Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bà Đinh Thị Thiều trọn đời gắn bó với điệu then

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở tuổi 65, bà Đinh Thị Thiều (thôn Pác Pó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vẫn say mê với những làn điệu then truyền thống của người Tày và lặng thầm “truyền lửa” cho bao thế hệ con cháu trên quê hương thứ hai.

Bà Thiều là người thành lập và dẫn dắt Câu lạc bộ (CLB) “Đàn tính-Hát then Bằng Lăng” ở xã Ia Lâu trong suốt 10 năm qua.

Bà Thiều là người dân tộc Tày ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Đây được xem là “cái nôi” của những điệu then mượt mà, tha thiết. Từ nhỏ, bà đã mê hát then.

Bà bảo, hát then là một thể loại dân ca tín ngưỡng của cộng đồng người Tày, Nùng; là hình thức biểu diễn âm nhạc mang âm hưởng trường ca; không chỉ là hình thức giải trí đơn thuần mà còn mang tính tín ngưỡng, giúp gắn kết cộng đồng và là phương tiện để giao tiếp với thần linh, tổ tiên.

Hồi nhỏ, bà đã theo chân các nam thanh, nữ tú trong bản đi xem hát then. Rồi những dịp bản có lễ hội, bà lại được đắm chìm trong những lời ca, điệu then nhịp nhàng. Năm 18 tuổi, bà đã thuộc lòng hàng chục bài hát then, sau đó thì được mời tham gia hát then tại các hội thi, hội diễn ở địa phương.

“Ngoài những làn điệu then truyền thống, tôi còn tìm hiểu và hát hòa âm cùng đàn tính các bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Bác Hồ như: Suối Lênin, Trăng soi đường Bác, Việt Bắc nhớ Bác Hồ”-bà Thiều tâm sự.

Bà Đinh Thị Thiều (đứng giữa) biểu diễn hát then tại một sự kiện văn hóa của tỉnh. Ảnh: M.K

Bà Đinh Thị Thiều (đứng giữa) biểu diễn hát then tại một sự kiện văn hóa của tỉnh. Ảnh: M.K

Năm 2004, bà cùng gia đình vào định cư ở thôn Pác Pó. Dù rằng phải lo toan đời sống kinh tế gia đình, nuôi dạy các con ăn học nhưng trong lòng bà không nguôi nhung nhớ những điệu then của dân tộc mình. Hàng đêm, bà tập hợp một vài chị em trong thôn có chung niềm yêu thích và cùng nhau luyện tập.

“Trong hát then, người hát thường là những người biểu diễn chính. Họ đóng vai trò như một người trung gian giữa thế giới con người và thế giới tâm linh. Hát then thường đi kèm với các nhạc cụ truyền thống như đàn, kèn, trống và được thể hiện qua giọng hát đặc trưng cùng giai điệu đa dạng.

Chính vì yếu tố đó, tôi đã có ý tưởng thành lập CLB để điệu then được gìn giữ và phát huy trên quê hương thứ hai này”-bà Thiều cho biết.

Năm 2013, sau khi được chính quyền địa phương đồng ý, bà Thiều đứng ra kêu gọi người dân trong xã có chung niềm đam mê với điệu then tham gia CLB.

Để thuyết phục mọi người, bà đã mang điệu then biểu diễn tại các hội diễn văn nghệ và được nhiều người yêu thích, tán thưởng. Vì thế, CLB “Đàn tính-Hát then Bằng Lăng” ở xã Ia Lâu chính thức được thành lập với 16 thành viên do bà Thiều làm Chủ nhiệm.

Bà Thiều là người lặng thầm truyền lửa hát then truyền thống cho bao thế hệ con cháu trên quê hương thứ hai xã Ia Lâu. Ảnh: Mai Ka

Bà Thiều là người lặng thầm truyền lửa hát then truyền thống cho bao thế hệ con cháu trên quê hương thứ hai xã Ia Lâu. Ảnh: Mai Ka

Lời hát then nguyên bản là những câu chữ được dân gian chắt lọc, mài giũa, vừa trữ tình, giàu tính nhạc, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; cầu mong an lành, may mắn và đúc rút những kinh nghiệm về đối nhân xử thế...

Những ca từ trong các bài then cũng giống như cầu nối giữa con người với thần linh, giúp người dân cầu mong sức khỏe, an lành, mùa màng bội thu. Ngày nay, những làn điệu then được cải biên để phù hợp hơn với cuộc sống.

“Tôi đã cải biên nhiều lời bài hát ca ngợi về lao động sản xuất, về vùng đất, con người Ia Lâu… Tôi rất vui mừng khi được mọi người đón nhận”-bà Thiều phấn khởi nói.

Bà Nông Thị Mỹ Hiệu (thôn Pác Pó) là thành viên CLB từ những ngày đầu thành lập. Bà Hiệu cho hay: “Tôi cũng có niềm đam mê với điệu then truyền thống. Vì vậy, khi CLB được thành lập, tôi rất hào hứng tham gia. Tôi có thể vừa chơi đàn tính, vừa hát then.

Ngày nay, hầu hết hoạt động văn hóa của người Tày ở Ia Lâu như: cưới xin, mừng thọ, liên hoan văn nghệ… đều có sự góp mặt của cây đàn tính kết hợp với thanh âm mượt mà, tha thiết của điệu then.

Ngoài những làn điệu truyền thống, chúng tôi còn tìm hiểu và cất cao tiếng đàn hòa âm các bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Gia Lai giàu đẹp”.

Là người chơi đàn tính giỏi, ông Nông Văn Đoàn (thôn Pác Pó) được xem là thành viên cốt cán của CLB. 30 năm trước, ông từ tỉnh Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp.

Ông Đoàn chia sẻ: “Tôi xa quê nên có lúc cảm thấy trống vắng vì thèm nghe điệu hát then, đàn tính. Chính vì vậy, khi có lời mời của bà Thiều tham gia CLB, tôi rất vui mừng.

Đàn tính được coi là nhạc cụ quan trọng và là hồn cốt trong nghệ thuật hát then. Mang theo cây đàn tính và điệu then vào vùng đất mới Gia Lai, chúng tôi cùng nhau tập luyện và tích cực tham gia biểu diễn tại các lễ hội ở địa phương”.

Gần cả cuộc đời gắn bó với những thanh âm mượt mà, tha thiết, bà Thiều đã dành trọn tâm huyết của mình để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát then truyền thống của dân tộc Tày trên quê hương Gia Lai.

Bà Thiều chia sẻ: “Câu lạc bộ thường xuyên tập luyện để tham gia biểu diễn tại các sự kiện do xã, huyện, tỉnh tổ chức. Chúng tôi xem CLB là nơi kết nối những người con xa quê cùng giúp nhau trong cuộc sống và bảo tồn, phát huy âm thanh của đàn tính, điệu then”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Dương, việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã góp phần tạo sợi dây gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc nơi biên giới.

Chính quyền xã luôn quan tâm tạo điều kiện cho CLB hoạt động, cũng như duy trì các hoạt động khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm