(GLO)- Đó là những vấn đề nổi cộm của Nhà máy đường An Khê được chỉ ra từ chuyến kiểm tra và làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành mới đây, gồm: Vấn đề xử lý nước thải, tiêu thụ mía và nâng công suất hoạt động.
Nhà máy Đường An Khê trực thuộc Công ty cổ phần Mía đường Quảng Ngãi, một trong 6 nhà máy có năng suất, sản lượng cao nhất trong toàn quốc, đã có 12 năm xây dựng và đi vào hoạt động. Với những thành tích đạt được, nhà máy vinh dự được Nhà nước, các bộ ngành, địa phương dành cho nhiều phần thưởng. Nhà máy đã thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội các huyện phía Đông tỉnh, xác lập một loại cây trồng chủ lực đó là cây mía, chuyển giao khoa học công nghệ, tăng thu nhập, giải quyết việc làm,... Không kể những lúc mất giá, nhờ có cây mía, nhà máy đường, nhiều gia đình đã đổi đời, giàu lên trông thấy. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhà máy cũng đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, tồn tại kéo dài và cho đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để.
Xả thải gây ô nhiễm
Ông Phạm Thế Dũng kiểm tra khu xử lý nước thải của nhà máy. Ảnh: Đức Thụy |
Trước tiên là về vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Từ khi đi vào hoạt động cho đến khi công suất đạt 4.500 tấn mía cây/ngày (sắp tới nâng lên 10 ngàn tấn mía cây/ngày), nhà máy vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh nên khi xả thải đã gây ô nhiễm nước sông Ba nặng nề. Trong khi đó, chỉ với 4 m3/giây, lưu lượng này của thủy điện An Khê-Ka Nak đã không đủ để có thể gột rửa sự ô nhiễm của dòng sông, khiến nhân dân trên địa bàn rất bức xúc. Đến cuối năm rồi, sau khi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên đã chỉ đạo nhà máy đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng như hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Vì những vi phạm kéo dài mà trong tháng 1-2012, nhà máy đã bị ngành chức năng phạt 180 triệu đồng. Việc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải được nhà máy đầu tư nhiều chục tỷ đồng nhưng tiến độ chậm hơn dự kiến.
Phương châm của nhà máy là hạn chế xả nước ra sông Ba. Nhà máy đang xây dựng các đường ống dẫn nước, bể biogas khử mùi; các chất gây ô nhiễm thì sử dụng hóa chất xử lý. Tuy nhiên sau Tết Nguyên đán, do nhân lực chưa tập kết đầy đủ cũng như thiết bị chưa về kịp nên tiến độ chưa được đẩy nhanh. Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều sở ngành, thị xã An Khê đã không khỏi ái ngại và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc liệu khi nhà máy đã nâng công suất hoạt động thì tình trạng ô nhiễm sẽ ra sao?
Chậm tiêu thụ mía cho nông dân
Nước thải từ trong nhà máy. Ảnh: Đức Thụy |
Vấn đề “nóng” kế tiếp của nhà máy là việc chậm tiêu thụ mía cho nông dân. Đến niên vụ 2011-2012, vùng nguyên liệu của nhà máy đã mở rộng lên khoảng 20 ngàn ha, sản lượng khoảng 80-90 ngàn tấn đường (khi vùng nguyên liệu ổn định 22 ngàn ha thì sản lượng có thể đạt 1,4 triệu tấn mía cây/năm). Đảm bảo cung ứng đủ mía nguyên liệu phục vụ cho việc nâng công suất của nhà máy đường ngoài diện tích mở rộng trên vùng nguyên liệu đã có, thì huyện Kông Chro đã phát triển lên khoảng 2 ngàn ha. Với sản lượng đó, vùng nguyên liệu đủ đáp ứng công suất hoạt động của nhà máy sau khi đã nâng cao. Theo tính toán của ông Nguyễn Tấn Cương- Giám đốc nhà máy, dù giá mía thấp hơn năm ngoái nhưng người trồng mía vẫn có lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.
Trước sự cố “bất khả kháng” nên trong năm 2012, nhà máy chỉ có thể tiêu thụ 1,2 triệu tấn, 400 ngàn tấn khác sẽ được Nhà máy đường Bình Định chia sẻ tiêu thụ, phần còn lại sẽ được sử dụng làm mía giống. Cách giải quyết này theo ông Cương kể như đã tháo được “ngòi nổ”. Tuy nhiên trên thực tế, nó vẫn tiềm ẩn rất nhiều “rủi ro” mà nhận lãnh hậu quả không ai khác là người trồng mía.
Bởi sản lượng mía của niên vụ này chỉ có thể tiêu thụ hết vào tháng 5, song nhiều người cho rằng, chưa chắc đến khi đó nhà máy đường An Khê đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị nâng công suất và đi vào hoạt động ổn định, cũng như 2 giải pháp “phân tán” một phần sản lượng mía cho Nhà máy đường Bình Định và sử dụng làm mía giống phục vụ sản xuất. Không “hóa giải” kịp thời, từ khó khăn này của nhà máy sẽ kéo theo hàng loạt khó khăn và thiệt hại cho nông dân trong vụ sản xuất tiếp theo như chậm thu hoạch, làm đất, xuống giống, chăm sóc và thu hoạch, trong khi sản xuất nông nghiệp của vùng này vốn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng Kbang có đến hàng ngàn ha mía nhưng chỉ mới 1/3 diện tích là thu hoạch, số còn lại hiện vẫn chôn chân trên đồng. Ngang qua những ruộng mía trổ cờ trắng phau dọc đường Trường Sơn Đông thuộc huyện này, chúng tôi không khỏi xót lòng ái ngại cho tình cảnh của người trồng mía.
Mối bận tâm và lo ngại còn hiển hiện, đó là thời điểm hiện tại trong khi nhà máy đường “cọc cạch” thì mỗi ngày có đến trên dưới 700 xe ô tô (khoảng 30-35 tấn/xe) nối đuôi nhau nằm chờ trước cổng đợi đến lượt nhà máy “ăn mía” của mình. Theo ông Cương, mỗi ngày nhà máy “ăn” khoảng 300 xe nhưng tình trạng quá tải vẫn xảy ra. Lý do là dù đã hạn chế phiếu đốn mía nhưng người dân vẫn cứ đốn. Đó là chưa kể số mía phát sinh ngoài sự đầu tư của nhà máy. Nhiều lái xe, người trồng mía phàn nàn: phải từ 3 ngày đến 10 ngày mới nhập được mía. Không ít người xót ruột, dao động buộc phải đưa mía lên Nhà máy đường Kon Tum hay xuống Nhà máy đường Bình Định tiêu thụ, nhưng phải chịu chi phí lớn: hơn 2 triệu đồng/chuyến với mía 10 chữ đường.
Gần đây, trước tình trạng dư thừa sản phẩm, giá đường xuống thấp nên nhà máy đường Bình Định lại đột ngột giảm lượng tiêu thụ, điều này càng khiến người dân thêm bức xúc. Trong khi giá đường đang xuống nên giá mía thu mua tại các nhà máy đường này cũng chỉ nằm trong khoảng 1,1 triệu đồng đến 1,15 triệu đồng/tấn. Nói theo ông Cương, nhà máy đường An Khê vẫn đang thu mua mía với giá cạnh tranh hơn 2 nhà máy đường kế cận. Nhà máy chủ trương tiêu thụ hết mía cho nông dân, mua với giá cao hơn các nhà máy trong khu vực nhưng hiện tại giá đường thế giới hạ, lượng đường tồn kho lớn, trong khi lãi suất ngân hàng thì cao, đơn hàng hạn chế cùng nhiều khó khăn phát sinh nên nhà máy không tránh khỏi ảnh hưởng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình hình sẽ còn trì trệ hơn nữa khi mà cùng với những “trục trặc kỹ thuật”, những nhiêu khê vốn đã từng xảy ra trong kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, xác định chữ đường, rồi tình trạng cò mồi tìm cách chèn ép nông dân, sẽ tiếp tục là những “điểm nóng” trong niên vụ mía đường năm nay.
Trì trệ khi nâng công suất hoạt động
Về vấn đề này, báo cáo với lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Tấn Cương- Giám đốc nhà máy đường An Khê cho biết: Từ năm trước nhà máy đã triển khai nâng công suất từ 4.500 tấn mía cây/ngày lên 10.000 tấn mía cây/ngày, lắp đặt hơn 5 ngàn tấn thiết bị. Quá trình thiết kế, chế tạo, thi công đều do Công ty Mía đường Quảng Ngãi thực hiện, nguồn vốn đầu tư lên đến nhiều trăm tỷ đồng. Tuy nhiên quá trình này đã gặp không ít trở ngại, khó khăn, đặc biệt là do thiết bị thiếu đồng bộ, việc chế tạo và tiến độ triển khai lắp đặt chậm.
Vì những lý do này mà thời điểm tháng 11, 12-2011, nhà máy mới chỉ hoạt động với công suất 3 ngàn tấn mía cây/ngày. Đến đầu tháng 1-2012, nhà máy mới giảm bớt trục trặc, sự cố và một số hạng mục lắp đặt mới mới được bàn giao. Cũng theo ông Cương, niên vụ mía này, nhà máy phấn đấu chạy với công suất 7 ngàn tấn mía cây/ngày và sau khi thiết bị được bổ sung, lắp đặt hoàn chỉnh thì niên vụ sau sẽ hoạt động với công suất 10 ngàn tấn mía cây/ngày. Quan sát toàn cảnh khu vực nhà máy, chúng tôi thấy nơi đây chẳng khác gì một công trường, nơi thì sản xuất, nơi thì tập trung xử lý nước thải, lắp đặt thiết bị ngổn ngang.
Thất Sơn