Bài 1: Những vi phạm thường gặp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xây dựng mức thu học phí chưa phù hợp, cắt xén chương trình đào tạo, lớp học không có học viên, giáo viên không có sổ lên lớp, không có giáo án, bố trí lịch học chồng chéo từ giáo viên dạy đến xe tập lái. Đó là những thiếu sót của một số cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Mức thu học phí chưa thống nhất

Ngày 27-5-2011, Liên bộ Tài chính-Giao thông Vận tải ban hành Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-GTVT về việc hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Trong đó, cho phép các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới được chủ động xây dựng mức thu học phí phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, trình độ, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, định mức tiêu hao nhiên liệu…

Trung tâm Sát hạch (Công ty TNHH Vận tải Ô tô) được đầu tư quy mô. Ảnh: L.L

Theo đó, trong tháng 7-2011, các cơ sở đào tạo trên địa bàn Gia Lai đã đồng loạt xây dựng mức thu học phí mới với mức tăng bình quân lên gấp đôi, cá biệt có cơ sở tăng lên gần gấp 3 so với mức học phí trước đây.

Cụ thể, Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai mức thu học phí đào tạo lái xe hạng C từ 4.650.000 đồng/học viên lên 11.678.000 đồng/học viên, hạng B2 từ 3.252.000 đồng/học viên lên 7.861.000 đồng/học viên; Công ty TNHH Vận tải Ô tô xây dựng mức thu học phí hạng C là 11.650.000 đồng/học viên, hạng B 7.900.000 đồng/học viên. Mức thu học phí đào tạo nâng hạng từ B lên C, C lên D hoặc E… cũng tăng tương tự. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, do nhận định có những nội dung tính toán chưa sát thực tế, bên cạnh đó, giá nhiên liệu lại giảm nên các cơ sở trên đã điều chỉnh mức học phí giảm xuống chỉ còn 6.120.000-6.210.000 đồng/học viên đối với hạng B2 và 9.230.000-9.250.000 đồng/học viên đối với hạng C. Đồng thời, các mức thu học phí còn lại cũng được điều chỉnh giảm xuống.

Dù vậy, sau khi kiểm tra thực tế, Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai cho rằng việc xây dựng mức thu, chi học phí đào tạo lái xe một số nội dung chưa phù hợp, sát với tình hình thực tế của cơ sở đào tạo; đơn giá học phí chưa đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của Nhà nước; mức tính khấu hao phương tiện, tài sản cố định chưa đúng quy định…

Chương trình đào tạo chưa tương xứng

Những tưởng với mức học phí tạm gọi là “tương xứng” trên thì chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao. Thế nhưng, tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở đào tạo lái xe, thì tình trạng vi phạm trong công tác đào tạo vẫn không giảm. Chỉ trong 2 tháng (tháng 11 và 12-2011), Sở Giao thông-Vận tải đã có hàng chục công văn về việc không chấp nhận hàng loạt kế hoạch đào tạo các khóa lái xe ô tô; tạm dừng nhiều khóa đào tạo, thậm chí là dừng tổ chức kỳ kiểm tra kết thúc khóa đào tạo vì các lý do như: Cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo chưa đúng thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, bố trí lịch dạy thực hành của giáo viên cũng như xe tập lái chồng chéo giữa khóa này và khóa kia.

Phổ biến nhất vẫn là tình trạng học viên vắng mặt trong các buổi học Luật Giao thông Đường bộ, tình trạng lớp “trắng” học viên thường xuyên xảy ra. Tiến hành kiểm tra 5 lớp khai giảng trong tháng 12-2011 tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch Lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) thì có tới 3 lớp “trắng” học viên... Thậm chí, các giáo viên giảng dạy cũng chỉ “dạy chay” tức là chẳng có giáo án gì cả… Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo đã cố tình cắt xén thời gian, chẳng hạn trường hợp Trung tâm Dạy nghề Lái xe (thuộc Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai) đã bị tạm dừng tổ chức kỳ kiểm tra kết thúc khóa đào tạo với lý do đào tạo bài tập lái tổng hợp không đảm bảo thời gian…

Như vậy, sự quản lý lớp lỏng lẻo cũng đã tạo điều kiện cho học viên “trốn học”. Một số học viên chỉ tập trung học các môn thi sát hạch (Luật và thực hành) còn các môn như: Nghiệp vụ vận tải, nguyên lý cấu tạo, bảo dưỡng, đạo đức người lái xe bị xem nhẹ nên ít tham gia học, dẫn đến tình trạng “trắng” học viên tại các giờ học lý thuyết…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm