An toàn, nghiêm túc và đúng quy chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

* Tại TP. Quy Nhơn (Bình Định):

(GLO)- Những môn thi cuối là Ngữ văn (Khối C, D) và Hóa học (khối B) vào sáng 10-7 đã chính thức kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học 2014. Theo thông tin từ Hội đồng thi cụm thi Liên trường TP. Quy Nhơn, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Với việc bị áp lực từ môn Lịch sử chiều (9-7), nhiều thí sinh dự thi khối C bước vào môn thi cuối cùng trong tâm trạng lo âu, hồi hộp. Phía bên ngoài phòng thi, các bậc phụ huynh cũng không kém phần căng thẳng. “Vì môn Lịch sử cháu làm không tốt nên rất hy vọng vào môn thi cuối. Sáng nay tôi cũng thấy run như thể mình là người vào thi. Chỉ sợ con áp lực quá lại không tập trung làm bài được”- cô Phạm Thị Nga (thôn 2-xã Ayun-huyện Mang Yang-Gia Lai), lo lắng tâm sự.
 

Các sĩ tử đã hoàn tất kỳ thi tuyển sinh đại học 2014. Ảnh: Trần Dung
Các sĩ tử đã hoàn tất kỳ thi tuyển sinh đại học 2014. Ảnh: Trần Dung

Ngược lại với tâm trạng ấy, nhiều thí sinh dự thi khối B lại rất phấn khởi khi vào thi môn cuối. Thí sinh Lê Phước Tấn (Trường THPT Hoàng Hoa Thám-xã Biển Hồ-TP. Pleiku-Gia Lai) vui vẻ cười đùa: “Hai môn thi trước em làm khá tốt. Môn Hóa sáng nay cũng không làm em bị chi phối tinh thần nhiều. Em rất thoải mái khi bước vào môn thi cuối”.

Cô Nguyễn Thị Xuân (tổ dân phố 6- thị trấn Chư Sê-huyện Chư Sê-Gia Lai) tranh thủ ngồi nghỉ mát trong Công viên Thiếu Nhi TP. Quy Nhơn trong khi ngồi chờ con gái dự thi khối D, ngành Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Quy Nhơn tâm sự: “Dù thấy tinh thần cháu rất tốt nhưng tôi cũng thấy lo lắng lắm. Ngày thi trước, môn Tiếng anh cháu làm tốt, Toán thì chỉ bình bình nên mong cho môn Văn sáng nay cháu sẽ làm bài tốt để bù điểm qua môn Toán. Mong cho 12 năm đèn sách của cháu sẽ đạt kết quả cao”.

 

Nay Duy và Nay Chuân (huyện Krông Pa, Gia Lai) cười vui, hài lòng với kỳ thi (Ảnh. Nguyễn Giang)
Nay Duy và Nay Chuân (huyện Krông Pa, Gia Lai) cười vui, hài lòng với kỳ thi. Ảnh: Nguyễn Giang

Kết thúc 90 phút làm bài cho môn Hóa học, trước Hội đồng thi Trường Đại học Quy Nhơn, chúng tôi bắt gặp nụ cười tươi rói của em Nay Duy và Nay Chuân (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng-huyện Krông Pa-Gia Lai), cùng dự thi vào Trường Cao đẳng Y tế Bình Định. Nay Duy vui vẻ cho biết: “Đề Hóa học năm nay vừa sức với tụi em. Cấu trúc đề giống với đề Hóa của khối A, có nhiều câu hỏi thuộc về phần kiến thức nâng cao nên em chỉ làm được khoảng 60% nhưng đạt kết quả như vậy là em thấy vui rồi. Em cảm thấy rất thoải mái và khá hài lòng với kỳ thi này”.
 

Thí sinh Siu Nguyên (Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai) cùng mẹ và em gái sau giờ thi. Ảnh: Trần Dung
Thí sinh Siu Nguyên (Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai) cùng mẹ và em gái sau giờ thi. Ảnh: Trần Dung

Sau 180 phút làm bài môn Ngữ văn (Khối C,D), thí sinh ùa ra cổng trường trong tâm trạng khá nặng nề. Nhiều thí sinh cho rằng đề không quá khó nhưng không dễ để lấy được điểm cao. Đề Ngữ văn ở cả hai khối C, D đều cần thí sinh có sự hiểu biết và nhìn nhận sâu sắc, không chỉ học thuộc những ý chính trong chương trình sách giáo khoa. Và đặc biệt, nằm ngoài dự đoán của các sĩ tử, đề Ngữ Văn không đề cập đến vấn đề biển, đảo. Vẻ mặt nhăn nhó, thí sinh Siu Nguyên (Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai)-dự thi khối D, cho biết: “Chắc chắn sẽ không có câu nào em dành trọn điểm tối đa, vì cách diễn đạt của em không được tốt. Thậm chí em còn chưa hoàn thành bài làm của mình”. Còn với thí sinh H’Nhoai (Trường THPT Trần Quốc Tuấn-huyện Phú Thiện-Gia Lai), dự thi khối C, thì: “Đề Ngữ văn đã làm em bất ngờ vì ngoài việc không có phần tự chọn thì đề cũng có rất ít phần lý thuyết. Em chỉ hy vọng mình được 5 điểm môn thi này”.

* Tại Thừa Thiên-Huế:

Sau khi hoàn tất môn thi cuối cùng vào sáng 10-7, các sĩ tử tham gia kỳ thi tuyển sinh vào ĐH Huế đã hoàn tất đợt II-kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã khép lại với nhiều dư âm. Sự đổi mới trong phương thức ra đề đã phần nào gây bất ngờ và không ít khó khăn cho thí sinh.
 

Kết thúc môn thi thứ 3 sáng 10-7, các thí sinh dự thi vào ĐH Huế đã hoàn tất kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Ảnh Lê Hòa
Kết thúc môn thi thứ 3 sáng 10-7, các thí sinh dự thi vào ĐH Huế đã hoàn tất kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Ảnh: Lê Hòa

Kết thúc môn thi cuối cùng sáng nay, đề thi hóa học năm nay được các thí sinh đánh giá là khá dài và khó hơn so với đề thi năm trước. Đề thi văn khối C gây bất ngờ cho hầu hết thí sinh bởi vừa… lạ, vừa khó.

Tại hội đồng thi Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế), chưa hết thời gian làm bài đã có rất nhiều thí sinh nộp bài sớm và ra tụ tập, bàn tán dưới sân trường, chờ đến giờ mở cổng để ra về. Lý do kết thúc được các thí sinh chia sẻ rằng, tại vì đề quá khó, không làm được nên đành buông bút ra về. “Đề khó bởi ra trúng những tác phẩm không ngờ tới và chủ yếu đòi hỏi kiến thức mở rộng, rất ít kiến thức sách giáo khoa. Không chỉ ra trúng phần đọc thêm (bài thơ “Đò lèn”-N.V), học sinh hầu như ít ôn luyện tới”-Nguyễn Ngọc Hương (thí sinh dự thi vào ngành Sư  phạm Tiểu học-Trường ĐHSP Huế), nói với vẻ không hài lòng.

Ở câu nghị luận văn học, đề ra trúng tác phẩm bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông-Hoàng Phủ Ngọc Tường) cũng gây “sốc” cho không ít thí sinh tương tự đề thi môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi. “Em chỉ ấn tượng với câu hỏi nghị luận xã hội “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên lợi ích của người khác mà phải là kẻ giúp đỡ kẻ yếu”, nếu tinh ý thí sinh sẽ hiểu ngầm ý của đề và liên hệ tới cách hành xử của Trung Quốc đối với các quốc gia về vấn đề biển Đông hiện nay. Em không hài lòng về những gì đã làm được trong kỳ thi này. Hôm qua sử em cũng chỉ làm được 2/4 câu”- Hương nói với vẻ thất vọng.
 

Đề thi hóa học khá dài, thí sinh áp lực. Ảnh Lê Hòa
Đề thi hóa học khá dài, thí sinh áp lực. Ảnh: Lê Hòa

Ở môn Hóa học (khối B), nhiều thí sinh nhận định đề hóa khó hơn so với đề thi ĐH năm ngoái. Đề dài, câu hỏi bài tập khá nhiều; không ít thí sinh chia sẻ rằng mình không đủ thời gian làm bài. Tuy nhiên không khó để lấy điểm trên 5. “Đề hóa học khối B khó hơn đề hóa ở khối A, tuy nhiên số câu hóc búa để lấy điểm cao có phần ít hơn ở đề khối A. Một số câu cuối em không đủ thời gian tính toán và phải lựa chọn may rủi”-Nguyễn Anh Hải (Đà Nẵng)-thí sinh dự thi vào ngành Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt, ĐH Y Dược Huế, nhận định.

Đối lập với các thí sinh dự thi môn văn ở khối C, đa số thí sinh được hỏi đều cho rằng đề thi môn văn khối D sáng 10-7 vừa sức tuy không ấn tượng lắm. Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm của mình về phương châm sống: “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa”; câu bình luận rắc rối hơn một chút, nói về hai nhận định khá khác nhau về hình tượng Lor-ca trong bài thơ “Tiếng đàn Lor-ca” của tác giả Thanh Thảo. “Điểm nhấn ở câu này có lẽ ở ý đồ muốn nhắc đến lý tưởng sống “mẫu nghệ sĩ-chiến sĩ, vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do”, điều này đang được nhiều người nhắc tới hiện nay”-Lê Thị Minh (Nghệ An), thí sinh dự thi vào CĐ Công nghiệp, cho biết.

Hoàn tất môn thi cuối, thí sinh Nguyễn Thị Quỳnh Hoa-dự thi vào Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, bày tỏ sự hài lòng: “Em thấy đề văn khối D vừa sức, phần vì em học khá ổn ở môn này và phần vì môn thi cuối. Bây giờ em có thể yên tâm, vui vẻ tận hưởng mùa hè”.

Kết thúc đợt II-kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 tại Huế, có 4 trường hợp thí sinh bị khiển trách, 2 trường hợp bị cảnh cáo; 6 thí sinh bị đình chỉ thi (2 thí sinh sử dụng tài liệu, 4 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi).

* Tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng):

“Cũng bình thường”, “tạm được”, “khó quá”… là những câu trả lời phổ biến nhất của thí sinh khi được phỏng vấn về nội dung bài làm các môn thi cuối cùng trong buổi sáng nay.
 

Thí sinh ra về trong mưa ở môn thi cuối cùng. Ảnh: Ngô Khắc Lịch
Thí sinh ra về trong mưa ở môn thi cuối cùng. Ảnh: Ngô Khắc Lịch

Theo như trả lời của những thí sinh này thì điểm thi các môn Hóa học, Ngữ văn của các khối B, D và C tại Trường Đại học Đà Lạt trong đợt 2 này khó có thể đạt điểm cao.

Sáng 10-7, những thí sinh dự thi khố B bước vào môn thi Hóa học với thời gian làm bài 90 phút cho 50 câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm. Nhiều thí sinh cho biết, với đề Hóa như sáng nay để làm được điểm trung bình trở lên phải là những thí sinh có học lực loại khá trở nên. Đối với những thí sinh có học lực trung bình thì chỉ biết “ngậm bút” hoặc “đánh lụi”. Thí sinh Võ Văn Tĩnh, dự thi ngành Công nghệ sau thu hoạch nói: “Em làm hết nhưng chắc đúng được khoảng 20 câu thôi”.

Thí sinh Tạ Thị Hương, dự thi khố C, ngành Sư phạm Ngữ văn cho biết, với đề thi hôm nay, ai cũng làm được nhưng để đạt được điểm cao thì lại rất khó. Theo Hương, em được “khoảng 5 điểm cho môn Văn thôi”.

Những nụ cười sảng khoái sau khi kết thúc kỳ thi đại học, cao đẳng. Ảnh: Ngô Khắc Lịch
Những nụ cười sảng khoái sau khi kết thúc kỳ thi đại học, cao đẳng. Ảnh: Ngô Khắc Lịch

Đề Ngữ văn khối D và C được nhiều thí sinh nhận định là kiểm tra vốn sống, kiến thức xã hội nhiều hơn là kiểm tra kiến thức hàn lâm trong sách vở đã được học trong nhà trường. Đối với dạng đền này, vốn sống sẽ quyết định đến kết quả bài làm của các thí sinh. Đề của cả hai khối C và D đều bắt buộc các thí sinh phải vận dụng những kiến thức đã được học để giải quyết, mở rộng vấn đề theo dạng nghị luận xã hội.

Một cựu sinh viên Khoa Sư phạm, chuyên ngành Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt cho rằng đề Ngữ văn của hai khối C và D năm nay là khá hay. Với kiểu đề này các trường đại học sẽ tuyển được những thí sinh có tư duy sáng tạo, vốn sống phong phú và kiến thức xã hội nhất định trước khi bước vào cổng trường đại học. Đề “ưu ái” cho những người có vốn sống, biết các vận dụng nó để làm bài. Theo đó, những thí sinh có cách học máy mọc, thụ động nhờ vào những bài văn mẫu sẽ không có cơ hội đạt được điểm cao.    

* Tại Thanh Hóa:

Sau khi kết thúc 2 môn thi đầu tiên khá nhẹ nhàng, sáng 10-7, hơn 2.000 thí sinh dự thi vào Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã bước vào môn thi cuối cùng là Hóa học ở khối B và Ngữ văn ở khối C, D.

Ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH Hồng Đức cơ sở II, sau khi tiếng trống báo hiệu hết giờ vang lên, các thí sinh dự thi môn Hóa học bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng không thoải mái. Đa số các em đều cho rằng, đề Hóa khối B khó hơn khối A, có nhiều câu hỏi đánh đố nên thí sinh khó đạt được điểm cao.
 

Các thí sinh tại Thanh Hóa hoàn tất môn thi Hóa học trong tâm trạng lo âu. Ảnh: Xuân Trường
Các thí sinh tại Thanh Hóa hoàn tất môn thi Hóa học trong tâm trạng lo âu. Ảnh: Xuân Trường

Em Đỗ Duy Mạnh, dự thi vào khoa Nông học chia sẻ: "Đề thi Hóa khối B đợt này khó hơn đề thi Hóa khối A. Đề thi môn Hóa khối A đợt 1 em làm được hơn 70% nhưng đợt này chỉ chắc chắn được khoảng 60%  đề ra, còn lại thì em không chắc chắn lắm, có một số câu hỏi em phải tô cho kín để hoàn thành bài thi".

Cùng nhận định, thí sinh Nguyễn Thị Phương Anh, dự thi vào ngành Công nghệ Sinh học nhận xét, nhìn chung đề Hóa năm nay tương đối khó, có hơn một nửa số câu hỏi trong đề thi là câu khó mà lại dài nên phần lớn thí sinh không đủ thời gian để làm bài. Đề đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức mới có thể đạt trên điểm trung bình.

Sau môn thi cuối cùng, các thí sinh đứng chờ bắt xe để trở về quê. Ảnh: Xuân Trường
Sau môn thi cuối cùng, các thí sinh đứng chờ bắt xe để trở về quê. Ảnh: Xuân Trường

Cũng trong sáng 10-7, các thí sinh khối C, D tại Thanh Hóa cũng đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn luận với thời gian làm bài là 180 phút. Rất nhiều thí sinh thi khối C và D sau khi bước ra khỏi phòng thi với khuôn mặt rạng ngời và tự tin. Đề môn Ngữ văn được các thí sinh đánh giá là khá “dễ thở”, không quá dài và khá vừa sức, có thể hoàn thành bài thi trong khoảng thời gian 150 phút. Tuy nhiên, đề thi cũng đòi hỏi các sĩ tử phải có kiến thức xã hội sâu rộng, biết cách làm và có suy luận một cách lôgic.

Thí sinh Hoàng Ngọc Thanh, dự thi khối D vào ngành Sư phạm Tiếng Anh, Trường ĐH Hồng Đức nhận định: “Đề thi Văn khối D năm nay không quá khó, chỉ cần nắm được những kiến thức xã hội rộng và biết cách làm bài thì không quá khó để đạt được 6, 7 điểm. Em làm hết tất cả các câu hỏi mà đề ra và chắc chắn được khoảng 65 %...”.

Đối với đề Ngữ văn khối C, thí sinh Trương Thị Ngọc, dự thi vào ngành Việt Nam học chia sẻ : “Em rất thích cách ra đề môn Văn năm nay. Đặc biệt là 2 câu có liên quan đến chủ đề đất nước rất hay và có nhiều ý nghĩa. Trong 3 môn đã thi, em thấy hài lòng nhất với môn này vì em làm bài tốt hơn cả...”.

Báo cáo nhanh từ Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Hồng Đức cho biết, kết thúc 3 môn thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt II năm 2014, không phát hiện trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Cả đợt thi có 10 thí sinh bỏ thi.

T.Dung-N.Giang-L.Hòa-K.Lịch-X.Trường

Có thể bạn quan tâm