Phóng sự - Ký sự

Áo xanh trên đỉnh Giăng Màn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lính biên phòng luân chuyển đến Cha Lo đều phải chinh phục dốc Ka Ai chí ít vài lần mỗi tháng, chưa kể núi Giăng Màn ôm gọn 27,5 km đường biên giới nên việc phải chinh phục là chuyện "cơm bữa".


Tin trung tá Lê Quang Trung (SN 1970; ngụ xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), cán bộ Trạm Kiểm sát Biên phòng Cha Lo, hy sinh sáng 17-7-2018, cứ mãi ám ảnh tôi. Chỉ mới cách đây một tháng, tôi và các đồng nghiệp ở TP HCM có dịp đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình), nơi Trung và đồng đội làm nhiệm vụ.

Quanh năm sương phủ

Quê tôi không cùng xã với Trung nhưng suốt tuổi thơ tôi gắn bó nơi này. Tiến Hóa là xã nhỏ và nghèo ven Quốc lộ 12A, nằm trong vùng ác liệt nhất của tuyến lửa Quảng Bình thời kỳ chống Mỹ.


 

Đường lên Cha Lo



Thuở ấy, sáng nào mẹ cũng dậy khi gà vừa gáy, vội vàng luộc nồi khoai sắn cho mấy đứa con rồi lại vội vàng khoác khẩu súng trường dài hơn người mẹ để cùng đồng nghiệp tất bật suốt ngày trong xí nghiệp dược. Bây giờ thì Tiến Hóa vẫn nghèo nhưng không còn tiếng bom, tiếng súng. Trung ơi! Quê hương đã bặt tiếng súng hàng chục năm rồi.

Trung mất khi đang đứng trực trong chốt, chỉ sau khoảng 2 tháng từ ngày được điều động lên làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Cha Lo. Bấy giờ là khoảng 17 giờ ngày 17-7-2018, chiếc xe container chở hàng hóa từ Lào nhập cảnh qua cửa khẩu và dừng lại vì hỏng máy. Khi sửa xong, tài xế cho nổ máy xe rồi ra chỗ khác rửa tay. Bất ngờ xe trôi, đâm thẳng vào chốt trực của biên phòng. Trung đã không qua khỏi bởi thương tích quá nặng.

Tôi vẫn nhớ cái chốt trực ấy nằm bên tay phải cửa khẩu. Ở đó, suốt 24 giờ hằng ngày, Trung và đồng đội thay phiên nhau trực. Từ chốt trực này, rẽ trái vài trăm bước là nơi đơn vị đóng quân, qua phải cũng vài trăm bước là núi Phi-Cô-Pi có đỉnh cao 2.071 m so mực nước biển. Núi còn có tên là Giăng Màn, chắc vì quanh năm sương mù giăng kín.

Miền Trung có đủ 4 mùa nhưng ở Cha Lo thì khác. Suốt từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau là ràn ràn, nóng bỏng gió Tây - Nam thổi từ Lào sang nên còn gọi là gió Lào. Từ tháng 4 đến tháng 12 lại là mùa mưa. Mưa bất chợt nhưng ào ạt. Những lúc như thế, cả dãy Giăng Màn hoành tráng mất hút trong lớp lớp mây mù quánh đặc.

Nhưng tôi đã có một dịp may ngắm trọn vẹn dãy Giăng Màn trong cái khoảng xế chiều có nắng, khi đứng ở chỗ đóng quân của đơn vị Trung. Nắng vén sương mù từng vạt, gió vùn vụt hất từng tảng băng trắng đi đâu đó trong mênh mông để núi lộ dần từng khoảnh cao xanh, thăm thẳm. Núi ấy là nơi phát nguồn của sông Gianh huyền thoại, con sông duy nhất của cả nước chảy trọn vẹn trong một tỉnh và là ranh giới phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài của thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Hôm tôi đứng ở cột mốc biên giới Việt - Lào lại cũng gặp may có nắng, lộ ra vệt trắng vàng như vết đất lở dọc vách núi Giăng Màn. Đấy là dốc Ka Ai. Lính biên phòng ở Cha Lo muốn tuần tra mốc biên giới số 524 thì phải chinh phục dốc Ka Ai. Khi leo dốc này thì đầu gối luôn chạm cằm nên cánh lính vẫn hay đùa nhau câu "còn leo được Ka Ai không", là để biết sức khỏe thế nào.

Lính biên phòng luân chuyển đến đây, dù thời hạn bao nhiêu cũng phải chinh phục dốc Ka Ai chí ít vài lần mỗi tháng. Đấy là chưa kể núi vời vợi kia đang ôm gọn 27,5 km đường biên giới nên việc phải chinh phục là chuyện "cơm bữa" của họ. Mỗi chuyến tuần tra, dù đường xa, dốc cao, vực thẳm nhưng ba-lô anh nào cũng phải chật cứng vì ngoài tăng, võng thì lương thực phải đủ cho ít nhất là 3 ngày ăn, chưa kể dự phòng cho việc phải đột xuất ở lại trên đường biên.

Cánh lính kể trong một năm thì tuần tra vào mùa mưa là vất vả nhất. Ra đi, ngoài việc mặc bộ quần áo mỏng bên trong còn phải mặc thêm một cái áo mưa tiện dụng cùng lớp áo ấm rồi ngoài cùng mới là quân phục. Như vậy mới hy vọng cản được nước mưa đỡ ngấm lạnh vào người. Suốt hành trình, ống quần luồn trong tất chống vắt rồi buộc chặt nhưng giống vắt xanh tinh quái ở đây vẫn luồn vào được. Vết cắn của giống vắt này cũng lạ bởi rất khó cầm máu, có khi tuần tra xong về đến đồn mà máu từ vết thương vẫn chảy.

Bề dày lịch sử

Những gì mà lính biên phòng ở đây phải đối diện khi tuần tra trên dãy Giăng Màn kia chỉ là chuyện nhỏ khi tôi bất ngờ biết đồn biên phòng ở đây có một bề dày lịch sử đáng nể, gắn theo đó là những giai đoạn khó khăn và cũng rất hào hùng.

Đồn Cha Lo cùng các đồn Cà Xèng, Cà Roòng, Óc Sách, Làng Mô là những đồn thuộc tuyến biên giới đất liền đầu tiên tại tỉnh Quảng Bình, thành lập từ đầu năm 1959. Những cựu binh ở đây kể ở những năm đầu lực lượng đóng quân ở đây thì Cha Lo là vùng rừng thiêng nước độc. Từ đây muốn về xuôi, về tỉnh lỵ phải tính bằng ngày đường, mà chủ yếu là chinh phục núi non hiểm trở bằng xe đạp. Sốt rét và thú dữ là những nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Kinh hoàng hơn cả chuyện sốt rét và thú dữ là khi bước sang thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Nhắc đến Cha Lo thời kỳ này là phải nhắc đến những địa danh như đèo Mụ Giạ, Cổng Trời… Đấy là những điểm huyệt quan trọng của tuyến đường chiến lược 12A, nằm trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Đường 12A được lập ra để vận tải hàng hóa, vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam cùng chiến trường Lào. Vì thế, trong những năm chiến tranh, Mỹ dội xuống đây hàng trăm ngàn tấn bom đạn để ngăn chặn các đoàn xe vận tải.

Trong một ngày địch bắn phá dữ dội như vậy, nhạc sĩ Phạm Tuyên được các chiến sĩ biên phòng đón vào trú ẩn ở một hang đá trên đèo Mụ Giạ. Trong tiếng bom vọng bốn bề và tiếng xe vận tải rì rầm suốt đêm, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết nên ca khúc nổi tiếng "Đêm trên Cha Lo" với những lời ca đầy xúc cảm: "Đêm nay ta về bên nhau nghe tin thắng trận miền Nam/Biên giới sáng trong niềm vui mới, vang vọng tiếng đoàn xe qua/Hỡi gió núi hãy hát cùng ta niềm hân hoan gửi vào tiếng ca/Suối ngàn hãy ngân theo điệu khèn, nắng quê hương bừng lên…". Ca khúc này đã lọt vào danh mục những bài hát hay nhất về lực lượng biên phòng trong cuộc bình chọn do Bộ Tư lệnh Biên phòng và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1999.

Ác liệt thế nhưng mưa bom không ngăn nổi tiếng xe kéo pháo, tiếng xe chở hàng ra trận cùng rầm rập tiếng bước chân đi của hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong hướng ra tiền tuyến. Những câu khẩu hiệu như "tim còn đập, đường không tắc" được khắc trên phiến đá ở Cổng Trời thuở ấy giờ vẫn còn đấy, nhắc ta không lãng quên con đường huyền thoại với bao chiến công lẫy lừng.

Rồi từ dạo năm 2011 có cầu Hữu Nghị nối tỉnh Khammouan - Lào với tỉnh Nakhon Phanom - Thái Lan, đường 12A trở thành cung đường ngắn nhất để hàng hóa từ Đông Bắc Thái Lan qua Lào về Việt Nam. Cửa khẩu quốc tế Cha Lo được thành lập cũng ngay trên đèo Mụ Giạ, thuộc địa giới của bản Cha Lo, xã Dân Hóa huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Thành cửa khẩu quốc tế, Cha Lo bước sang vận hội mới. Điều dễ thấy nhất là nườm nượp những đoàn xe vận tải, rồi xe khách đưa người dân hai nước qua lại làm ăn. Nhưng cũng từ đấy, "sóng ngầm" về buôn lậu, ma túy, chất nổ và các loại hàng trái pháp luật diễn biến ngày càng phức tạp, khiến nơi đây đã nhiều lúc trở thành "điểm đen". Công tác đấu tranh với các loại tội phạm đã trở thành nhiệm vụ thường trực của các chiến sĩ biên phòng.


 

Một trong những công sở của các cơ quan chức năng đang hoa75t động ở Cửa khẩu quốc tế Cha Lo



Nhật ký của đồn còn ghi rất rõ chỉ trong năm 2017, đơn vị phối hợp với các lực lượng và Sở An ninh tỉnh Khammouan xác lập, triệt phá thành công 3 chuyên án, bắt 7 đối tượng, thu giữ 69.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật. Chiến công nối tiếp chiến công như lời khẳng định sẽ chặt đứt các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, đẩy lùi "cái chết trắng" khỏi Việt Nam.

Giúp dân về an cư

Hôm rời đèo Mụ Giạ xuống núi, thấy bên trái đường có cầu treo bắc sang một bản làng đẹp như tranh vẽ, tôi lần vào đó mới biết bản này cũng mang tên Ka Ai, như tên dốc trên đỉnh Giăng Màn. Bản có hơn 80 hộ dân người Mày, người Sách được lực lượng biên phòng Cha Lo nhận đỡ đầu từ năm 2017.

Trưởng bản, ông Cao Xuân Xiêm, kể hồi chiến tranh, bà con dân tộc tứ tán trong núi, sau này các anh biên phòng mới giúp dân về an cư ở đây. Ông Xiêm nói nhìn ruộng đồng bây giờ trù mật thế cũng là nhờ các anh biên phòng, chứ dân ở đây ngày xưa chỉ biết làm rẫy, không biết làm lúa nước. Ông Xiêm chỉ ra cánh đồng trước bản, nhớ lại: "Hồi xưa toàn là đồi đấy, bộ đội biên phòng hạ thấp đồi mới thành ruộng lúa, phải chở đất ở đó đổ đi nơi khác rồi đưa đất nơi khác về, dẫn nước từ suối vào, lúa mới sống được".

Ka Ai bây giờ cứ như một thị trấn nhỏ vùng cao, có điện, có đường, có trường và cả Trạm Quân dân y kết hợp. Để làm được điều đó thì lực lượng biên phòng phải về cắm bản. Đại úy Mai Văn Châu, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính của Đồn Biên phòng Cha Lo, từng được chỉ định làm Bí thư Chi bộ bản Cha Lo, rồi bí thư mới sau này là anh Hồ Thông, Trưởng bản Hồ Đon… đều là những lính biên phòng từng nhiều năm gắn bó với Cha Lo và bản Ka Ai.


Được phong danh hiệu anh hùng

Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 1-1-1967, Đồn Biên phòng Cha Lo vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đồn Biên phòng Cha Lo bây giờ cũng nằm trên trận địa mà thuở ấy người đại đội trưởng đại đội pháo cao xạ mang tên Nguyễn Viết Xuân dù bị bom làm nát đùi vẫn bám trận địa, hô vang khẩu lệnh: "Nhằm thẳng quân thù, bắn!".

Từ ngày giải phóng đến nay, Đồn Biên phòng Cha Lo và cán bộ, chiến sĩ của đồn cũng nhận được nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và nhà nước phong tặng.

 


Tự hào vì được bảo vệ biên giới

Người dân tộc thiểu số ở xã Dân Hóa kể họ rất tự hào khi có những người con của mình cùng tham gia lực lượng biên phòng để bảo vệ biên giới, tiêu biểu nhất là anh Hồ Phòm, người dân tộc Khùa.

Năm 1970, lúc đang mang hàm đại úy, anh Hồ Phòm, Phó Đồn trưởng trinh sát của Đồn Biên phòng Cha Lo, được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vì những cống hiến trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới. Đây là người Khùa đầu tiên và duy nhất cho đến nay ở tỉnh Quảng Bình được phong tặng danh hiệu cao quý này..


Lương Duy Cường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm