Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Ba tuyến cao tốc vẫn đang gặp khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các Dự án đường Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng vẫn chưa đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu và giải phóng mặt bằng còn chậm.
Nhà thầu thi công nền đường một dự án đường bộ cao tốc. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Nhà thầu thi công nền đường một dự án đường bộ cao tốc. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Sau gần 4 tháng khởi công, ba Dự án đường Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng vẫn đang gặp khó khăn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu thi công.

Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài hơn 53km, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 (dài 16km) do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 2 (dài hơn 18km) do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 3 (dài hơn 19km) do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.

Theo tiến độ, dự án này sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác đồng bộ từ năm 2026.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, dự án đã được bàn giao mặt bằng được hơn 19 km, đạt gần 36%.

Cụ thể, Dự án thành phần 3 qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bàn giao được gần 18km (đạt 92% tổng diện tích thu hồi); Dự án thành phần 2 qua Đồng Nai mới bàn giao được hơn 1,2km (đạt 7%); Dự án thành phần 1 chưa được bàn giao mặt bằng.

Liên quan đến công tác thi công, dự án đã triển khai thi công 3/5 gói thầu. Các nhà thầu chủ yếu mới huy động máy móc thiết bị, dọn dẹp mặt bằng, lán trại, đường công vụ, vét hữu cơ, đắp nền đường. Riêng Dự án thành phần 1 có hai gói thầu xây lắp hiện vẫn chưa triển khai thi công.

Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài trên 188km với tổng mức đầu tư khoảng 44.700 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (dài hơn 57km) do Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 2 (dài hơn 37km) do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 3 (dài khoảng 37km) do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản; Dự án thành thành phần 4 (dài 57km) do Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng làm cơ quan chủ quản. Dự kiến, dự án hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Đến nay, dự án đã được bàn giao gần 166km mặt bằng, đạt 87%. Trong đó, Dự án thành phần 1 đã bàn giao hơn 54km (đạt 94%); Dự án thành phần 2 bàn giao gần 29km (đạt hơn 77%); Dự án thành phần 3 bàn giao hơn 34km (đạt hơn 93%); Dự án thành phần 4 bàn giao hơn 48km (đạt gần 83%).

Hiện, dự án đã triển khai thi công 8/14 gói thầu. Các nhà thầu hầu hết mới huy động máy móc thiết bị, dọn dẹp mặt bằng, lán trại, đường công vụ, vét hữu cơ, lập thiết kế bản vẽ thi công.

Nguồn vật liệu cát vẫn là điểm nghẽn lớn nhất tại Dự án Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Nguồn vật liệu cát vẫn là điểm nghẽn lớn nhất tại Dự án Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Dự án Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5km, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 (dài 32km) do Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 2 (dài hơn 37km) do Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 3 (dài hơn 48km) do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Theo tiến độ, dự án sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.

Đến nay, dự án có tổng chiều dài mặt bằng được bàn giao được hơn 61km, đạt 53%. Trong đó, dự án thành phần 1 qua tỉnh Khánh Hòa đã bàn giao 18km (đạt 57%); Dự án thành phần 3 qua Đắk Lắk đạt hơn 37km (đạt 78%). Riêng dự án thành phần 2 qua Khánh Hòa và Đắk Lắk mới bàn giao gần 6km (đạt 16%).

Sau gần 4 tháng khởi công, tính đến nay, Dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có 7/8 gói thầu tại dự án đã được triển khai thi công. Các nhà thầu chủ yếu mới huy động máy móc thiết bị, dọn dẹp mặt bằng, làm lán trại, đường công vụ, vét hữu cơ, lập thiết kế bản vẽ thi công. Một gói thầu còn lại thuộc dự án thành phần 2 sẽ được lựa chọn nhà thầu trong tháng 10/2023.

Trong ba dự án cao tốc này, Bộ Giao thông Vận tải cũng bày tỏ nỗi lo về thiếu nguồn vật liệu thi công và ảnh hưởng đến tiến độ Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và Biên Hòa-Vũng Tàu nếu như các địa phương không kịp thời sớm tháo gỡ nguồn cung.

Với Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, tổng nhu cầu đất đắp cần khoảng gần 2,4 triệu m3, hơn 31 triệu m3 cát và hơn 4 triệu m3 đá. Tính đến nay, vật liệu đá, đất đắp đã khảo sát xác định đủ nguồn cung cấp, đáp ứng theo tiến độ dự án.

Nhà thầu khai thác nguồn đất từ một mỏ vật liệu để thi công đắp nền đường Cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Nhà thầu khai thác nguồn đất từ một mỏ vật liệu để thi công đắp nền đường Cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Riêng vật liệu cát, tỉnh An Giang (dự án thành phần 1) và tỉnh Sóc Trăng (dự án thành phần 4) đã bố trí đủ nguồn (khoảng hơn 17 triệu m3) từ các mỏ trên địa bàn.

Tỉnh Hậu Giang, tỉnh An Giang đã thống nhất cung cấp cho hai dự án thành phần 2 và 3 khoảng 7,5 triệu m3;hơn 6,5 triệu m3 còn lại chưa xác định được nguồn cung.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu cát đắp cho dự án thành phần 2, 3, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục phối hợp với các tỉnh trong khu vực để rà soát, điều phối nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ dự án.

Đối với dự án Biên Hòa-Vũng Tàu, tổng nhu cầu đất đắp cần khoảng 6,6 triệu m3; hơn 0,5 triệu m3 cát; gần 2 triệu m3 đá. Các mỏ vật liệu trong khu vực đã khảo sát xác định đủ nguồn cung cấp.

Tuy nhiên, với nguồn đất đắp cung cấp chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công, do đó Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gia hạn 3 dự án cải tạo của địa phương để thu hồi vật liệu đắp phục vụ thi công dự án.

Có thể bạn quan tâm