Những cánh rừng ở đầu nguồn Tây Nguyên đang teo tóp và người dân đang phải trả giá vì điều đó.
Phá rừng đầu nguồn ở huyện Kbang (Gia Lai) diễn ra với quy mô lớn
1. Nhắc đến Tây Nguyên, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến rừng, sẽ mường tượng ra những dòng thác cuộn chảy ầm ầm xuống vách đá. Sẽ nghe đâu đó câu chuyện của những người Jrai, Ba Na, Ê Đê kể chuyện buôn làng đuổi thú dữ và bọn trẻ lớn lên dưới những tán cây dày đặc.
Ngay cả tôi, trước khi lên Tây Nguyên làm việc vẫn mường tượng rằng đó là một vùng đất hoang sơ với những cánh rừng ngút tầm mắt. Sẽ được lần men theo những cung đường vắt qua sườn núi ở đường biên giới, tưởng tượng mình như cơn gió đi hoang qua thăm thẳm giữa đại ngàn…
Tôi từng hứa với đám bạn ở quê nhà, sẽ mời chúng đi thăm nhà rông. Và tưởng tượng khi hừng đông đỏ rực phía Tây, khi tiếng tác của nai rừng vọng vào vách núi, những nhọc nhằn để lại chân cầu thang, tất cả sẽ tận hưởng sự bao dung ấm áp của đại ngàn, những nỗi lo cơm áo, gạo tiền bỗng tiêu tan...
Nhưng không, tôi thực sự sốc khi tới đây. Chẳng còn bạt ngàn rừng núi như tôi tưởng. Những người tôi gặp nói thiên nhiên đã bị cướp đi những thứ vốn là của nó hàng ngàn năm qua.
2. Cách đây vài tháng, tại Gia Lai, người ta đã họp công bố một kết luận cực sốc. Đó là câu chuyện buồn của một cánh rừng biên giới nơi có rất nhiều lực lượng “đóng chân”.
Cánh rừng phòng hộ huyện Đức Cơ đang từ gần 15.000 ha, chỉ chưa đến chục năm (từ 2011- 2019) đã chỉ còn một nửa.
Tháng 4/2019, giữa cái nắng oi ả trên vùng đất biên giới, chúng tôi có dịp vào đường tuần tra biên giới theo chân một đoàn công tác đặc biệt. Con đường trải bê tông xi măng được bảo vệ bởi lực lượng biên phòng rất cẩn mật. Những người lạ có thể bị yêu cầu rời khỏi khu vực an ninh biên giới sau khi xét hỏi và kiểm tra giấy tờ tùy thân. Tưởng chừng như ở một khu vực được canh giữ nghiêm ngặt, việc bảo vệ rừng chắc chắn thuận lợi cho ngành lâm nghiệp. Nhưng không, rừng ở vành đai biên giới bị cạo trọc đến mức đáng kinh ngạc.
Dẫn chúng tôi men theo những con đường nhỏ cách đường tuần tra biên giới vài trăm mét, rừng phòng hộ Đức Cơ lộ nguyên diện mạo. Những gốc cây to bị hạ sát dần dày đặc. Rừng trống trước tầm mắt. Thật khó để diễn tả cảm giác trước mắt là một khoảng đất mênh mông trơ trọi nhưng được giới thiệu là “rừng”.
Không chỉ riêng ở rừng phòng hộ Đức Cơ mà hàng chục ngàn ha rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai và cả Tây Nguyên đã biến mất bởi nạn phá rừng, bởi những dự án thuỷ điện…
3. Ở Tây Nguyên có vài trăm thuỷ điện lớn nhỏ. Không thể phủ nhận cái được của các dự án thủy điện ở Tây Nguyên thời gian qua đã cung ứng điện năng, phục vụ thủy lợi, phát triển cơ sở hạ tầng, thêm công ăn việc làm cho bà con… Tuy nhiên, việc ồ ạt xây dựng thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Được điện thì mất rừng; lụt lội, lũ quét, sạt lở luôn đe dọa…
Tôi nhớ như in những ngày tác nghiệp ở vùng lũ ở Ayun Pa vào cuối năm 2016. Khi ấy, thuỷ điện An Khê - Ka Nak xả lũ làm những ruộng dưa, những cánh đồng của người dân đang chờ thu hoạch chỉ còn một màu đục ngàu của nước.
Và cũng ở Ayun Pa, 6 tháng trước đó, hạn hán mất mùa khiến hàng ngàn người dân lao đao. Lãnh đạo tỉnh năm ấy đã từng than với lãnh đạo Chính phủ rằng từ khi Thủy điện An Khê - Ka Nak đi vào hoạt động đã gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng đối với hạ lưu sông Ba, khiến trên 6.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; gần 7.000 ha cây trồng bị hạn, gây nhiều bức xúc cho nhân dân.
Mới đây, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng lại bị lũ dữ hoành hành. Có một gia đình không may bị cả quả đồi nuốt chửng. 5.000 hộ dân thuộc vùng nguy hiểm phải vội vã rời khỏi nhà của chính mình khi thủy điện Đắk Kar gặp sự cố. Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, những cánh rừng nguyên sinh ngã xuống, muông thú không còn. Nhiều dòng sông gần như chết về mùa hạn. Có thể điện năng từ nhà máy thủy điện làm lung linh ánh đèn ở đâu đó, nhưng những người dân dưới chân đập thì trăm bề nỗi lo.
Những bạt ngàn cao su, cà phê, hồ tiêu từng mọc lên trên khắp các nông trường của tập đoàn, công ty này nọ. Nhưng rồi, hãy nhìn lại ngành cao su, cà phê thế nào? Hồ tiêu bây giờ ra sao? Có đổi lại nổi màu xanh đại ngàn?
Câu dân gian “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” đó có lẽ là lời tiên tri bất diệt tới muôn đời. Phá rừng không chỉ là chặt hạ đi những cây gỗ, phá rừng đang cướp đi sinh kế của bà con. Ấy vậy mà nhiều năm nay, rừng Tây Nguyên vẫn mất...
Và Tây Nguyên đang phải trả giá cho những cánh rừng ngã xuống!
Tạ Vĩnh Yên (Giao Thông)