An dân mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi dịch Covid-19 tái bùng phát, những công dân Gia Lai mưu sinh ở xứ người xoay xở mọi cách để được trở về an toàn. Sau những niềm vui của ngày đoàn tụ thì không ít người lại thấp thỏm nỗi lo sinh kế và tìm cách gầy dựng lại cuộc sống.
Nước mắt ngày về
Trước ngày TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Hải Hà (thôn 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng 1 người họ hàng vội vàng thuê xe ô tô về quê để tránh dịch Covid-19. Chi phí hết 5 triệu đồng cho một chuyến xe là số tiền không nhỏ nhưng họ không còn sự lựa chọn khác. Lê Mạnh Dũng (con trai đầu của chị Hà) bộc bạch: “Do giá nông sản xuống thấp và thiếu việc làm khiến gia đình nợ nần chồng chất. Sau khi bàn bạc, gia đình em đi đến quyết định là bố ở lại làm vườn, trông coi nhà cửa còn 3 mẹ con vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Đầu năm 2021, chúng em được nhận vào làm công nhân cho một công ty lắp ráp linh kiện điện tử với mức lương gần 10 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy mà gia đình có thêm tiền để trả nợ. Thế nhưng, dịch Covid-19 ập đến, người lao động ai nấy đều tìm cách trở về quê, chúng em cũng không dám ở lại. Không ở lại là đúng vì công ty tạm ngưng hoạt động, không có việc làm thì không có lương, trong khi tiền nhà trọ mỗi người 1 triệu đồng/tháng, rồi chi phí sinh hoạt hàng ngày và bao thứ khác phải lo”.
Cùng trở về quê trước ngày TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội còn có mẹ con chị Nguyễn Thị Dung (cùng thôn). Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, chị Dung bùi ngùi kể: “Sau Tết Nguyên đán 2021, tôi vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân, 2 đứa con gái ở nhà với bố. Dịp hè, con gái lớn cũng vào làm công nhân cùng tôi. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh, mẹ con vội trở về, còn chưa kịp nhận tiền lương. Dù tốn một khoản không nhỏ tiền thuê xe về quê cộng chi phí ăn ở tại khu cách ly hơn 14 ngày, nhưng về được là mừng rồi”.
Mẹ con chị Nguyễn Thị Hải Hà (thôn 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) buồn vui lẫn lộn sau khi trở về địa phương tránh dịch. Ảnh: Hoành Sơn
Như bao người bạn đồng trang lứa ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện), Siu H’Jú vào tỉnh Bình Dương làm công nhân để mong cuộc sống gia đình bớt khổ. Có điều hành trình vào miền Nam mưu sinh của H’Jú không suôn sẻ khi công việc chưa ổn định thì dịch Covid-19 ập đến. “Em ở trọ tại Bình Dương nhưng làm ở tỉnh Bình Phước. Mỗi ngày, em đi làm hơn 40 km bằng xe đưa đón của công ty. Dịch Covid-19 đến Bình Dương, Bình Phước hạn chế người tỉnh bạn vào địa phương nhằm ngăn ngừa lây nhiễm cho cộng đồng, công nhân thất nghiệp. Sau 2 tuần liền ăn mì tôm, cơm trắng, em cùng mấy người bạn quyết định đón xe đò về Gia Lai. Khi em về đến nơi, mẹ con ôm nhau rưng rưng nước mắt”-H’Jú chia sẻ.
Đối với ông Siu Nuk (trú tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) thì hành trình “chạy dịch” từ TP. Hồ Chí Minh về quê bằng xe máy mãi khắc sâu trong tâm trí. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông cùng 3 con phiêu dạt vào các tỉnh miền Nam kiếm tiền về trả nợ ngân hàng và trang trải cuộc sống hàng ngày. Dịch Covid-19 ập đến, ông Nuk được chủ cho ứng tạm 2,5 triệu đồng tiền lương tháng 7 để cầm cự qua ngày. Ông trầm tư kể: “Thấy mọi người vội vã tìm cách về quê, mình cũng đứng ngồi không yên, loay hoay tìm kiếm xe. Sau cùng, mình đành chạy xe máy về Chư Pưh. Trong người còn ít tiền nhưng lo sự cố dọc đường, mình nhịn ăn sáng, chạy đến tỉnh Bình Dương thì được phát cho hộp xôi ăn tạm rồi lên xe chạy tiếp. Khi về đến địa phận huyện nhà an toàn, mình mừng lắm, cầm hộp thức ăn mọi người đưa cho mà nước mắt cứ thế chảy. Dẫu sao thì mình cũng may mắn hơn nhiều người còn bị kẹt lại trong kia”.
