Thời sự - Bình luận

Áp lực đè nặng bệnh viện tuyến trên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo số liệu được Bộ Y tế công bố, ngày 22-6, cả nước có 60.000 ca sốt xuất huyết (SXH).

Chỉ hơn 1 tuần sau, ngày 30-6, số ca mắc SXH đã lên đến 77.000 - tăng gần 200% so cùng kỳ năm 2021, trong đó 42 người tử vong.

Con số nêu trên thật đáng báo động và chồng chất nỗi lo khi hiện nay mùa mưa chỉ mới bắt đầu và chưa phải là thời kỳ cao điểm của dịch SXH. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh đã gây áp lực cực lớn với hệ thống y tế, nhất là ở các tỉnh, thành phía Nam.

Trong chuyến kiểm tra tình hình dịch SXH ở TP HCM của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây, lãnh đạo Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới đã bày tỏ lo ngại về tình trạng quá tải bệnh nhân. Gần cả ngàn ca bệnh SXH được điều trị ở 2 BV này và một số người đã tử vong. Những ca bệnh hầu hết được chuyển từ BV tuyến dưới và từ các tỉnh lên. Thông thường khi chuyển viện thì tình trạng của bệnh nhân đã nặng, nhiều ca không thể cứu kịp.

Nỗi lo càng lớn khi hàng loạt địa phương thông báo đang thiếu nhiều loại thuốc, vật tư y tế để điều trị cho bệnh nhân mà trong ngắn hạn không thể kịp thời bổ sung. Trong đó, HES 200.000 và Dextran 40 - dung dịch cao phân tử chống sốc SXH - đang thiếu nghiêm trọng. Tại TP HCM, Sở Y tế đã chỉ đạo BV tuyến quận, huyện thay thế bằng nhiều phương án điều trị khác nhưng trong thời gian ngắn, các đơn vị này cũng không đảm đương nổi. Các ca bệnh nặng vẫn phải chuyển viện, gây áp lực lớn cho các BV tuyến trên.

Các BV ở những tỉnh lân cận cũng thế. Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cho biết toàn tỉnh có gần 4.000 ca SXH và đã có 5 người tử vong. Địa phương này không thể tìm mua dịch cao phân tử nên ca nào nặng lại chuyển đến TP HCM. Bình Dương cũng tương tự, với hơn 5.000 ca SXH và một số bệnh nhi đã tử vong.

Lúc xảy ra dịch bệnh mới thấy rõ năng lực các BV tuyến dưới và hệ thống y tế nhiều tỉnh. Hệ thống BV tuyến trung ương và một số BV lớn tại TP HCM không chỉ đảm đương việc chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương mà còn gánh vác nhiệm vụ y tế cho cả vùng phía Nam, thậm chí cả Tây Nguyên. Việc quá tải là không thể tránh khỏi và kéo dài cả mấy chục năm qua, trong điều kiện bình thường còn có thể gắng gượng nhưng khi dịch bệnh phức tạp thì khó lo được chu toàn.

Trong hệ thống y tế, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu rất quan trọng. Đảm nhận trách nhiệm này là các cơ sở y tế cấp quận - huyện, phường - xã. Ngoài những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội..., hệ thống y tế cấp này ở hầu hết các địa phương đều chưa thể làm tốt vai trò của mình.

Vấn đề này đã được cơ quan chức năng nhìn nhận từ lâu và nhiều lần được đặt ra ở các kỳ họp Quốc hội. Đến nay, tình trạng này dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách quá xa với nhu cầu của người dân. Thông thường khi có bệnh, người dân sẽ lựa chọn đến BV tuyến trên hoặc tuyến trung ương. Điều này là dễ hiểu, bởi không ai dám cược sức khỏe của mình khi không đủ tin tưởng vào năng lực của y tế cơ sở.

Vấn đề trên rất nan giải nhưng bằng mọi giá phải giải cho bằng được. Từ đó mới có thể nghĩ đến việc xây dựng hệ thống y tế hoàn thiện, chăm sóc sức khỏe gia đình, nâng cao năng lực phòng bệnh toàn dân...

 

Theo PHẠM HỒ (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm