Bài 1: Chiến thắng bằng sức mạnh chính nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 40 năm đã đi qua! 40 năm, quá đủ để làm lành những vết thương, xóa đi những dấu vết mà gần 36.000 tấn bom của giặc Mỹ dội xuống trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 tại thủ đô Hà Nội-trái tim nước Việt thân yêu. 12 ngày đêm máu và hoa là một cuộc chiến không cân sức, là chiến thắng của lòng yêu nước, ý chí, bản lĩnh và niềm tin… 40 năm và mãi mãi, niềm tự hào về sự mưu trí, dũng cảm và lòng yêu nước sẽ không bao giờ ngừng tỏa sáng trong trái tim mỗi người dân đất Việt.

Mỹ thất bại thảm hại

Để thực hiện chiến dịch, chính quyền Richard Nixon huy động gần 200 máy bay B.52, 30 máy bay F111 và hơn 1.000 máy bay tiêm kích, 6 liên đội tàu sân bay và 50 máy bay tiếp dầu KC135... dội bom đánh phá miền Bắc.

 

Những khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Với hào khí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu (18-12 – 30-12-1972), quân và dân thủ đô cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B.52 (riêng Hà Nội bắn rơi 25 chiếc B.52).

Chiến dịch thất bại. Tổng thống Richard Nixon đã phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch vào ngày 30-12, đề nghị nối lại đàm phán tại Paris (Pháp) và cuối cùng nhanh chóng ký kết Hiệp định Paris trên cơ sở dự thảo đưa ra từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà phía Mỹ trước đó đã từ chối ký kết để dội bom xuống Hà Nội uy hiếp ta thỏa hiệp theo những điều kiện phía Mỹ đưa ra.

Người ta thường tin vào những căn cứ khoa học, những con số… Trong những cuộc đấu, người ta luôn tin, chiến thắng thuộc về kẻ mạnh. Tuy nhiên, trong chiến tranh nhân dân Việt Nam, có những điều không như vậy.

12 ngày đêm bắn phá, người Mỹ có vũ khí tối tân, có dã tâm phá cho bằng được thủ đô Hà Nội. Chiến lược đánh phá vào “trái tim”- đòn hiểm nhất của kẻ xâm lược vốn thừa nổi tiếng hung tàn. Mỹ là kẻ mạnh.

Nhân dân Hà Nội có gì? Hà Nội có hàng triệu trái tim yêu nước, yêu hòa bình. Đó chính là “làn sóng lớn” để “cuốn trôi bè lũ cướp nước và bán nước” như Bác Hồ từng nói. Các bạn bè của ta như Trung Quốc, Liên Xô… hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt. Hà Nội-Việt Nam có sức mạnh của chính nghĩa.

Mỹ đã thua. Sự thật là Mỹ đã thất bại thảm hại ngay trên bầu trời Hà Nội. Thực tế đã chứng minh, kẻ mạnh không thể thắng được chính nghĩa, dù sức mạnh có to lớn đến đâu. 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu và giành chiến thắng, quân và dân của chúng ta lại một lần nữa, viết tiếp nên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Sáng mãi “Điện Biên Phủ trên không”

Năm 1974, lấy ý tưởng từ Hà Nội những ngày diễn ra trận tập kích B.52 cuối 1972, đạo diễn Khải Ninh đã sản xuất bộ phim nhựa nổi tiếng “Em bé Hà Nội”. Bộ phim là câu chuyện về cô bé 12 tuổi có tên là Ngọc Hà và hành trình tìm lại người thân của mình sau khi bị thất lạc bởi những trận mưa bom Mỹ trút xuống Hà Nội. Bộ phim sau đó đã đạt nhiều giải thưởng cao quý: Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III năm 1975, Giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Moskva 1975, Giải thưởng của Mặt trận Giải phóng Palestine tại Liên hoan phim quốc tế Syria… Đồng thời, bộ phim cũng góp phần đưa đạo diễn tài danh Khải Ninh đến với Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2007.

“Em bé Hà Nội” hiện vẫn thường xuyên được công chiếu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ phim lấy được nước mắt của người xem khi miêu tả lại một cách chân thực, xúc động về hành trình tìm lại gia đình của Ngọc Hà. Vật song hành cùng với cô bé là cây vĩ cầm nhỏ-biểu tượng cho khát vọng được sống trong hòa bình, được học hành và vui chơi của trẻ em Việt Nam.

Nói về cảm xúc khi xem bộ phim này, bác Lê Đình Lánh-một cựu chiến binh xã Ia Dơk-huyện Đức Cơ, chia sẻ: “Tôi ấn tượng với câu hỏi của cô bé Ngọc Hà dành cho chú bộ đội: “Tại sao họ lại thích ném bom hả chú? Tại sao chúng lại cứ thích giết trẻ em, đem bom ném xuống trường học như trường mẫu giáo em cháu? Em cháu có làm gì chúng đâu?”. Câu hỏi đó không chỉ cho thấy sự tàn phá khủng khiếp và phi lý của bom đạn giặc Mỹ mà còn cho thấy khát khao được sống hòa bình, yên ổn của mỗi em nhỏ cũng như của nhân dân Việt Nam”.

12 ngày đêm đau thương nhưng quá đỗi hào hùng ấy đã đi qua tròn 40 năm. Hôm nay, người Việt Nam vẫn còn nhắc đến chứng tích oai hùng ấy để giáo dục cho những thế hệ sau… Em Đặng Nhật Hạ-học sinh lớp 11C1, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, chia sẻ: Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và rất nhiều những chiến tích khác trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta đã làm nên niềm tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng. Chúng em không được sống trong những ngày tháng lịch sử nhưng chúng em được biết đến qua những bài học, những thước phim, bài báo hay những lời kể đâu đó… Chúng em luôn cảm thấy tự hào”. Đặng Nhật Hạ là thí sinh vừa đạt giải nhì bảng B và giải nhất bảng A trong kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Lịch sử vừa rồi.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm