(GLO)- L.T.S: Nhóm làm ký sự ngược dòng sông Ba bắt đầu cuộc hành trình từ hạ lưu đến thượng nguồn từ tháng 4-2015, đến nay chúng tôi đã đi được 2/3 chặng đường. Từ chuyến ngược dòng đầu tiên, chúng tôi đi từ cửa Đà Diễn-Phú Yên đến thị xã Ayun Pa và đã giới thiệu các bài viết trên Báo Gia Lai. Chuyến đi thứ 2 mới đây, từ thị xã Ayun Pa qua huyện Ia Pa đến xã Krong (huyện Kbang), chúng tôi tiếp tục giới thiệu các bài viết trên chặng hành trình này để bạn đọc theo dõi.
Thác Ia Jrung ngày trước: Ảnh: Đức Thanh |
Sở dĩ tôi gọi đoạn sông Ba từ điểm giao thủy giữa sông Ayun và sông Ba tại Bến Mộng ngược lên đến Kông Chro giáp với thác Jrung là “khúc eo Ia Pa” bởi vì đây là đoạn nối thượng nguồn sông Ba với miền đất Cheo Reo bằng phẳng để bắt đầu hạ cao trình, nở hậu khi đổ về đồng bằng Phú Yên.
Trời Tây Nguyên bây giờ đang ở cuối mùa mưa nhưng phía Đông Nam đang nắng âm âm, oi nồng; mực nước trên sông Ayun và sông Ba không cao như mọi năm trước, đúng như dự báo là năm nay lượng mưa ở đầu nguồn thấp, khả năng bị hạn.
Chúng tôi vượt cầu Ayun theo tỉnh lộ 662, hiện nay là đường Trường Sơn Đông khá đẹp để về huyện lỵ Ia Pa. Trung tâm huyện Ia Pa (thành lập năm 2002) đặt trên một đồi cao phía bên hữu ngạn sông Ba, thuộc xã Kim Tân, dân cư thưa thớt, có thể nhìn qua tả ngạn với vùng đất thuộc 4 xã: Ia Tul, Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Broăi với hàng ngàn ha trông như miền đồng bằng ngút trong tầm mắt, mới hiểu rằng sự kiến tạo tự nhiên với việc bồi đắp phù sa đầy nhẫn nại của sông Ba hàng ngàn năm qua để sinh thành một miền đất Cheo Reo kỳ thú, nơi nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Jrai trường tồn. Từ cầu Ia Pa hôm nay nhìn về cầu Bến Mộng theo đường chim bay ước chừng 20 km. Thế nhưng ngày xưa khi chưa có cây cầu kiên cố Ia Pa, hàng ngàn người dân hai bên bờ sông Ba muốn qua lại phải đi vòng qua Ayun Pa mất cả ngày đường. Việc hoàn thành cầu sông Ba nơi đây đã mở ra cho Ia Pa một lối thoát cho cư dân đôi bờ xích lại gần nhau, giải phóng sức sản xuất cho vùng đất màu mỡ bên dòng sông mẹ.
Vùng đất phía Đông Nam Ia Pa và thị xã Ayun Pa là thềm trũng chịu sự chi phối của hai dòng: sông Ayun và sông Pa nên về mùa mưa thường gây ra lũ lụt; hai bên triền sông bị xói lở nghiêm trọng, tạo nên nhiều bãi bồi rộng lớn phía hạ nguồn. Người ta thường gọi đây là cái túi nước khổng lồ trong mùa mưa lũ vì dòng chảy của sông Ba và chi lưu Ayun bị thắt đáy tại đèo Tông Á (thường gọi là đèo Tô Na) ở giữa hai địa bàn Ayun Pa và Krông Pa; và mùa nắng thì nơi này trở thành cái chảo lửa, khô cháy, sông suối cạn trơ đáy, vây quanh là những khu rừng khộp và núi đá. Chính vì vùng khí hậu khắc nghiệt này mà khi xưa, nơi miền Cheo Reo với bộ tộc Jrai Chor đã hình thành những Pơtao Pui (Vua Lửa), một loại tín ngưỡng đặc trưng của người Jrai từ nhiều thế kỷ trước có liên quan đến yếu tố thần kỳ trong việc cầu mưa, gọi gió cho mùa màng tốt tươi, dân làng ấm no, hạnh phúc…
Từ sau ngày thống nhất đất nước (1975), để giải quyết khó khăn về lương thực, Nhà nước đã đầu tư công trình đại thủy nông Ayun Hạ, công việc trị thủy được mở đầu trên các dòng sông ở Bắc Tây Nguyên, và chi lưu Ayun của sông Ba được ngăn đập tạo nên một hồ chứa lớn để tưới cho hơn 13.000 ha hoa màu thuộc các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, thị xã Ayun Pa và giờ đây nó trở thành một vựa lúa lớn nhất cao nguyên, làm thức dậy một vùng đất khát, đầy tiềm năng, khai phóng sức sản xuất của hàng vạn cư dân nơi miền sơn cước đã sống trên mạch phù sa lớn của 2 con sông mà phải chịu cảnh đói nghèo bao đời nay.
