Bài 2: Chuyện ứng xử pháp luật giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng, đường sá đi lại ngày càng tốt và pháp luật chế tài nghiêm khắc nhưng mức độ nghiêm trọng về tai nạn vẫn là điều “đau đầu” đối với các nhà quản lý. Câu chuyện ứng xử pháp luật cũng lắm điều suy ngẫm.

Từ thực thi pháp luật

Báo chí nói rất nhiều về chuyện “làm luật” của một số cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Giao thông và lực lượng khác (Công an cấp xã, lực lượng Cơ động…) khi thi hành công vụ. Thỉnh thoảng trên một số tuyến đường, người dân vẫn thấy một số chiến sĩ ngồi trên xe ô tô công vụ đưa chiếc gậy ra làm hiệu lệnh dừng xe, không mang bảng tên khi thực hiện nhiệm vụ, không đứng chào khi chủ xe xuất trình giấy tờ…

 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Một anh bạn nhà ở xã Trà Đa (TP. Pleiku) lái xe tải trên 10 năm chia sẻ: “Nếu mình không “làm luật” thì không bị phạt lỗi này sẽ bị phạt lỗi nọ. Còn nếu lý sự thì coi chừng bỏ tuyến. Im lặng có lẽ tốt nhất”. Theo anh, nói đi nói lại ít nhiều cũng có một phần lỗi của cánh lái xe mà ra, khi chở quá tải mới đủ “sổ hụi” chi tiêu dọc đường; lái xe thường chủ động làm… hư cán bộ nữa. Tốt nhất là chấp hành nghiêm pháp luật những lúc cao điểm, các đợt chiến dịch không thì bị “ăn” biên bản như chơi. Như vậy, thử hỏi luật pháp không được thực hiện nghiêm là do đâu? Có phải từ chính người thừa hành pháp luật mà ra?

Chưa hết, nhiều trường hợp chưa đủ tuổi quy định được điều khiển phương tiện nhưng vẫn đi xe phân khối lớn; nhiều học sinh vẫn được cha mẹ giao xe để đến trường; ra đường vẫn còn thấy đi xe máy chạy hàng 3, chở 3 hoặc vượt đèn đỏ. Khi gặp lực lượng chức năng thì bỏ chạy. Bên cạnh đó, việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ rượu cồn trong máu vẫn chưa nghiêm… Trước đây, xử lý người chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô có giam giữ 10 ngày nay lại bỏ; chưa xử phạt đã có người “a lô” thông cảm bỏ qua... và... với 1.001 lý do chủ quan.

Đến văn hóa ứng xử

Việc tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ cũng như tuân thủ các hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc chấp hành các biển báo, tín hiệu, vạch kẻ đường… rất cần lối ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông. Thực tế, người tham gia giao thông khi thấy Cảnh sát thì đi chậm lại, đi đúng phần đường của mình. Khi không có Cảnh sát thì vượt đèn đỏ, chạy lấn vào phần đường của xe khác; chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm; vào đường cấm, chạy vượt ngang sang đường ưu tiên, chở hàng ngất ngưởng quá tải, quá khổ…

Hầu hết người tham gia giao thông biết luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Lâu nay chúng ta đã làm nhiều biện pháp như: gia đình cam kết với xã, phường tham gia giao thông an toàn; nhà trường tuyên truyền, phổ biến cho học sinh về Luật Giao thông đường bộ; Cảnh sát Giao thông giam giữ xe và phạt nặng người có hành vi vi phạm khi tham gia giao thông… Tuy vậy, tai nạn giao thông vẫn cao, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết.

Vậy làm sao hạn chế tai nạn giao thông? Theo chúng tôi, ngoài việc củng cố và nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, điều quan trọng là làm sao xây dựng được ý thức tự giác cũng như văn hóa giao thông trong đời sống xã hội. Đối với người thừa hành pháp luật phải giữ nghiêm kỷ cương pháp luật; đối với người tham gia giao thông phải có ý thức thường trực mỗi khi ra đường và phải biết quý tính mạng người khác như chính bản thân mình. Không để tồn tại lối hành xử khi có mặt người thi hành công vụ mới chấp hành hoặc có thói quen tiếp tay “làm luật” mà ngay chính người tham gia giao thông có một phần lỗi. Thậm chí Nhà nước cũng có thể nghiêm cấm việc sử dụng xe máy, xe ô tô có thời hạn nhất định đối với người đã vi phạm.

Nhóm P.V nội chính

Có thể bạn quan tâm