Phóng sự - Ký sự

Bài 1: Đường 7- sông Bờ lưu danh sử sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cách đây 35 năm, trên đường 7 chiến lược (nay là quốc lộ 25), quân và dân ta đã biến cuộc rút quân chiến lược của Quân đoàn 2 ngụy thành cuộc “tùy nghi di tản” để cuối cùng chuốc lấy thất bại thảm hại cả về chiến thuật lẫn chiến lược. Trong những ngày tháng tư lịch sử, nhóm phóng viên Báo Gia Lai có dịp thăm lại các địa danh một thời đi vào huyền thoại, lần lại ký ức của những người trong cuộc, đặc biệt là chứng kiến những đổi thay nhanh chóng trên vùng chiến địa năm xưa…
Cầu sông Bờ. Ảnh: T.D
Cầu sông Bờ. Ảnh: T.D
Từ TP. Pleiku xuôi theo quốc lộ 25, qua khỏi trung tâm thị xã Ayun Pa, phía bên trái là Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có những anh linh cách đây 35 năm đã làm nên chiến thắng huyền thoại đường 7-sông Bờ.
Ông Vũ Xuân Mân- nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Ayun Pa, người trực tiếp tham gia trận đánh đường 7-sông Bờ lịch sử, cho biết: Ngày 18-3-1975, tại đây đã diễn ra trận đánh vô cùng ác liệt giữa ta và địch. 15 ngàn tên địch thuộc Quân đoàn 2 ngụy từ Kon Tum, Pleiku theo đường 7 rút về đồng bằng bị Sư đoàn 320, Trung đoàn 95 và bộ đội địa phương của ta chặn đánh. Hàng trăm xe tăng, xe vận tải… bị bắn cháy và vứt ngổn ngang. Hàng ngàn tên địch bị tiêu diệt và bắt sống…
Có lẽ ông Mân là người hiểu rõ nhất tình hình chiến sự lúc đó. Ông thuộc các địa danh gắn liền với chiến thắng đường 7-sông Bờ như lòng bàn tay. Không chỉ nắm rõ tình hình địch, ông còn rất thấm thía nỗi khổ của dân thường thời loạn. Vì vậy, đầu năm 2010, ông tích cực tham gia cùng nhóm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam chắp nối manh mối tìm kiếm người thân cho những trẻ lạc đường 7 trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.
Dinh tỉnh trưởng Phú Bổn trước đây. Ảnh: T.D
Dinh tỉnh trưởng ngụy tỉnh Phú Bổn. Ảnh: T.D
Lần này cũng vậy, khi chúng tôi đến nhà nhờ giúp đỡ phần tư liệu cho ký sự này, đôi mắt của người lính già trên 80 tuổi bỗng chốc vụt sáng, tinh anh. Mặc cho cái nắng thiêu đốt của thung lũng Ayun Pa những ngày tháng tư, ông Mân vẫn hồ hởi, tỉ mẩn chỉ cho chúng tôi từng địa danh làm nên chiến thắng đường 7-sông Bờ lưu danh sử sách. Với ông, mỗi địa danh là một câu chuyện dài, gắn liền với số phận con người.
Đó là dãy Chư Pa- nơi tập kết của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) trước khi đánh đòn quyết định vào đầu quân thù, giải phóng thị xã. Cách dãy Chư Pa khoảng 2 cây số về phía Đông là trại Ngô Quyền- nơi địch co cụm đám tàn quân trước khi bị tiêu diệt hoàn toàn. Nếu không có ông Mân, chắc có lẽ chúng tôi cũng chỉ biết cái trại Ngô Quyền một thời “làm mưa, làm gió” trên vùng thung lũng này qua sách báo mà thôi. Bởi lẽ, trại Ngô Quyền bây giờ chỉ còn lại một dãy lán trại lúp xúp dùng làm kho chứa thuốc lá của mấy anh nông dân. Bãi tập của lính tráng ngày trước giờ là những thửa ruộng xanh ngút ngàn. Những cô gái trẻ đang xâu thuốc lá cùng với những câu chuyện phiếm phía trong nhà kho thật sự không biết rằng, nơi đây đã từng xảy ra trận tập kích vô tiền khoáng hậu của chủ lực ta.
Khu vực núi Chư Pa và trại Ngô Quyền bây giờ thuộc xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa). Sau 35 năm, thị xã Ayun Pa bây giờ không còn là cái thị xã Hậu Bổn xơ xác ngày xưa. Ngay cái sân bay dã chiến ngày xưa bây giờ cũng biến thành sân phơi của nông dân phường sông Bờ. Đặc biệt, cái dinh Tỉnh trưởng Phú Bổn (trong khuôn viên trụ sở Thị ủy Ayun Pa ngày nay) nổi tiếng với hệ thống hầm hào phức tạp bên dưới cũng gần như bị quên lãng trong ký ức của nhiều người.
Núi Chư Pa. Ảnh: T.D
Núi Chư Pa. Ảnh: T.D
Cũng theo ông Mân, từ cầu sông Bờ đến cầu cây Sung và đèo Tô Na là trận địa phục kích của Sư đoàn 320. Đoạn đường chưa đầy 4 cây số giữa 2 cây cầu là chiến trường ngổn ngang xác giặc. Ông nhớ lại: “Ngay tại đầu cầu phía bên thị xã trước đây có một cây sung cổ thụ nên dân quen gọi là cầu Cây Sung. Khi phát hiện địch rút chạy khỏi Tây Nguyên theo đường 7, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên lệnh cho các lực lượng truy kích địch, trong đó có khẩu lệnh bất cứ giá nào cũng không cho địch vượt qua cầu Cây Sung”.

Đại tướng ngụy Cao Văn Viên: “Cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên là một thất bại về phương diện quân sự. 75% lực lượng của Quân đoàn 2, gồm Sư đoàn 23, biệt động quân, thiết kỵ, pháo binh, truyền tin và công binh bị hao tổn trong vòng 10 ngày…”.

Cuộc tháo chạy của Quân đoàn 2 ngụy. Ảnh: Tư liệu
Cuộc tháo chạy của Quân đoàn 2 ngụy. Ảnh: Tư liệu
Trở lại với chiến thắng đường 7- sông Bờ, theo ghi nhận của ta (lẫn sự thừa nhận của địch)-là đòn quyết định làm kế hoạch rút lui chiến lược của Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy-Phạm Văn Phú bị phá sản hoàn toàn. Cầu sông Bờ và cầu Cây Sung trở thành nỗi khiếp sợ của những hàng binh địch. Cũng nơi đây đã xuất hiện gương chiến đấu anh dũng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân- Nguyễn Văn Hợi-một mình bắn cháy 7 xe tăng địch, góp phần viết nên bản anh hùng ca đường 7.
…Đến với đường 7-sông Bờ hôm nay, nếu không có sự giúp đỡ của các chứng nhân lịch sử, chúng ta rất khó tìm lại dấu tích một thời. 2 cây cầu đi vào lịch sử giờ đã được làm mới kiên cố, dọc theo quốc lộ là những rẫy thuốc lá đang vào mùa thu hoạch xen lẫn những mái nhà được xây cất kiên cố. Bên dòng sông Bờ, sông Ba, một cuộc sống mới đang lan tỏa khắp nơi…
Nhóm PV Chính trị- Xã hội


Có thể bạn quan tâm