Tìm cách gầy dựng lại cuộc sống
Dịch Covid-19 quét qua khiến bao phận người vốn đã khó khăn nay lại càng thêm vất vả. “Về được là mừng rồi nhưng ngủ không yên giấc vì canh cánh  khoản nợ ngân hàng 150 triệu đồng. Đây là số tiền tôi vay ngân hàng để đầu tư cho mấy sào hồ tiêu, cà phê. Ngờ đâu, cà phê xuống giá, còn hồ tiêu thì chết hàng loạt. Tôi vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân để có tiền trả bớt nợ nhưng cũng chưa được là bao. Bây giờ thì cũng chỉ biết chờ hết dịch Covid-19 rồi tính tiếp”-chị Nguyễn Thị Dung tâm sự.
Nhà Siu H’Jú thuộc diện hộ nghèo. Năm lớp 3, bố em qua đời do trọng bệnh. Do đó, H’Jú phải nghỉ học sớm để cùng mẹ làm rẫy, làm mướn nuôi các em. H’Jú chia sẻ: “Tạm thời, em phụ mẹ chăm 4 sào mì và 3 sào lúa. Nếu tình hình dịch bệnh khả quan hơn thì em sẽ lại vào miền Nam làm công nhân hoặc lên TP. Pleiku tìm việc làm để kiếm tiền giúp gia đình trả nợ”.
Còn Lê Mạnh Dũng dự tính sẽ đi học nghề để có việc làm ổn định hơn trong thời gian tới. “Trước mắt, em vẫn giúp bố mẹ làm rẫy. Đến khi dịch bệnh được khống chế thì em sẽ đi học nghề để có việc làm, thu nhập ổn định hơn”-Dũng bày tỏ.
Siu H’Jú (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) chia sẻ, tạm thời, em phụ mẹ chăm 4 sào mì và 3 sào lúa của gia đình. Ảnh: Hoành Sơn
Gia Lai từng là vùng đất mang lại thu nhập ổn định cho lao động các nơi khác. Còn nhớ, khi đến vụ thu hoạch nông sản đã từng có hàng ngàn lượt nhân công trong nước đổ về làm thuê. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, rồi nông sản rớt giá... khiến nhiều người dân phải tha hương mưu sinh. Trên thực tế, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động, thu hút đầu tư nhằm tạo việc làm cho người dân. Không ít lao động được hưởng lợi từ các chương trình này. Dù vậy, người dân vẫn trông mong một giải pháp căn cơ để yên tâm gắn bó với mảnh đất quê hương thay cho những cuộc “Nam tiến” cầu may. 
Ông Trần Văn Cường-Bí thư Chi bộ thôn 1 (xã Ia Hrung) thông tin: “Người dân trong thôn vào các tỉnh miền Nam làm công nhân khá đông. Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán là bà con lên đường, có hộ đi cả gia đình, bỏ nhà trống, vườn hoang. Người dân kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ trong thời điểm dịch bệnh như thế này, đồng thời có những giải pháp cụ thể, căn cơ giúp bà con phát triển kinh tế bền vững trên chính mảnh đất quê hương”. 
Một trong những giải pháp có tính lâu dài được tính đến chính là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo ông Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai, những năm gần đây, nhà trường phối hợp triển khai nhiều lớp đào tạo nghề cho thanh niên trên địa bàn tỉnh và bước đầu phát huy hiệu quả. “Chúng tôi đã phát phiếu điều tra xã hội học đối với tất cả trường hợp lao động trở về địa phương tại các khu cách ly tập trung của tỉnh. Qua đây, chúng tôi nhận thấy nhu cầu học nghề của người dân rất lớn. Nhà trường đang tính toán để thời gian tới mở các lớp đào tạo nghề phù hợp như: pha chế, nấu ăn, phục vụ bàn… Học viên sau khi kết thúc khóa học sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các nhà hàng trên địa bàn tỉnh”-ông Điều cho biết.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm