Xã hội

Gia đình

Ẩn họa mang tên "ngáo đá"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong rất nhiều vụ con ra tay sát hại cha mẹ, chồng giết vợ, cha giết con, người tình giết nhau hay truy sát hàng loạt xảy ra ở nước ta thời gian qua, thủ phạm gây án được xác định là do “ngáo đá”. Điều đó cho thấy, các đối tượng “ngáo đá” đang là ẩn họa khôn lường đối với sự an toàn của cộng đồng. Càng đáng lo ngại hơn khi số lượng vụ án mạng, cố ý gây thương tích do đối tượng “ngáo đá” gây ra có xu hướng gia tăng theo thời gian, tương ứng với sự gia tăng số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp.
Bị can Nguyễn Thị Hà gây tội ác với chị Y Nhiêu là một đối tượng ngáo đá nặng
Bị can Nguyễn Thị Hà gây tội ác với chị Y Nhiêu là một đối tượng ngáo đá nặng.
Cách đây 3 ngày, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Ngô Quốc Tiến (SN 1997, trú tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) 14 năm tù về tội “Giết người”. Theo cáo trạng, chiều 27-4-2017, sau khi sử dụng ma túy, dù không có mâu thuẫn gì nhưng Tiến vẫn dùng dao truy sát 2 phụ nữ hàng xóm khiến họ bị thương tật lần lượt là 67% và 9%.
Trước đó hơn 1 tuần, tại huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), đối tượng Nguyễn Hoài Thanh (SN 1994) cũng đã vô cớ cầm dao đâm trọng thương 2 bà cháu ở gần nhà rồi bỏ trốn. Đến khi lực lượng Công an có mặt vận động đầu thú, thậm chí nổ súng cảnh cáo, đối tượng này vẫn ngoan cố cầm dao đâm tiếp 2 người, trong đó 1 người tử vong do vết thương thủng tim. Sau đó, Thanh chạy về nhà cố thủ và dùng dao tự đâm vào người mình gây thương tích nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trước khi gây án, đối tượng Thanh đã sử dụng ma túy.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ án mạng, cố ý gây thương tích xảy ra thời gian qua ở nước ta mà đối tượng trước khi gây án đã sử dụng ma túy (nhất là ma túy đá) và rơi vào tình trạng hoang tưởng, ảo giác, hay còn gọi là “ngáo đá”. Theo các chuyên gia y tế, ma túy đá là một loại ma túy tổng hợp ở dạng tinh thể có chứa chất mathaphetamine hoặc amphetamine. Khi đi vào cơ thể, các chất này làm người sử dụng bị biến đổi tư duy, tri giác với các hiện tượng như ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị người khác truy đuổi, đe dọa giết hại hoặc nhìn thấy ma quỷ, quái vật. Từ đó, đối tượng “ngáo đá” thường mất khả năng kiểm soát hành vi của bản thân, nhẹ thì múa may quay cuồng, cởi hết quần áo nơi công cộng hay leo lên mái nhà, cột điện; nặng thì dùng vũ khí tự thương, tự tử hoặc tấn công người khác. Vụ đối tượng Nguyễn Thị Hà hành hung dã man chị Y Nhiêu ở TP. Pleiku gây xôn xao dư luận những ngày qua là một ví dụ. Theo thông tin ban đầu, do “ngáo đá”, đối tượng này luôn hoang tưởng nghĩ rằng bị chị Y Nhiêu bỏ “thuốc thư”, bỏ mảnh thủy tinh, thép gai vào đầu mình hay bỏ thuốc ngủ, a xít vào thức ăn của mình. Rất có thể vì vậy mà đối tượng mới nhẫn tâm hành hung chị Y Nhiêu.
Trong rất nhiều vụ con ra tay sát hại cha mẹ, chồng giết vợ, cha giết con, người tình giết nhau hay truy sát hàng loạt xảy ra ở nước ta thời gian qua, nguyên nhân gây án được xác định là do “ngáo đá”. Điều đó cho thấy, các đối tượng “ngáo đá” đang là ẩn họa khôn lường đối với sự an toàn của cộng đồng. Càng đáng lo ngại hơn khi số lượng vụ án mạng, cố ý gây thương tích do đối tượng “ngáo đá” gây ra có xu hướng gia tăng theo thời gian, tương ứng với sự gia tăng số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp. Theo báo cáo mới đây của Bộ Công an, hiện nay, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, có trên 67,5% số người nghiện đang sinh sống trong cộng đồng, 13,5% số người ở trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, 19% số người còn lại ở trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Đáng chú ý là tỷ lệ người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay ước tính chiếm khoảng 60-70% số người nghiện. Riêng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ này lên đến 70-85%.
Khi số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, lượng ma túy tổng hợp từ nước ngoài tuồn vào nước ta cũng tăng (theo thống kê của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy (Bộ Công an), lượng ma túy tổng hợp bị thu giữ trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 39% so với cùng kỳ năm 2017). Rõ ràng, việc ngăn chặn ẩn họa từ các đối tượng “ngáo đá” đang là một thách thức với toàn xã hội. Và việc giải quyết thách thức này không thể chỉ trong ngày một ngày hai mà phải lâu dài, với sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, các lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng… cần quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn hoạt động của tội phạm ma túy; ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần làm tốt hơn nữa công tác cai nghiện. Quan trọng hơn hết, mỗi gia đình cần quan tâm giáo dục, giúp con em nâng cao nhận thức, biết tránh xa tệ nạn ma túy.
Lê Hà

Có thể bạn quan tâm