Phóng sự - Ký sự

Góc khuất sau các video triệu view của 'thánh ăn'

Ăn 'không chừa thứ gì' để lên xu hướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vì sao nhiều nhà sáng tạo nội dung lao vào cuộc đua trở thành "thánh ăn - mukbanger" trên mạng xã hội?

Đằng sau hào quang của sự nổi tiếng, trở thành đại diện thương hiệu của nhiều nhãn hàng, kiếm bộn tiền từ mạng xã hội, các "thánh ăn" phải đánh đổi điều gì? PV Thanh Niên đã tìm hiểu những góc khuất sau các video triệu view từ người trong cuộc.

Năm "tam tai" của ếch òn

Gần đây, một trong những video đang lên xu hướng "mukbang" trên mạng xã hội Việt là ăn ếch òn, do ảnh hưởng từ các nhà sáng tạo nội dung mukbang Thái Lan. Lướt hầu hết các video ăn ếch òn đủ món, dân mạng phải "kêu trời" rằng đây đúng là "năm tam tai của ếch òn".

Ếch òn là động vật lưỡng cư, có phần bụng nở to đặc trưng, sống trên đồi cát hoặc dưới chân núi, nơi đất cát tơi xốp. Thức ăn của chúng là các loài côn trùng có cánh bay tầm thấp như mối. Một số người biết cách chế biến ếch òn thành món ăn "độc nhất vô nhị". Vào khoảng tháng 5, tháng 6 hằng năm là mùa ếch òn ôm trứng nên được đánh giá là "ngon, bổ" hơn nhưng trước đây chưa bao giờ lên cơn "sốt" hàng như hiện nay. Nhiều trang Facebook rao bán ếch òn sống trong các thùng giấy, giao tận nơi với giá hơn 300.000 đồng/kg và được khách hàng săn đón vì tò mò.

Ếch òn bị dân mukbang khắp thế giới săn tìm để ăn và phát sóng

Ếch òn bị dân mukbang khắp thế giới săn tìm để ăn và phát sóng

Trong khi đó, với nhiều người, món ăn này chỉ trở nên nổi tiếng từ khi các "thánh ăn" Thái Lan ồ ạt đẩy lên mạng những video ăn ếch òn theo những cách có thể gây nổi da gà với nhiều người xem.

Các video "mukbang" là gì mà có thể "dậy sóng" đến thế? Theo một nghiên cứu tổng hợp từ trang Springer Link, làn sóng "mukbang" bắt đầu vào khoảng những năm cuối thập niên 2000 tại Hàn Quốc, sau đó lan rộng ra khắp các quốc gia khác thông qua các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook và càng bùng nổ khi TikTok ra đời.

Ở VN, trào lưu này bắt đầu rộ lên từ thời điểm dịch Covid-19 cho tới nay. Mới đây, một "thánh ăn" Việt trên TikTok có tên N.T đã nhận "gạch đá" từ cư dân mạng khi dùng tiểu xảo dựng video mở đầu bằng cảnh ăn… sống ếch òn bụng căng trứng. Sau đó, người này quay cảnh ăn ếch òn nấu chín khiến nhiều người bức xúc vì "cảm giác bị lừa", đồng thời công kích nặng nề chủ kênh "đu trend" các mukbanger Thái Lan để câu view.

Trước đó, TikToker này từng hứng chỉ trích khi liên tiếp đăng các video ăn "gỏi cuốn khổng lồ", "bò bía size cột điện" bị nhiều người bình luận là "phản cảm", "cố tình ăn gây sốc để lên xu hướng". Chỉ với các clip ăn gỏi cuốn khổng lồ trước đó, N.T nhận hàng ngàn lượt xem. Tuy nhiên, con số này tụt xuống sau vài ngày khiến cô chuyển sang phát sóng ăn ếch òn theo xu hướng.

Gây sốc bằng tiểu xảo ăn sống ếch òn chấm nước mắm

Gây sốc bằng tiểu xảo ăn sống ếch òn chấm nước mắm

Tương tự, hồi tháng 4, xu hướng trên các video mukbang cũng dẫn đến "năm tam tai" của bọ biển và ốc vòi voi khi hầu hết các "mukbanger" đều lên video ăn các món này. Mukbanger S.K gây sốc khi tạo ra rất nhiều nội dung ăn ốc vòi voi sống theo kiểu hoang dã, với những cảnh nhồm nhoàm cắn nhai nuốt… và nhận về hàng loạt lời công kích, thậm chí bị cộng đồng mạng cho là "man rợ".

Ngoài ra, còn có Mukbang ASMR là một kiểu phát sóng cảnh ăn uống nhưng chú trọng về sáng tạo hiệu ứng âm thanh bằng tiếng nhai, nuốt để tạo cảm giác thư giãn hoặc ngon lành cho người xem. Đặc biệt các mukbanger phải "diễn" khi thưởng thức món ăn để cho thấy cảm nhận về món ăn đó ngon ra sao. Trang YouTube ăn uống của một cô gái sống tại TP.HCM có nickname V.H hiện có hơn 400.000 người đăng ký theo dõi. Trên trang này, các video phổ biến lên tới trên 5 triệu lượt xem/video. Món ăn được phát sóng trong video có lượt xem cao nhất của V.H hiện nay, đơn giản chỉ là chanh hoặc đồ chua chấm muối Thái.

V.H bắt đầu nổi lên với các clip ăn uống trên nền tảng TikTok cách đây khoảng 2 năm. Sau đó, kênh này đã tiếp tục được mở trên Facebook và YouTube với lượng người xem" khủng" ở các clip ăn những bữa ăn khổng lồ hoặc đắt đỏ như tôm hùm, cua hoàng đế, bọ biển và đặc biệt là các video mukbang kinh dị, gây sốc… Thậm chí, đầu tháng 6, V.H đăng video clip quay cảnh ăn cả… sỏi đá. Trong đó, cô liên tục mút chùn chụt những viên đá được phủ sả, ớt… và luôn miệng khen "ngon quá". Tuy lượt xem video chỉ khiêm tốn so với các clip phổ biến khác của TikToker này nhưng "tranh cãi nhẹ" mà cô nhận từ cộng đồng mạng lại khiến người xem thấy "nóng mặt".

"Tranh cãi nhẹ, nghe quen rồi…"

Trong vai một chủ thương hiệu ăn uống đang tìm KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng) để làm clip "food review" (trải nghiệm và quảng bá đồ ăn), PV Thanh Niên trao đổi với TikToker V.H về mức giá và các vấn đề xung quanh thương hiệu cá nhân. Khi được hỏi: "Gần đây bạn có clip ăn đá bị công kích dữ quá, liệu bạn có gỡ xuống không? Bạn làm clip đó cho khách hàng hay tự làm nội dung cho kênh để thu hút người xem?". V.H trả lời: "Không sao ạ, em thấy rất bình thường, tranh cãi… nhẹ ấy mà, em nghe quen rồi. Cái clip đó em tự làm để lên "xu hướng". Em không gỡ. Kệ họ".

Ăn cả đá sỏi để thu hút người xem

Ăn cả đá sỏi để thu hút người xem

Một video ăn đồ chua chấm muối ớt đạt trên 5 triệu lượt xem của V.H

Một video ăn đồ chua chấm muối ớt đạt trên 5 triệu lượt xem của V.H

Khi chúng tôi thắc mắc như vậy có sợ ảnh hưởng đến những khách hàng muốn đặt hàng cô quảng bá cho họ hay không? V.H hơi ngần ngừ đáp: "Muốn em "đẹp và sạch" cũng được, nhưng bên chị phải cho danh sách các việc em không được làm trong thời gian ký hợp đồng và mức giá sẽ cao hơn bình thường". V.H báo giá một clip review tại chỗ, nghĩa là khách hàng gửi đồ ăn đến cho cô và cô làm clip thì giá dao động từ 9,8 - 28 triệu đồng/clip. Nếu cả ê kíp của cô đến nhà hàng, quán ăn để review thì giá từ 28 - 60 triệu đồng/clip.

V.H nói thêm: "Giá cả có thể thương lượng tùy thuộc vào mức độ sản phẩm của chị có gây tranh cãi hay không. Vì nếu gây tranh cãi như lần em review ăn đồ sống thì có thể phải cao hơn, do tụi em cần làm kịch bản kỹ hơn để không bị quản lý kênh chặn clip hoặc khóa kênh vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng". V.H cũng chia sẻ nếu lỡ video sản phẩm bị nhà quản lý kênh cấm sóng, cô có thể làm một clip khác để đền bù cho khách hàng mà có thể "lách" các tiêu chuẩn ngăn chặn của kênh mạng xã hội. (còn tiếp)

Mukbang là sự kết hợp của 2 từ mukja (ăn uống) và bangsong (phát sóng) có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Trào lưu này xuất hiện khi thế giới mạng bùng nổ, nhiều người thay vì đi ra ngoài ăn uống cùng bạn bè thì chỉ thích thu mình, cùng xem các clip ăn uống hấp dẫn trên mạng và bình luận.

Gần đây, đã xảy ra không ít trường hợp các mukbanger bị cấm sóng vì phát cảnh ăn uống vô tội vạ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và tác động tiêu cực đến người xem. Thậm chí tại một số nước được cho là "cái nôi" của mukbang đã có người tử vong.

Vài năm trở lại đây, trào lưu mukbang bắt đầu thoái trào ở Hàn Quốc do bị tẩy chay vì ăn uống không lành mạnh. Chính quyền một số địa phương ở Trung Quốc còn cấm luôn các clip mukbang sau một số trường hợp chủ kênh đột tử ngay khi đang phát sóng ăn uống.

Mới đây, một TikToker có tài khoản W. đã qua đời vì cơn đột quỵ. Trước đó, anh có 1,8 triệu lượt theo dõi trên kênh mukbang W., chuyên ăn các món kỳ lạ và cực đoan nhất, thậm chí đã hết hạn sử dụng. Tại Trung Quốc, tháng 9.2022, một mukbanger ăn ong bắp cày sống đã bị sưng môi, biến dạng khuôn mặt. Tuy nhiên, "thành quả" được người này chia sẻ là thu hút được thêm 100.000 lượt theo dõi mới. Dù vậy, tài khoản này đã bị khóa ngay sau đó khi chưa kịp đăng thêm clip mới.

Có thể bạn quan tâm