Văn hóa

Cổ học tinh hoa

"Ba lô" trai làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vùng Trường Sơn-Tây Nguyên là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số anh em. Núi rừng nơi đây có nhiều mây, tre, nứa, lồ ô và các loại thảo mộc có thể khai thác làm nguyên liệu để duy trì nghề thủ công truyền thống, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như làm quà lưu niệm. Trong số đó, vật dụng phổ biến và hữu dụng nhất của đồng bào là chiếc gùi, đặc biệt là gùi 3 ngăn dành cho nam giới, được xem là “ba lô” của trai làng.
Từ tre, nứa, lồ ô, mây, người ta mang về nhà dùng rựa chẻ ra, vót nan, pha chế và tạo màu cho từng loại nan để rồi đan lát thành những chiếc gùi tinh xảo. Đôi tay khéo léo cùng với kỹ thuật thao tác điêu luyện của những người đàn ông trong gia đình đã tạo nên những chiếc gùi khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng. Đồng bào có nhiều loại gùi khác nhau: gùi củi, gùi thóc, gùi của đàn ông, gùi của đàn bà, gùi cho người lớn và cả cho trẻ nhỏ.
Đan gùi là cơ hội để người đàn ông miền núi chứng tỏ sự giỏi giang, khéo léo của mình đối với người phụ nữ. Mây để đan thành gùi đẹp, bền, chắc phải được lấy từ rừng sâu, chủ yếu là mây xà phun, mây rã, mây song, mây cám… Sản phẩm đan độc đáo nhất của các tộc người là chiếc gùi 3 ngăn của nam giới, giống như chiếc ba lô luôn đeo trên lưng khi lên rẫy, đi rừng và dùng trong những sinh hoạt hàng ngày.
Thanh niên dân tộc Cơ Tu đi dự hội với chiếc gùi 3 ngăn trên lưng. Ảnh: Tấn Vịnh
Thanh niên dân tộc Cơ Tu đi dự hội với chiếc gùi 3 ngăn trên lưng. Ảnh: Tấn Vịnh
Hầu như các dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên đều biết đan và sử dụng loại gùi 3 ngăn. Đây là một tác phẩm đẹp bởi kỹ thuật đan tinh tế, mềm mại, tạo đường nét hoa văn nhẹ nhàng và hình khối lạ mắt, độc đáo, giúp đựng được nhiều thứ như đồ ăn, dao, ống tên, dụng cụ lấy lửa… Người Cơ Tu gọi chiếc gùi 3 ngăn là Tơ lêếc/Ta leec/Ta leo...; người Cor gọi là Sui pác; người Jrai gọi là Klek...
Đối với dân tộc Cơ Tu, chiếc gùi 3 ngăn chẳng những là vật dụng thiết yếu trong lao động sản xuất mà còn là “đạo cụ” không thể thiếu để các chàng trai cùng các cô gái biểu diễn điệu múa Tân tung da dá. Khi tham gia biểu diễn, ngoài tấm áo thổ cẩm được choàng từ lưng xuống vai, từ vai xuống bụng và chiếc khố chữ T, người múa còn mang chiếc gùi 3 ngăn được trang trí bằng lông chim trĩ, chim công. 
Gùi 3 ngăn gồm có ngăn lớn (ngăn mẹ) ở giữa và 2 ngăn nhỏ hơn (ngăn con) ở hai bên. Ngăn lớn có thể đựng được cái rìu, cái búa, con dao cán dài để người đàn ông vào rừng đốn cây, phát rẫy. Klek của người Jrai, Bahnar có dạng hình cánh dơi, có 2 quai như chiếc ba lô, dẹp và bè ra hai bên rất vuông vắn. Tùy theo vóc dáng cơ thể, độ tuổi của từng người mà gùi có kích thước lớn nhỏ khác nhau.
Klek thường có chiều cao 60-70 cm, chiều ngang 40-55 cm, độ rộng mỗi ngăn khoảng 10-15 cm. Phía trên 2 ngăn nhỏ đan liền 2 sợi dây nối với miệng của ngăn giữa dùng để đeo. Giữa các ngăn phía bên ngoài có gắn các cây gỗ hoặc khúc mây nước có tác dụng giữ cho gùi không bị cong gãy cũng như dùng làm đế đỡ cho toàn bộ chiếc gùi. Vào mùa mưa, ngăn giữa của chiếc gùi được phủ một lớp lá cọ hoặc lá mây rất dày để lúc gặp mưa không bị ướt những vật dụng đựng bên trong.
Hiện nay, mặc dù những vật dụng bằng nhựa, sợi tổng hợp được bán rất nhiều ở chợ nhưng đồng bào Tây Nguyên vẫn thích sử dụng những đồ dùng tự đan. Những chiếc gùi 3 ngăn là hiện vật dân tộc học có giá trị được các bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân săn tìm để trưng bày, giới thiệu những tinh hoa trong văn hóa vật chất, tinh thần của các tộc người vùng cao.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm