Bài 1: Gỗ lậu được tuồn vào nội địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai, gỗ lậu ngày đêm không ngừng được vận chuyển bằng mọi cách để tuồn vào nội địa. Nhiều điểm trung chuyển, kinh doanh gỗ lậu, nhiều kho, bãi ngang nhiên hoạt động công khai không hề thấy có sự kiểm tra, quản lý nào của địa phương và cơ quan chức năng. Kèm theo đó là đội quân hùng hậu chuyên bốc xếp, vận chuyển dưới sự thao túng của các đầu nậu…

Từ tháng 7-2014, trong vai một “lái” gỗ, phóng viên Báo Gia Lai đã thâm nhập đường dây buôn bán gỗ lậu. Những gì mà P.V đã ghi nhận được thật khó tin

Trở lại bến làng Tung

 

Gỗ lậu tập kết tại bến sông và hoạt động liên tục ngày đêm. Ảnh: N.G
Gỗ lậu tập kết tại bến sông và hoạt động liên tục ngày đêm. Ảnh: N.G

Hơn một năm, trở lại bến đò làng Tung, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, nơi mà tháng 6-2013, chúng tôi phát hiện một bến sông đầy gỗ, khi P.V đang tác nghiệp tại hiện trường thì lập tức đến cả chục thanh niên, tay lăm lăm gậy, dao xông vào đe dọa, mặc cho việc có sự hiện diện của cán bộ, lực lượng chức năng là cán bộ huyện, kiểm lâm tại đây. Ngay sau sự việc này, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, giải quyết không để tình trạng tái diễn. Hôm nay, bến làng Tung chẳng khác xưa là mấy, có chăng chỉ khác ở chỗ bến gỗ bây giờ đã không nhộn nhịp như ngày trước, nhưng gỗ vẫn lấp ló ở mép sông chờ thời điểm tuồn vào nội địa.
 

Lần trở lại này, trong cái nắng gay gắt giữa trưa của vùng biên giới xã Ia O, huyện Ia Grai, P.V xâm nhập vào khu vực làng Bi, trong vai là người mua gỗ, chúng tôi dò hỏi thì được một người dân tại đây nói: Muốn mua phải đặt tiền trước, bao nhiêu cũng có? Tuy nhiên, khi đề cập gỗ thế nào, xem ở đâu? Thì không một ai nói gì rồi quay đi khi tôi đề cập!
 

.

Hoạt động vận chuyển gỗ lậu tại khu vực phà 6 xã Ia O, huyện Ia Grai.

Món lợi nhuận phi pháp từ việc kinh doanh gỗ lậu quá lớn, các đầu nậu, những người có “máu mặt” đã lần dò tìm đến các bến sông để bảo kê, tiếp tay đưa gỗ lậu ra khỏi rừng.

Theo ghi nhận của P.V, hàng đêm, đều đặn hàng chục chuyến xe đủ loại (nhiều chiếc trong số này có lẽ đã hết niên hạn sử dụng) lần lượt từ hướng huyện Đức Cơ, Ia Grai, phóng như tên, lao về phố và mất hút ở đâu đó ngay giữa trung tâm Pleiku, chẳng khác nào đó là những chiếc “xe ma”? Vậy đâu là vị trí của những bến vận chuyển gỗ của những chuyến “xe ma”. Qua điều tra, P.V đã tiếp cận nhiều ngày và phát hiện thêm nhiều đường dây buôn bán gỗ lậu tại khu vực biên giới.

Lộ diện “Dòng sông gỗ”

 

Các phu gỗ thách thức cơ quan chức năng và nhà báo khi phát hiện bến gỗ. Ảnh: N.G
Các phu gỗ thách thức cơ quan chức năng và nhà báo khi phát hiện bến gỗ. Ảnh: N.G

Thấy dễ khả nghi, sau một lúc tiếp tục dò hỏi không thành, thì bất chợt, một chiếc xe mô tô với tiếng nổ khá lớn phóng nhanh về hướng làng Bi do một người dân địa phương điều khiển, trên xe là 6 hộp gỗ, cạnh cỡ 30 vuông, dài 1,2-1,4 mét. Qua phán đoán, đây có thể là nguồn gỗ lậu vừa được vận chuyển.

Đúng như nhận định, sau chừng 10 phút, chiếc xe mô tô lúc nãy tiếp tục quay lại con đường cũ. Tò mò và nghĩ đây chính là đầu mối. P.V trực tiếp đeo bám và đặt vấn đề mua gỗ với cậu thanh niên chừng 20 tuổi, vừa vội phóng xe, cậu này vừa nói: Muốn mua thì đi theo mình xuống sông mà hỏi.
 

Gỗ lậu vận chuyển tại bến phà 6. Ảnh: N.G
Gỗ lậu vận chuyển tại bến phà 6. Ảnh: N.G

Vui mừng khi phát hiện được manh mối. Tức tốc, tôi nắm chặt tay lái để kịp theo một phu gỗ.

Con đường đi khá xa, hết đường nhựa, đến đoạn đá rồi qua con đường uốn lượn, đồi dốc đầy đất đỏ trơn trượt sau cơn mưa rào (về sau hỏi ra mới biết con đường này chính là điểm nối từ Đồn Biên phòng Pô Cô vào thủy điện Sê San 4A và xuống khu vực phà 6 của sông Pô Cô, bên kia bờ là nơi giáp biên với huyện Đun Mia, Vương quốc Campuchia).
 

Hàng trăm xe máy đang hoạt động tại bến phà 6. Ảnh: N.G
Hàng trăm xe máy đang hoạt động tại bến phà 6. Ảnh: N.G

Không để nghi ngờ, khi đến điểm phà 6, P.V rời khỏi xe và đến bên bờ sông, nơi một người đàn ông lái chiếc thuyền gỗ nhỏ có gắn động cơ đang từ bờ bên kia cập bến, trên thuyền đầy những hộp gỗ như đã thấy lúc trước tại làng Bi. Vờ như đang xem và chọn những cây gỗ vừa ý, vừa xem tôi hỏi: Gỗ này mình bán không, anh bán giá bao nhiêu? Người được hỏi, dừng tay và nói: Gỗ có người mua rồi, bà Huệ đặt mua từ lâu, gỗ ngày nào cũng có. Giá thì tùy theo nơi mình mua, bên sông kia về thì 27-30 triệu đồng một khối (m3).

Nói vừa dứt, người đàn ông kia tiếp tục công việc của mình, anh và vài thanh niên khác ra sức đẩy những hộp gỗ trên thuyền xuống nước rồi kéo nhanh lên bờ vì lúc này nước sông chảy rất xiết. Tại phía bờ sông, có nhóm phu vác chờ sẵn để đưa những cây gỗ vừa vớt dưới sông đặt lên những chiếc xe máy rồi chở nhanh về hướng làng Bi. Nhiệm vụ của từng người được phân thành từng công đoạn cụ thể, chỉ trong chốc lát, số gỗ lậu trên nhanh chóng được tẩu tán khỏi bến sông.

Theo ghi nhận của P.V, tại bờ sông, nhiều chiếc thuyền cùng cập bến và vô số những chiếc xe máy với đủ loại khác nhau xếp đầy ở đây, cũng phải đến cả trăm chiếc, còn số người đi phu gỗ có thể phải đông hơn lượng xe vì công việc tại bến sông lúc này rất tấp nập… họ tranh thủ để ăn cơm khi có người mang cơm vào tận nơi vì công việc tại bờ sông diễn ra từ sáng sớm đến tận chiều tối.

Số gỗ lậu sau khi được mua bán và vận chuyển về phà 6 tại khu vực biên giới xã Ia O sẽ tiếp tục được một đội phu vác là những thanh niên, họ thồ chở hàng khá nhiều và liên tiếp chuyển về làng Bi-nơi được chọn là bãi tập kết thứ hai.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm