(GLO)- Có ai đó đã từng nói, nếu đến Đà Lạt từ thành phố Hồ Chí Minh mà đi bằng đường hàng không thì mất đi một phần nửa thú vị. Nhưng không thể khác, tôi đến với xứ ngàn hoa lần này chính bằng con đường “mất đi một nửa thú vị” ấy.
Chỉ chừng hơn nửa giờ đồng hồ sau khi xuất phát từ Sân bay Tân Sơn Nhất, cô tiếp viên hàng không trên chuyến bay của Việt Nam Airlines đã “ra thông báo” rằng quý khách về chỗ ngồi của mình và thắt dây an toàn, dựng thẳng lưng ghế, gấp bàn ăn… máy bay của chúng ta đã giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh. Một chút xíu thôi sau lời thông báo ấy chiếc máy bay to đùng với sức chứa cả mấy trăm hành khách đã lăn bánh sàn sạt trên mặt đường băng phẳng lỳ.
Liên Khương-sân bay tuy chưa có chuyến bay nào cất hoặc hạ cánh ở đây đi hoặc đến từ ngoài xứ Việt, nhưng họ bảo đó là sân bay quốc tế. Mà cũng đúng, đã là lần thứ ba tôi có dịp đi và đến, quả là sân bay này “quốc tế” là chính xác. So với Buôn Ma Thuột và Pleiku thì Liên Khương của Lâm Đồng xếp vào loại đàn anh về mọi nhẽ.
Đường từ Liên Khương về TP Đà Lạt. Ảnh: Bích Hà |
Chừng ba mươi phút trên đường “không cao tốc” song song với một con đường khác, (người Lâm Đồng bảo con đường từ Liên Khương về Đà Lạt là đường cao tốc) chúng tôi đã ngút tầm mắt trong thành phố ngàn hoa và ngàn thông vốn đã từng được mệnh danh về kiến trúc là một “Paris nhỏ” từ những năm 30 của thế kỷ trước mà cho tới ngày nay khi so sánh về chuyện kiến trúc của đô thị trên cao nguyên này với Pleiku, nhiều người còn cho rằng Đà Lạt đúng là một “Paris thu nhỏ”, còn Pleiku thì...
Anh Long tài xế của báo bạn Lâm Đồng chốc chốc lại giải thích cho tôi về một chuyện nào đó mà tôi cho là lạ, chẳng hạn như một loài hoa đỏ thắm bên đường là loài gì, hoặc hoa hồng với đủ sắc màu trồng trên dải phân cách mà chẳng ai phá phách, hay chuyện đường phố, vỉa hè của nội thành luôn sạch bóng, rồi lại những “con phố khách sạn”, những điểm đến cho du khách và ở đây lại chẳng có đèn đỏ, vàng, xanh chi cả tại những ngã ba, ngã tư mà giao thông vẫn trật tự… bằng sự nhiệt thành và hào hứng với sự tự hào với khách xa về xứ sở của anh.
Thành phố Đà Lạt nhìn từ Langbiang. Ảnh: Bích Hà |
Nhiều lần đến Đà Lạt, nhưng chẳng lần nào thỏa thích bởi luôn bị áp lực vì công việc, vì họp hành; lần này cũng thế, tôi đến đây tuy sớm hơn vài ngày so dự định từ một cuộc họp sau đó là… 3 ngày nhưng thời gian với tôi vẫn quá ít. Đích thân Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh nhà-Lê Văn Tòa làm hướng dẫn viên, chỉ trong hai ngày cưỡi ngựa xem hoa-cụm từ này hoàn toàn chính xác ở vế sau là ngựa thì có nhiều nhưng không cưỡi, còn hoa thì… xem cả mấy ngày vẫn chưa hết-tôi đã có thêm một phần hiểu biết về xứ ngàn hoa yêu quý và lãng mạn này.
Một “tổ hợp điểm đến” khi được đến nơi này có thể nói chẳng đâu có thể bỏ qua được, bởi mỗi nơi có cái riêng của nó, nào cả một “hệ thống” thác và hồ, và trùng điệp núi non với ngút ngàn thông, rồi những dinh thự cổ xưa, những ngôi chùa huyền bí, linh thiêng... Đêm xuống, “chợ âm phủ” cũng là nơi không thể không chiêm ngưỡng; một đồng nghiệp chủ nhà cho hay, bây giờ chợ này đã được cách tân, hiện đại và sáng đèn thâu đêm, không còn “âm phủ” như xưa nữa nhưng nó vẫn có cái riêng của “âm phủ” mà người mới đến không thể giải thích.
Với mấy đĩa ngao, sò, ốc, hến luộc lên và vài chai rượu hoặc bia đặt ngay trên chiếc bàn con con trên vỉa hè của phố chợ dưới cái se se lạnh của đêm rừng bạn có thể cùng cả nhóm cũng “thâu đêm suốt sáng” mà chẳng thấy ngán chút nào. Nơi mấy anh em chúng tôi “ngự” trên đầu là tán cây phượng tím, loài cây chỉ duy nhất có ở xứ ngàn hoa này, cô chủ quán giải thích với khách mới là… “lạ ghê ấy, phượng mà ra hoa tím thì chỉ Đà Lạt mới có”. “Trời ạ, giải thích thế đố ai biết được là gì, nhưng thôi chuyện ấy báo chí đã nói rồi, biết cả rồi, đừng làm khó cho cô chủ, hãy tập trung vào… chuyên môn đi”-một anh bạn trong nhóm lái câu chuyện về phượng tím sang chuyện “chuyên môn” làm cả hội bất ngờ nhưng thú vị.
Góc đêm Đà Lạt. Ảnh: Bích Hà |
Và nữa, đêm xuống, một không gian nhạc Trịnh, một địa chỉ của nghệ thuật cồng chiêng của chính người bản địa làm nên, một XQ Sử Quán thâm trầm lắng đọng và bí ẩn với những bức tranh thêu nghệ thuật từ những bàn tay điệu nghệ của các cô gái (và họ cũng chính là những bức tranh nghệ thuật độc đáo) mà chẳng đâu có được… Những nơi ấy đã làm chúng tôi chứng kiến hết sự lạ lẫm này đến chuyện mới mẻ kia, thật thú vị khi được hòa mình vào những không gian như thế!
Cái nắng ui ui, nắng mà như không nắng ấy của một ngày Đà Lạt vào giữa hè thật lý thú cho những ai có đầu óc lãng mạn. Một buổi trưa muộn bên đồi của Thung lũng Vàng, anh bạn đồng nghiệp già của tôi mải mê săm soi ngắm nghía từng thảm hoa, từng góc rừng lúp xúp mà quanh nó là những thảm xanh mươn mướt của một loài cỏ dại và thì thầm mơ ước-hay nuối tiếc gì ấy về một thời trai trẻ xa xưa… Tôi chợt chạnh lòng về một lớp cha anh thuở trước: Chiến tranh và gian khổ của thời hậu chiến đã cướp đi không một chút tiếc thương tuổi trẻ của họ.
Một góc Thung lũng Vàng. Ảnh: Bích Hà |
Phía xa, từng tốp bạn gái trai trẻ trung xinh xắn đang nô đùa bên nhau như một đối nghịch, tưởng có điều phản cảm, nhưng không phải thế, được và mất là quy luật bù trừ, cái quy luật ấy có lẽ ngàn năm vẫn thế! Ông chủ của Thung lũng Vàng Nguyễn Đình Dũng đã chờ chúng tôi từ rất sớm, vài món nhậu đơn giản “của nhà” đã được sắp ra ngay tại cửa hàng bên đồi hoa của anh. Bức tranh Thung lũng Vàng được anh “chú thích” kỹ càng, chi tiết.
Theo anh, đó là một nơi khách xa khi đến Đà Lạt không thể không ghé thăm, bởi vì đến đây là tìm về xứ sở của bát ngát đồng quê với những thảm cỏ xanh rờn, non tơ với mặt hồ mênh mông, với rừng thông thơ mộng, với không khí trong lành, vậy mà đường từ phố đến chỉ chừng hơn chục cây số uốn lượn quanh co theo những triền đồi và rừng thông cổ thụ vút cao ngút ngàn tăm tắp xa xăm… Mới hình thành và đưa vào danh mục khai thác cùng với cả trăm điểm đến khác của Đà Lạt, mà theo anh Nguyễn Đình Dũng, “thung lũng” của anh mỗi năm đã đón một phần mười số người đến Đà Lạt-bốn trăm ngàn lượt khách.
Chưa lý tưởng, nhưng đã là thành công của Thung lũng Vàng không ngoài mong đợi. Quả là ông Yersin có biệt tài chuyên tìm ra những nơi “đặc biệt” cho hậu thế. Hơn một trăm năm trước, bác sĩ-nhà thám hiểm này đã thốt lên khi đặt chân tới xứ mù sương, quanh năm mây phủ ở trên độ cao trên 1.550 mét so mặt nước biển rằng “… khi bước ra khỏi cánh rừng thông một cảnh tượng thật khó quên hiện ra. Trước mặt tôi lô nhô những ngọn đồi của một cao nguyên rộng lớn và quang đãng…
Không khí mát lạnh xóa tan mọi nỗi mệt nhọc, tôi chạy lên các ngọn đồi reo vui như một cậu học trò…”-và suối Vàng (Thung lũng Vàng ngày nay), con suối mang đầy phù sa màu vàng cùng một loại sa khoáng có màu ánh bạc lấp lánh theo dòng chảy có điểm xuất phát từ chân dãy Langbiang cao ngút ngàn chìm trong mây và bốn mùa phủ dày sương tuyết, cũng chính là nơi “đặc biệt” trong “chùm” khám phá của bác sĩ Yersin!
Trong khi trên một số tờ báo ở phía Nam đang nói về sự mất mát quá nhiều về những danh lam thắng cảnh của Đà Lạt, nào thác Cam Ly và Prenn ô nhiễm nặng nề, hồ Than Thở cũng ở vào tình trạng báo động, đặc biệt là “thiếc tặc” đang phá tan Thung lũng Tình yêu…, thì Thung lũng Vàng còn đang là nơi đến lý tưởng của mọi người khi đặt chân đến xứ ngàn hoa-kết lại câu chuyện giữa khách và chủ, anh bạn già của tôi khẳng định điều ấy.
Bích Hà