Bài 1: Day dứt nỗi đau da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Con cái là tài sản quý giá và là niềm hạnh phúc vô biên của biết bao người làm cha, làm mẹ. Vậy nhưng, khi chiến tranh vừa đi qua, hạnh phúc của họ nào được vẹn tròn khi những đứa con của mình đang ngày ngày phải gánh chịu di chứng của chất độc da cam- “bóng ma” man rợ ấy đã cướp đi biết bao sinh linh bé bỏng, hủy hoại cuộc sống bình yên của biết bao gia đình Việt Nam.
 
Nỗi đau thời hậu chiến

Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ nhưng thứ chất độc mang tên da cam thì vẫn đeo bám những người cha, người mẹ đã một thời vào sinh ra tử nơi chiến trường. Và đau đớn hơn, chất độc ấy lại tiếp tục gặm nhấm và cướp đi cuộc đời những đứa con của họ.

 

Hai mẹ con Nguyễn Kim Nam bên bàn thờ người cha đã ra đi vì chất độc da cam. Ảnh- Trần Dung.

Chúng tôi tìm về nhà cô Vũ Thị Vinh (tổ 12- phường Phù Đổng- TP. Pleiku) vào một ngày mưa không ngớt. Căn nhà bỗng chật hẹp hơn thường bởi những xô, chậu... ngổn ngang. Vẻ mặt khắc khổ, cô Vinh giải thích: “Trời mưa to quá, nhà lại bị dột nát nhiều nơi nên mẹ con tôi phải rải đồ đạc ra để hứng nước mưa”. Vừa nói, cô vừa sửa lại chiếc áo cho cậu con trai đang đăm đăm nhìn lên bàn thờ người cha. Không gian trong căn nhà ấy bỗng nhiên chùng xuống...

Chồng của cô là Thiếu tá Nguyễn Kim Long- những năm 1970 là bộ đội nơi chiến trường B, còn cô cũng từng là thanh niên xung phong. Họ gặp rồi kết duyên với nhau vào đầu năm 1980.

 

Những tưởng hạnh phúc sẽ đến với đôi vợ chồng trẻ sau bao năm tháng lăn lộn nơi chiến trường. Nào ngờ, “hạnh phúc chưa tày gang” thì bao nhiêu khổ đau, bất hạnh đã ập tới khi lần lượt bảy người con của họ ra đời không trọn hình vẹn dạng. Hậu quả của chiến tranh đã gieo rắc vào gia đình cô một nỗi đau thương đến nhói lòng khi phải nhìn những đứa con của mình sau những tháng ngày mang nặng, khi sinh ra chỉ là một cục thịt đỏ hỏn. Cô Vinh ngẹn ngào: “Ngày ấy, bao nhiêu lần sinh của tôi đều không giống như bao người phụ nữ khác. Tôi đã hoảng sợ. Vẫn nuôi hy vọng có được đứa con lành lặn như người ta nên vợ chồng tôi vẫn cố gắng. Cho đến lúc sinh đứa thứ 5 thì tôi tuyệt vọng hoàn toàn. Con của tôi vẫn không có hình hài”. Thời gian ấy, cô Vinh phải điều trị một thời gian vì chứng bệnh tâm thần.
 

Căn nhà chật hẹp ngổn ngang những xô chậu hứng nước mỗi khi trời mưa. Ảnh- Trần Dung.

Sau bao nhiêu lần đớn đau, mất mát, vợ chồng cô cứ ngỡ sẽ không có được hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Rồi không nén nỗi khát khao cháy bỏng của mình, họ hi vọng biết đâu ông trời thương mà cho đứa con lành lặn. Và đứa con thứ 6, thứ 7 của họ chào đời như ước nguyện: con của họ có hình hài vẹn nguyên. Nhưng rồi hai người con trai của họ càng lớn lên càng teo tóp, kiệt quệ. Niềm hy vọng của gia đình nay cũng chẳng khác gì "ngọn đèn dầu trước gió".

Rồi đến năm 2002, khi phát hiện người mình đầy bệnh tật và mọc mẩn đỏ khắp người, chồng cô đi khám và biết được sự thật của những bất hạnh mà vợ chồng họ phải gánh chịu bao năm qua là do chất độc điôxin tai quái. Năm 2010, “bóng ma” da cam đã cướp đi cuộc sống của chồng cô. Từ đó, căn nhà trở nên lay lắt hơn khi chỉ còn một mẹ già và hai người con tật nguyền: Nguyễn Kim Hải (dị tật) và Nguyễn Kim Nam (liệt thần kinh não bên trái và nửa người bên trái ngày càng teo dần). Nỗi đau chồng chất nỗi đau.  

Ước nguyện cho con

Giờ đây, trong sâu thẳm tấm lòng của người mẹ, có lẽ hơn lúc nào hết, cô Vinh đang ước nguyện một phép nhiệm màu cho hai người con trai tật nguyền của mình được lành lặn như bao người khác- dẫu ước mơ ấy chẳng bao giờ trở thành hiện thực.

 

Tài sản duy nhất của hai mẹ con đang phải rao bán. Ảnh- Trần Dung.

Sau những sóng gió của số phận, cô Vinh cũng trở nên đau ốm triền miên với hai lần phải mổ thận (phải cắt mất một quả thận bên phải), một lần mổ ruột thừa và u nang buồng trứng. Nỗi đau về tinh thần và thể xác như ngày càng xô ngã người phụ nữ bất hạnh. Hoàn cảnh quá khó khăn, cô buộc phải gửi con trai Nguyễn Kim Hải xuống Kon Tum cho gia đình một người cậu trông nom. Cô ở lại vật vã từng ngày với cậu con trai út Nguyễn Kim Nam. 23 tuổi, Nam sống lay lắt như một đứa trẻ lên 8.

Những cơn động kinh giằng xé khiến Nam nhiều khi mất đi tính người. Chân tay ngày càng co rút, teo nhỏ. Cậu luôn ngồi bất động hàng giờ trước bàn thờ người cha. Chín năm theo học lớp 1 nhưng Nam không thể tiếp thu được bởi bệnh tật hoành hành, lúc tỉnh, lúc mê. Nhắc đến những tháng ngày đã qua, cô Vinh dàn giụa nước mắt: “Những lúc tỉnh táo, Nam luôn thủ thỉ với tôi rằng “Mẹ đừng chết! Mẹ phải sống với con”. Ngày tôi đau ốm nằm trong bệnh viện cũng phải mang nó theo để canh chừng. Tôi buồn là mình không còn đủ sức khỏe để chăm nó tốt hơn. Cuộc sống và số phận trớ trêu quá. Tôi căm thù nhiều lắm căn bệnh da cam”.

Nữ thanh niên xung phong năm nào chưa một lần chùn bước trước bom đạn kẻ thù thì nay lại phải ngậm ngùi nuốt nỗi đau da cam. Mỗi lần nhìn lên di ảnh chồng, nỗi đau trong cô lại quặn thắt. Xót lòng người mẹ từng ngày phải chứng kiến cảnh con mình đang ngày càng yếu ớt. Chạy vạy ngược xuôi để có tiền trang trải cho cuộc sống, từ miếng ăn đến thuốc thang cho con, người mẹ ấy gần như đã kiệt sức. Rồi con số nợ nần từ những sóng gió của gia đình ngày càng lớn dần.

Giải pháp cuối cùng mà người mẹ đau khổ ấy phải lựa chọn là rao bán căn nhà- tài sản duy nhất còn lại của mẹ con cô. “Tôi không biết những tháng ngày tiếp theo của chúng tôi sẽ như thế nào, nhưng đây là giải pháp trước mắt. Nếu cùng cực quá, mẹ con tôi sẽ vào chùa nương thân”- giọng cô nghẹn lại: “Tôi chỉ thương cho con trai bệnh tật. Nó còn có những ước mơ đáng thương lắm mà tôi biết rằng mình không thể làm gì giúp con ngoài những lời cầu nguyện”.

Với Nguyễn Kim Nam, những lúc tĩnh lặng cậu vẫn âm thầm nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng của mình. Chỉ cho chúng tôi những tổn thương trên cơ thể còm cõi của mình, giọng Nam đứt quãng: “Em ước mơ được khỏe mạnh như các bạn, được tới trường và học chữ. Em thương mẹ lắm! vì em chỉ còn mẹ mà thôi”. Và rồi đôi mắt cậu bé da cam ấy chợt bừng sáng khi nghe hỏi về dự định trong tương lai của em. Nam nhoẻn miệng cười hiền: “Em sẽ đi học nghề sửa chữa điện tử để sau này em nuôi mẹ”.

Ước mơ của Nam bình dị quá, nhỏ bé quá nhưng sao cứ thấy thật xa vời và lớn lao với em. Liệu rằng có một phép nhiệm màu nào đó trên thế gian này giúp Nam có thể thực hiện được ước mơ, thoát khỏi ám ảnh nỗi đau da cam?

Trần Dung
 

Có thể bạn quan tâm