(GLO)- Hai lần tốt nghiệp Chuyên khoa II về Quản lý Y tế và Chấn thương chỉnh hình, bác sĩ Đỗ Anh Chiến vẫn xác định phải học tập, nghiên cứu không ngừng, luôn cập nhật về khoa học kỹ thuật và các phương pháp thực hành mới. Hiện anh đang công tác tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh và là một bác sĩ giỏi chuyên về cột sống.
Có bố cũng là bác sĩ công tác trong ngành Y tế Gia Lai, Đỗ Anh Chiến được định hướng theo ngành Y như truyền thống gia đình. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Tây Nguyên (Đak Lak), anh tiếp tục theo học lớp định hướng chuyên khoa. Tại đây, Đỗ Anh Chiến may mắn gặp được người thầy của anh, lúc bấy giờ là Thầy thuốc Ưu tú Võ Văn Thành-giáo sư đầu ngành của Việt Nam về cột sống, người tham gia ca mổ lịch sử đầu tiên ở Việt Nam tách rời cặp song sinh dính liền Việt-Đức với vai trò phụ trách tách cột sống.
Bác sĩ Đỗ Anh Chiến (phải) trước một ca mổ. |
“Tầm sư…”
“Thầy là người đã truyền cho tôi cảm hứng cũng như niềm đam mê về ngành cột sống. Lúc đó (năm 2003), cả nước chỉ có khoảng 20 bác sĩ chuyên khoa cột sống, trong khi bệnh lý cũng như chấn thương cột sống thì rất nhiều như còng, vẹo, lao cột sống hoặc gãy xương sống…, có thể gây liệt tứ chi hoặc tử vong”-bác sĩ Đỗ Anh Chiến nhớ lại. Khi anh đến xin Giáo sư Võ Văn Thành theo học, bậc thầy về cột sống tại Việt Nam hỏi, tại sao em lại muốn theo ngành này? Nói vậy là bởi, học về cột sống đòi hỏi thời gian học kéo dài 5 năm thì mới có thể đứng mổ được; trong khi đó, chuyên khoa cột sống tại Việt Nam còn rất mới, phương tiện, dụng cụ còn thiếu thốn, mà đa số toàn là bệnh rất nặng, mỗi ca phẫu thuật kéo dài 10-14 tiếng đồng hồ là bình thường. Chính vì vậy rất ít bác sĩ kiên trì theo học về chuyên khoa cột sống.
Bác sĩ Chiến kể tiếp: “Trước câu hỏi của thầy, tôi đã trả lời rằng: Ở Gia Lai có rất nhiều người bị bệnh về cột sống nhưng không biết chữa ở đâu. Một thầy giáo thời THPT của tôi đã qua đời vì bệnh lý cột sống, trong khi đó mẹ tôi cũng bị đau lưng nhiều năm, đi chạy chữa khắp nơi từ Sài Gòn đến Hà Nội, từ thuốc Nam đến thuốc Bắc nhưng vẫn không khỏi… Vì vậy, tôi muốn trở thành một bác sĩ chuyên về cột sống. Sau khi nghe câu trả lời, thầy đã nhận tôi làm học trò. Đó là may mắn lớn của tôi”.
Đỗ Anh Chiến ở lại học với Giáo sư Võ Văn Thành và làm việc tại Khoa Cột sống A-Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, sau đó lần lượt tốt nghiệp lớp Chuyên khoa I, Chuyên khoa II về Quản lý Y tế và Chuyên khoa II về Chấn thương Chỉnh hình. Ngoài ra, anh còn tham gia các lớp tu nghiệp ngắn hạn tại Pháp, Mỹ, Hàn Quốc… để nâng cao năng lực chuyên môn.
Và thành danh
Vừa kết thúc một ca mổ khó kéo dài từ 8 giờ sáng đến 15 giờ chiều, bác sĩ Đỗ Anh Chiến vui vẻ trò chuyện cùng chúng tôi xung quanh đề tài chuyên khoa II về chấn thương chỉnh hình: Kết quả điều trị gãy trật một mấu khớp cột sống cổ thấp bằng phẫu thuật giải ép-hàn xương-nẹp ốc lối trước. Đây là nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên trong nước về cột sống cổ thấp cho loại gãy trật một mấu khớp. Loại chấn thương này chỉ chiếm khoảng 20% trường hợp gãy đốt sống cổ nhưng là loại thường gặp nhất. “Mổ lối trước sẽ có rất nhiều “cạm bẫy” so với mổ lối sau, nhưng phương pháp này tốt hơn, giúp sinh lý đốt sống cổ phục hồi nhanh hơn, rút ngắn thời gian phẫu thuật”-bác sĩ Chiến nói. Hiện phương pháp mổ mới này đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế.
Nhiều năm công tác tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Đỗ Anh Chiến đã tham gia hàng trăm ca mổ khó. Anh nhớ lại: Năm 2009, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân từ huyện Chư Sê-Gia Lai, bị gãy đốt sống cổ và liệt tứ chi do bị bò húc. Những tưởng bệnh nhân khó cứu, nhưng sau khi được phẫu thuật và dùng các phương pháp hỗ trợ như tập vật lý trị liệu, sức khỏe người phụ nữ này hiện đã ổn định và sinh hoạt gần như bình thường. Được chứng kiến sự hồi phục kỳ diệu như thế ở bệnh nhân chính là niềm vui lớn nhất của những lương y. Bác sĩ Chiến cho biết, hiện anh đang ấp ủ dự định liên kết với Trung tâm Fitbone (Mỹ) mở trung tâm tại Việt Nam nhằm giúp bệnh nhân kéo dài chi trong các trường hợp bị tai nạn mất xương, hoặc phục vụ nhu cầu thẩm mỹ. Đây là kỹ thuật mới, có thể kéo dài chi tối đa từ 18-25 cm và hạn chế đau đớn, đảm bảo thẩm mỹ hơn so với kỹ thuật đang áp dụng hiện nay.
Chia sẻ quan niệm về 2 chữ lương y, bác sĩ Đỗ Anh Chiến cho rằng: Người thầy thuốc cần phải có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức mới có thể làm tròn sứ mệnh mà xã hội đã giao phó. “Cho nên 2 chữ “lương y”, theo tôi, là tất cả kiến thức tốt nhất về Y khoa và được người thầy thuốc sử dụng bằng cái Tâm của mình để chữa bệnh”-bác sĩ Chiến đúc kết.
Phương Duyên