(GLO)- Nhiều lần theo đoàn kiểm tra chuyên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do Chi cục ATVSTP tỉnh chủ trì, chúng tôi đã chứng kiến cảnh mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm. Điều đáng lo ngại chính là một bộ phận người sản xuất, kinh doanh còn thờ ơ trong công tác đảm bảo ATVSTP và người tiêu dùng vẫn có thói quen ăn uống ở những nơi chưa đảm bảo vệ sinh.
Vi phạm an toàn thực phẩm vẫn phổ biến
Đây là thực tế được ghi nhận qua công tác kiểm tra ATVSTP. Kiểm tra tại quán chay Thanh Thảo (đường Tăng Bạt Hổ-TP. Pleiku) ngày 7-7 vừa qua, tại thời điểm kiểm tra, quán hoạt động bình thường. Theo ông Trần Minh Nhã-chủ cơ sở thì quán đã kinh doanh được 3 năm nay. Trung bình một ngày quán phục vụ gần 200 lượt khách và ngày cao điểm (ngày rằm, mùng một) quán phục vụ từ 400 đến 500 lượt khách. Giá bán một đĩa cơm bình quân 13.000 đồng.
Kiểm tra ATVSTP tại quán chay Thanh Thảo, đường Tăng Bạt Hổ- TP. Pleiku. Ảnh: N.N |
Do quán bán đông khách mà cơ sở hiện tại nhỏ hẹp nên chủ cơ sở có thuê thêm một căn nhà gần bên để lấy chỗ làm nơi chế biến rau. Dù vậy, ngay tại khu vực gian bếp chính và bếp phụ (nơi chế biến rau) đều trong cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh. Hàng chục ký rau củ được để dưới nền nhà cáu bẩn. Gian bếp chính không thiết kế theo quy tắc một chiều, diện tích nhỏ hẹp, luôn trong tình trạng hoạt động liên tục không có thời gian dọn dẹp và cạnh đấy là nhà vệ sinh nên càng mất vệ sinh nghiêm trọng.
Tại quán, vì không có tủ đựng nên hầu hết thức ăn không được che đậy cẩn thận mặc cho bụi bặm, ruồi bu. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận quán chay Thanh Thảo đã vi phạm các lỗi, như bếp ăn không theo nguyên tắc một chiều, không đảm bảo vệ sinh; nhân viên chế biến và phục vụ không có đồ bảo hộ lao động; thực phẩm để dưới nền nhà gần khu vực nhà vệ sinh; một số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở có làm xét nghiệm nước nhưng đã quá hạn; không có hợp đồng mua thực phẩm; không có sổ kiểm thực 3 bước… Với những vi phạm trên, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở.
Nói về những lỗi vi phạm trên, chủ cơ sở-ông Trần Minh Nhã thừa nhận: Do diện tích cơ sở quá nhỏ hẹp nên khu vực bếp không thể bố trí theo nguyên tắc một chiều. Cơ sở cũng đã cố gắng hết sức để khắc phục bằng cách thuê thêm một căn nhà sát bên để làm nơi chế biến rau… Cơ sở thừa nhận có nhiều sai sót và hứa sẽ khắc phục những khiếm khuyết trên nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian đến.
Theo thống kê từ Chi cục ATVSTP, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 30 người mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm. So với cùng kỳ năm trước, số vụ ngộ độc tăng 100%. |
Người tiêu dùng… vô tư!
Thói quen ăn uống tùy tiện của một bộ phận người tiêu dùng hiện nay vô hình trung đã và đang tiếp tay cho nhiều hàng quán chưa đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt nhiều hàng quán vỉa hè, thức ăn đường phố luôn tấp nập thực khách dù thực phẩm tại những nơi này không được che đậy cẩn thận, mặc cho bụi bặm, ruồi nhặng bám vào, chưa kể người bán thường xuyên dùng tay bốc thức ăn và sử dụng khăn lau đa năng (lau tay, lau chén dĩa và thậm chí cả lau bàn).
Có mặt tại một quán ăn vặt nổi tiếng trên đường Cao Bá Quát-TP. Pleiku vào chiều tan tầm, tôi nhận thấy hàng chục thực khách đã sắp hàng chờ quán phục vụ. Món ăn được ưa thích tại đây là lụi xiên que, thịt bò nướng lá lốt chấm với tương ớt hoặc nước mắm me. Không gian quán sơ sài, ẩm thấp; người chế biến và phục vụ không có đồ bảo hộ lao động và vô tư dùng tay để bốc thức ăn. Do phục vụ lượng khách thường xuyên quá tải, thời gian dọn dẹp hạn chế nên sàn nhà của quán lúc nào cũng nhếch nhác, giấy lau sau khi sử dụng vương vãi khắp nơi. Mặc dù vậy, nhiều thực khách vẫn vô tư thưởng thức bất chấp vấn đề ATVSTP.
Mặc dù việc tuyên truyền về công tác đảm bảo ATVSTP luôn được chú trọng trong thời gian qua với nhiều hình thức linh động từ tỉnh đến cơ sở, nhưng cũng phải thừa nhận rằng thói quen ăn uống vô tư, chế biến và ăn uống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Chi cục thường xuyên tuyên truyền cho người dân nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh về việc không ăn thịt gia súc gia cầm bị bệnh chết; thực hiện ăn chín uống sôi… Tuy nhiên, nhiều người vì tiếc của nên làm thịt gia súc, gia cầm bị chết đãi cả làng. Kết quả, đã xảy ra một số vụ ngộ độc tập thể ở xã Ia Ake-huyện Phú Thiện làm 59 người ngộ độc. Theo thống kê từ Chi cục ATVSTP, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 30 người mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm. So với cùng kỳ năm trước, số vụ ngộ độc tăng 100%.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm là không khó nếu người dân có kiến thức và trách nhiệm. Vì vậy, không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và nhất là sự cộng đồng trách nhiệm của người dân trong công tác đảm bảo ATVSTP.
Như Nguyện