Bài 1: Con đường đau khổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngân sách eo hẹp trong thời buổi kinh tế khó khăn nhưng Gia Lai vẫn ưu tiên đầu tư các dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dù vậy, khuất tất và yếu kém trong việc triển khai thực hiện khiến nhiều dự án giao thông trên thực tế đang “đắp chiếu” hoặc ỳ ạch, chưa biết khi nào mới hoàn thành và phát huy tác dụng, mà dự án đường vào xã Đak Pling, huyện Kông Chro là ví dụ điển hình.

Dự án đường vào xã Đak Pling có một ý nghĩa rất quan trọng, nối 4 xã phía Đông sông Đak Pơ Kơ là Đak Kơ Ning, Sơ Ró, Đak Sông và Đak Pling, khởi đầu từ ngã ba xã Ya Ma. Công trình có tổng chiều dài 37,0394 km và 2 cầu, tổng dự toán được duyệt 106,385 tỷ đồng, khởi công từ 14-10-2010 và thời gian hoàn thành để đưa vào sử dụng là tháng 6-2012. Công trình được chia làm 2 gói thầu với 4 nhà thầu độc lập hoặc liên doanh thực hiện là Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Bình An (sau đây xin gọi là Bình An), Công ty TNHH Hoàng Nhi (Hoàng Nhi), Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tiến Dung-Kon Tum và Công ty TNHH Trung Kiên (Trung Kiên).

Hành khổ người và phương tiện đi lại

 

Thảm hại hình ảnh nhà thầu thi công công trình giá trị nhiều tỷ đồng. Ảnh: T.S

Đến nay sau gần 3 năm triển khai thực hiện, dự án giao thông quan trọng này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Nhà thầu Bình An có trách nhiệm thực hiện gói thầu số 1 kể từ tháng 11-2011 đã ngừng thi công. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp này có nhiều dư luận khác nhau, nhưng tóm lại là đã vỡ nợ. Gói thầu số 2 với các nhà thầu khác cũng rất chậm tiến độ.

Lẽ ra đến thời điểm này (nghĩa là chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết hạn hợp đồng thời gian thi công), dự án đường vào Đak Pling phải cơ bản hoàn thành với nền đường bê tông, 2 cây cầu hoàn chỉnh. Có chăng phần còn lại là nhà thầu tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn dang dở, trước khi bàn giao cho chủ đầu tư. Vậy mà trên thực tế, đây lại là một con đường đau khổ. Đau khổ với chính nó vì trên mình đầy “thương tích”, lở loét, nham nhở, chỗ đào chỗ bới, thảm bê tông chỗ có chỗ không. Nhưng đặc biệt là đau khổ đối với người và phương tiện tham gia giao thông. Toàn bộ chiều dài của con đường lổn nhổn sỏi đá, ổ trâu, ổ voi, ngầm ngập nước, lòng đường bó hẹp nhiều đoạn thì nay do thi công dở dang, báo hại người đi đường, phương tiện giao thông phải tránh né vô cùng vất vả. Không ít người đi lại phát biểu với đầy sự chán ngán, giận dữ: Đường sá kiểu này chỉ báo hại người dân mà thôi, chẳng thà đừng làm còn hơn!

Vi phạm hợp đồng thi công

Báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng cơ bản huyện Kông Chro cho thấy: Đến thời điểm đầu tháng 4- 2012, dự án có khối lượng thực hiện đạt 51%, đã tiến hành giải ngân 66,860 tỷ đồng/95,325 tỷ đồng đạt 70% kế hoạch vốn.

Trong đó, gói thầu số 1 (từ km 00+00-km 20+00; km 22+00-km 25+00; km 27+00-km 36+301, 82m) do liên doanh Công ty Bình An và Công ty Hoàng Nhi trúng thầu. Hiện nhà thầu Bình An đã thi công với khối lượng đạt khoảng 35%, so với tiến độ là rất chậm. Tổng giá trị gói thầu 30,744 tỷ đồng, đã giải ngân 17,104 tỷ đồng (55,6% giá trị hợp đồng). So với khối lượng thực hiện thì đã thu hồi vốn tạm ứng được 7,8 tỷ đồng, số còn chưa thu hồi là 9,224 tỷ đồng. Trên thực tế, nhà thầu này đã dừng thi công hơn 3 tháng nay. Huyện đã nhiều lần đôn đốc nhắc nhở và lập thủ tục thu hồi tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng vì nhà thầu chậm tiến độ nhưng chưa có kết quả.

Đối với nhà thầu Hoàng Nhi, đến nay đã thi công với khối lượng đạt khoảng 50% và cũng là nhà thầu không đảm bảo tiến độ. Giá trị gói thầu do Công ty này thi công là 31,999 tỷ đồng, đã giải ngân 18,214 tỷ đồng (57% giá trị hợp đồng). So với khối lượng thực hiện thì chủ đầu tư đã thu hồi vốn tạm ứng được 14,84 tỷ đồng, số còn chưa thu hồi là 3,374 tỷ đồng.

Còn ở gói thầu số 2 (từ km 20+00-km 22+00; km 25+00-km 27+00) do liên doanh Công ty Trung Kiên và Công ty Tiến Dung-Kon Tum trúng thầu, thời gian thi công từ 14-10-2010 và hoàn thành 18-11-2011. Đến nay gói thầu này đã thi công đạt khoảng 65% khối lượng, so với yêu cầu thì tiến độ công trình không đảm bảo. Giá trị gói thầu này là 28,806 tỷ đồng, đã giải ngân 23,135 tỷ đồng (80% giá trị hợp đồng), so với khối lượng thực hiện thì đã thu hồi vốn tạm ứng được 16,458 tỷ đồng, số tạm ứng còn chưa thu hồi là 6,677 tỷ đồng.

Như vậy các nhà thầu của dự án này đều đã vi phạm hợp đồng về thời gian thi công. Cả Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư và các nhà thầu đều cho rằng nguyên nhân chậm tiến độ là bởi vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Thứ đến là những bất lợi khách quan do mưa gió. Tất nhiên nguyên nhân chính vẫn là nhà thầu yếu kém về năng lực: Thiết bị máy móc, nhân lực và tài chính. Và với 3 tờ trình, các nhà thầu đều đề nghị tỉnh cho phép gia hạn thêm thời gian thi công. Đơn vị đề nghị gia hạn ngắn nhất là đến hết tháng 6-2012, nhưng có vẻ đề nghị này cũng không dễ thực hiện.

Thất Sơn
 

Có thể bạn quan tâm