Đập ngăn và cửa nhận nước thủy điện Đak Srông trên sông Ba, đoạn qua huyện Kông Chro. Ảnh: Bùi Quang Vinh |
Ngược về Kông Chro, cùng theo đường 662 thẳng tắp, qua những vùng đất bằng phẳng với bao nương mì, rẫy bắp trải rộng hàng trăm ha của cư dân địa phương. Sông Ba chảy qua đoạn này (dài 45 km) trực chỉ xuôi dòng về hướng Tây Nam, ở độ dốc không lớn, ít thác ghềnh. Khi qua địa phận thị trấn Kông Chro từ cầu Yang Trung về đến Yang Nam lòng sông gặp vỉa tầng đá granit nhô cao tạo thành các thác nước xinh đẹp, trong đó có thác Jrung nổi tiếng. Nơi đây, tương truyền vào nửa cuối thế kỷ XVIII, người cầm đầu cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn-Nguyễn Nhạc đã xây dựng căn cứ địa ở vùng cư dân Bahnar Tolo sống dọc theo triền sông Ba phía Nam An Khê để tập hợp nghĩa quân, mua sắm khí giới, voi-ngựa chuẩn bị cho cuộc trường chinh đánh Nam dẹp Bắc. Hiện nay, trên đoạn sông này còn lại di tích Sa Khổng Lồ-một bãi cát rộng nằm giữa thác Jrung và thác Htu Yang, nơi nghỉ dưỡng, tắm mát cho đàn voi-ngựa, cũng là nơi nghĩa quân ông Nhạc dùng lá cây để bắt cá sông Ba làm lương thảo; cách đó không xa thuộc làng Đê Hlang-Yang Nam còn có cụm di tích: nền nhà, kho tiền và hồ ông Nhạc.
Từ sau ngày giải phóng, ngành Du lịch tỉnh đã xây dựng tuyến du lịch sinh thái dọc theo sông Ba và địa chỉ thác Jrung, các làng Bahnar Tolo với bản sắc văn hóa còn nguyên sơ và các di tích lịch sử nơi này là điểm nhấn trong hành trình. Hôm chúng tôi về trên khúc sông này để tìm lại chút dư âm xưa của đại ngàn thì mọi cảnh vật đã đổi thay… Một bờ đập tràn bê tông chắn ngang lòng sông nhô cao khoảng 3 mét chạy từ hữu ngạn sang tả ngạn dài hơn l km để dẫn nước vào nhà máy thủy điện Đak Srông, bên dưới là một bãi đá chết nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, thác Jrung chỉ còn lại trong ký ức của người dân Kông Chro. Gặp tốp công nhân thủy điện Đak Srông đang vớt rác bên cống nhận nước, họ cho biết, vài năm gần đây lượng mưa phía thượng nguồn rất ít, cộng với việc tích nước từ các hồ chứa An Khê-Ka Nak nên lòng sông Ba ở vùng Kông Chro thường cạn kiệt ngay cả chính trong mùa mưa. Trong mấy ngày đầu tháng 9-2015, nhà máy thủy điện Đak Srông (18 MW) chỉ chạy được l/3 tổ máy, nhưng mỗi ngày cũng chỉ hoạt động được 5 giờ. Có lẽ khi khởi động dự án xây dựng các thủy điện nhỏ trên sông Ba-khúc Kông Chro, các nhà khảo sát thiết kế chưa lường hết những biến đổi bởi tự nhiên hay tác nhân do con người ảnh hưởng đến dòng chảy và nguồn nước như hiện tại.
Ảnh: Bùi Quang Vinh |
Một vấn đề khá bức xúc mà người dân thị trấn Kông Chro đang gặp phải, không những nguồn nước sông Ba chảy qua địa bàn bị cạn kiệt thường xuyên, nguồn thủy sinh dồi dào ngày xưa không còn nữa mà còn bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Đây là vùng đất có mạch nước ngầm bị nhiễm phèn và vôi hóa nên người dân không dùng nước giếng trong sinh hoạt mà sử dụng nguồn nước sông Ba qua nhà máy lọc (được xây dựng sau khi thành lập huyện lỵ năm 1988). Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro Phan Văn Trung cho biết: Huyện đang lập dự án khả thi cho nhà máy nước của thị trấn để chuyển từ việc lấy nước sông Ba sang lắp đặt hệ thống lấy nguồn nước Đak Pơ Ko-một phụ lưu phía Đông sông Ba, nơi có nguồn nước trong lành hơn để phục vụ nhân dân, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2015.
Chúng ta được biết, sông Ba chảy qua địa bàn Kông Chro khá dài, địa hình chia cắt bởi đồi núi thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây nên có nhiều phụ lưu lớn phía Đông sông Ba, như: Đak Tơ Mang, Đak Mơ Tah, Đak Ha Wei; và phía Tây có các suối: Đak Chukrel, Đak Sơ Droh, Đak Pơ Pho, Đak Soroh Pah, Đak Pơ Yau. Chính nguồn nước các chi lưu lớn này đã điều tiết dòng chảy về phía hạ nguồn, duy trì sự sống của dòng sông mẹ, dù trong mùa nắng hạn, khô khát.
Bùi Quang Vinh