Thực hiện mục tiêu đề ra, UBND xã Ayun Hạ đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai và ứng dụng mạnh mẽ CĐS trong tất cả các lĩnh vực. Ông Lê Xuân Mạnh-Chủ tịch UBND xã-thông tin: Xã thành lập và duy trì 6 nhóm Zalo CĐS cộng đồng tại 6 thôn trong xã. Kênh này truyền tải thông tin, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tới người dân nhanh chóng, hiệu quả và chính xác nhất.
Để làm được điều đó, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức và người dân trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin. Xã cũng duy trì tốt trang thông tin điện tử, thường xuyên cập nhật thông tin và các sự kiện diễn ra trên địa bàn để cán bộ, người dân nắm bắt; đồng thời, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của người dân để có hướng giải quyết kịp thời.
Các ban, ngành, đoàn thể của xã đều có nhóm Zalo, Facebook để tuyên truyền hoạt động của đơn vị mình. Bộ phận một cửa của xã tối thiểu hóa văn bản giấy; 100% văn bản được xử lý trên môi trường điện tử; 100% máy tính cơ quan được kết nối mạng nội bộ để giải quyết công việc.
Xã Ayun Hạ đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, trở thành điểm sáng trong toàn huyện Phú Thiện. Ảnh: V.C |
Anh Phạm Nguyên Hoàng-Bí thư Đoàn xã-chia sẻ: Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của tuổi trẻ, từ tháng 6-2023, các hoạt động của Đoàn xã cơ bản triển khai trên nền tảng số như tuyên truyền, vận động 100% đoàn viên, thanh niên đăng ký cài đặt app Thanh niên Việt Nam; sử dụng phần mềm Quản lý đoàn viên để đánh giá, xếp loại cuối năm; phối hợp triển khai mô hình thanh niên số hóa quảng bá du lịch Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi; phối hợp với các ban, ngành cài đặt mã định danh điện tử cho 100% người dân trong xã; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện CĐS trong giao dịch, buôn bán…
Với 264 hộ, Thanh Thượng là thôn tiên phong thực hiện CĐS của xã. Thay vì phải đi từng nhà thông báo như trước đây, thôn thành lập nhóm Zalo để triển khai công việc. Hiện nay, trên 80% số hộ dân trong thôn đã lắp đặt và sử dụng internet, bà con quen với việc thực hiện thủ tục hành chính, thanh toán chi phí điện, nước, giao dịch mua-bán; quảng bá nông sản… trên môi trường số.
Ông Ngô Viết Giỏi-Chủ cơ sở chả cá thác lác Cô Sáu (thôn Thanh Thượng) cho biết: Nhằm đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, cơ sở tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Đặc biệt, cuối năm 2022, sau khi được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ đăng ký và niêm yết sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, doanh số bán hàng của cơ sở tăng mạnh. Môi trường kinh doanh mới này không chỉ giảm chi phí thuê gian hàng, thuê nhân viên mà hình ảnh mô tả sinh động giúp sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng.
Mỗi ngày, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 20 kg chả cá thác lác, tăng gấp 3 lần so với trước đây. Dịp lễ, Tết, lượng hàng bán ra tăng gấp 2-3 lần. Cơ sở cũng triển khai thanh toán qua các ứng dụng ngân hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch số lượng hàng lớn.
Đoàn xã Ayun Hạ phối hợp với Huyện Đoàn triển khai mô hình chuyển đổi số Thanh niên số hóa quảng bá du lịch Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Ảnh: Vũ Chi |
Theo Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ, có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tháng 11-2023, Ban Chỉ đạo Đề án 06 xã tham mưu Đảng ủy xã ra nghị quyết về CĐS. Trên cơ sở đó, UBND xã xây dựng chương trình hành động, đưa CĐS vào tiêu chí thi đua của các ban, ngành, đoàn thể làm cơ sở đánh giá xếp loại.
Nhờ vậy, theo kết quả đánh giá xếp hạng mức độ CĐS các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023, xã đạt 758,2 điểm so với mức tối đa 1.000 điểm, dẫn đầu các chỉ số CĐS của huyện Phú Thiện; trong đó, một số tiêu chí đạt điểm tối đa như nhận thức số, thể chế số.
Đánh giá Bộ chỉ số DTI: Thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan hành chính
Sở Thông tin và Truyền thông và thành phố Pleiku xếp hạng nhất về chuyển đổi số
Ngành Giao thông-Vận tải tiên phong chuyển đổi số
Trong các tiêu chí, một số chỉ tiêu thành phần chưa đạt kết quả mong muốn như: tỷ lệ hộ gia đình thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt thấp. Nguyên nhân là do điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu và thói quen của người dân khó thay đổi.
Bên cạnh đó, dù trên 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh nhưng do đi làm ăn xa nên chỉ tiêu xác thực dữ liệu dân cư đạt thấp.
“Tuy nhiên, CĐS là chủ trương lớn, trong đó, con người số đóng vai trò chủ đạo. Vì vậy, thời gian tới, xã tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt được; đồng thời, thực hiện kế hoạch 3 ngày ở cơ quan, 2 ngày ở cơ sở tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân trong CĐS; qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.