớ nữa. Chỉ biết đàn đã gắn với đồng bào Tây Nguyên từ lâu lắm. Từ thời già làng còn là đứa bé theo mẹ lên rẫy, đàn ting gling đã ở đó, ru dân làng rồi.  Và giờ đây, qua bao mùa rẫy, ting gling vẫn cất cao âm thanh huyền diệu như mời gọi, như thúc giục con người tìm đến.
  Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Việc làm đàn ting gling thì đồng bào ai cũng biết nhưng ít người làm giỏi. Người ta vào rừng, chặt những ống nứa với kích cỡ khác nhau và chọn những đoạn cây, đoạn dây rừng để kết từng ống nứa lại thành một dàn nứa đung đưa trên suối. Và một bộ phận không thể thiếu là hệ thống hứng nước, truyền lực để các cần đàn gõ vào ống nứa, từ đó phát ra âm thanh. Nước suối từ rừng sâu chảy về chính là “người gảy đàn” để ting gling hát ngày đêm không biết mỏi. Tùy dòng suối nước nhiều hay ít, tùy nơi đặt đàn gần hay xa nương rẫy, nghệ nhân sẽ biết cách tính toán để bố trí số lượng ống nứa phù hợp nhằm tạo ra âm thanh với những cung bậc trầm bổng khác nhau, nhịp điệu khác nhau. Vậy nên, nếu có một ngàn đàn ting gling thì có một ngàn điệu thức khác nhau, không trùng lặp.
Khác với người anh em cồng chiêng luôn hiện diện trong các lễ hội, đàn ting gling ở trên suối, nơi rẫy của đồng bào, suốt ngày dạo nhạc cho người làm rẫy nghe. Tiếng đàn ting gling làm lòng người phơi phới, xua tan mệt nhọc, gọi về tiếng hát. Con gái nghe tiếng đàn ting gling thấy lòng bồi hồi, con trai bên đàn ting gling tưởng như hiện diện đâu đó quanh mình tiếng hát người thương. Người già đến với ting gling thấy lại phơi phới tuổi xuân thì... Kể sao hết tình cảm của dân làng với cây đàn ting gling yêu quý!
Người ta kể rằng, rẫy nào gần đàn ting gling thì rẫy đó ít bị thú rừng phá hoại, cây lúa vui mừng nên hạt lúa mẩy hơn. Thì ra, ting gling còn là người bảo vệ mùa màng, bảo vệ dân làng.
Và đến bây giờ, trên dòng suối mát trong nơi rẫy xa, ting gling vẫn cất lên tiếng gling... gling... gling... huyền diệu, gọi đồng bào đi trỉa bắp, trồng khoai. Tiếng đàn phấn khởi, reo vui như chưa hề biết đến nỗi buồn, chưa hề biết đến tuổi già. Mà ting gling nào có tuổi. Như dòng suối, như núi đồi ngàn năm trẻ mãi.
ĐẶNG MINH SÁNG

Có thể bạn quan tâm