Bài 2: Không còn đường lùi…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phương án giao khoán mới Ban giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa đề ra với nội dung chủ yếu tận thu lợi ích cho doanh nghiệp khiến hàng trăm công nhân lâm cảnh khó khăn nếu họ cam phận ký kết vào hợp đồng giao- nhận khoán. Và cũng vì mục đích tận thu cho doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động ngang nhiên bị doanh nghiệp- tổ chức sử dụng lao động đùn đẩy sang cho chính… người lao động.

Công nhân lâu năm, càng nhiều kinh nghiệm sẽ… nợ càng nhiều

Đây là điều tất yếu khi công nhân Công ty cà phê Đak Đoa tham gia nhận khoán theo phương án mới của Ban Giám đốc doanh nghiệp này xây dựng. Không như phương án cũ, Ban Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa sau hơn 6 tháng xây dựng phương án giao khoán như đã nói ở trên là “vừa cứng, vừa mềm” đã sản sinh ra một hệ số rất mới, đó là hệ số công việc 2,07. Và cũng từ hệ số công việc này, quyền lợi của người lao động và các chính sách bảo hiểm, trách nhiệm của đơn vị, tổ chức sử dụng lao động được Ban Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa ngang nhiên đùn đẩy hay nói cách khác là san sẻ có chủ đích cho chính người lao động trong doanh nghiệp.  

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Vững, công nhân đội sản xuất số 2 bức xúc: Theo phương án giao khoán mới, những công nhân nhận khoán với Công ty cà phê Đak Đoa ngoài nhiệm vụ phải nộp đúng, nộp đủ sản lượng trên diện tích vườn cà phê nhận khoán (kể cả sản phẩm vượt khoán), hàng tháng người nhận khoán ngoài trách nhiệm đóng 9,5% bảo hiểm theo bậc lương còn phải nộp khoản chênh lệch giữa bậc lương đăng ký đóng bảo hiểm theo Luật Lao động với bậc lương công việc mà phương án khoán mới theo kiểu “vừa cứng, vừa mềm” do Công ty cà phê Đak Đoa xây dựng. Chẳng hạn một công nhân bậc 5, với hệ số bậc lương là 3,18 nếu ký hợp đồng giao- nhận khoán này họ sẽ phải đóng bù các chế độ bảo hiểm mỗi năm hơn 7,5 triệu đồng. Nhưng vẫn chưa hết khổ, nếu vụ sản xuất không thuận lợi hay do điều kiện công nhân túng thiếu và không đóng kịp các khoản chênh lệch này theo từng tháng, Ban Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa sẽ nộp thay và đến cuối năm thanh toán khoán, công nhân phải nộp đầy đủ các khoản bảo hiểm còn thiếu lẫn lãi suất theo ngân hàng. Công nhân đổ mồ hôi trên lô cà phê, vừa lao động theo kiểu không lương lại vừa mang nhiều khoản nợ như vậy đến vụ thu hoạch chúng tôi lại càng nợ nần chồng chất.

Công nhân càng gặp khó, doanh nghiệp càng nhiều khoản thu

Trên thực tế, với những lô cà phê đã hơn 15 năm kinh doanh, năng suất các vụ sau chắc chắn sẽ giảm, sản phẩm nộp khoán có khi còn chưa đủ huống hồ công nhân phải vừa làm việc, vừa tự trả lương cho mình, tự nộp tiền chênh lệch khi đóng bảo hiểm theo phương án giao khoán mới.

Ông Nguyễn Hữu Vững với hàng trăm kiến nghị phản đối phương án giao khoán mới của công nhân trong các đội sản xuất. Ảnh: Thanh Luận
Theo chị Đỗ Thị Nhượng, đội sản xuất số 4: “Tôi làm công nhân ở đây được 5 năm rồi nhận khoán 8,9 sào, năng suất, chất lượng vườn cây thấp. Tôi đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo Công ty cà phê Đak Đoa cử cán bộ kiểm tra, đánh giá và có biện pháp giúp công nhân như giảm khoán, tăng đầu tư phân bón nhưng tất cả đều không được chấp nhận. Họ cho rằng do tôi không chăm sóc nên bắt tôi phải chịu tất cả rủi ro do sâu bệnh, thời tiết phát sinh… Công nhân làm đầu tắt, mặt tối cả năm đến khi thu hoạch lại bị Công ty và phê Đak Đoa trừ vào các khoản như hụt khoán, trừ lãi vay đầu tư… Gần 3 năm nay, gia đình tôi làm việc đủ sống là may mắn lắm rồi. Làm công nhân, đâu phải ai cũng có tiền đóng chênh lệch bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… nhưng nếu chúng tôi đóng muộn, công ty sẽ đóng giúp và bắt chúng tôi chịu lãi suất”.

Hơn 5 năm tham gia nhận khoán với Công ty cà phê Đak Đoa, gia đình chị Lê Thị Hương, công nhân đội sản xuất số 2 luôn sống trong túng thiếu, khó khăn thường trực. Gặp chúng tôi ngay tại lô cà phê cằn cỗi của mình, dưới cơn mưa nặng hạt, chị Hương bật khóc: “Tôi nhận khoán 8,9 sào của Công ty cà phê Đak Đoa từ năm 2007 đến nay, lô của tôi cà phê cằn cỗi lắm, năng suất thấp, sâu bệnh rất nhiều nhưng cũng đành chấp nhận vì mình đã ký kết rồi. Nhưng vụ sản xuất năm nay nếu chấp nhận phương án giao khoán mới, những công nhân nhận khoán như tôi chỉ có nước chết thôi! Chồng thì đang bệnh nằm bệnh viện, một tay nuôi 3 đứa con, cà phê lại sâu bệnh như thế này thì cuối năm chắc chắn không đủ sản lượng khoán, Công ty không những sẽ trừ hết lương khi thiếu khoán mà có khi còn lâm nợ nữa”…

Xem thường người lao động

Trong vai những công nhân tham dự Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 và triển khai thực hiện phương án khoán sản phẩm giai đoạn 2011-2015 tại Công ty cà phê Đak Đoa từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 8 năm 2011, nhóm PV chúng tôi chứng kiến hàng loạt bức xúc của hơn 300 công nhân tại 6 đội sản xuất của Công ty cà phê Đak Đoa, xung quanh việc không thể chấp nhận phương án giao khoán mới mà Công ty cà phê Đak Đoa đơn phương xây dựng trình Tổng Công ty phê duyệt. Trước hàng chục ý kiến bức xúc của công nhân trước phương án giao khoán mới, ông Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa nhiều lần quát tháo, đập bàn ngay giữa hội nghị và lớn tiếng hăm doạ sẽ thu lô đối với những công nhân có ý kiến phản đối. Khi ông Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa hăm doạ thu lô đồng nghĩa với việc những công nhân bị thu lô sẽ thất nghiệp, đi kèm với đói nghèo… Hiệu quả của lời hăm doạ này khiến các buổi tiếp thu ý kiến người lao động do Ban Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa tổ chức trở thành những buổi “đấu khẩu” không vì lợi ích của người lao động và doanh nghiệp như mục tiêu phương án giao nhận khoán đề ra.   

Giọt nước mắt của công nhân Lê Thị Hương, đội sản xuất số 2 ngay tại lô cà phê nhận khoán của mình. Ảnh: Thanh Luận
Được biết, sau mỗi buổi trao đổi nội dung phương án giao khoán mới, dù không nhận được sự đồng thuận của hầu hết công nhân trong công ty nhưng tất cả các biên bản này đều được một số Đội trưởng đội sản xuất xác nhận tỷ lệ ủng hộ khống sai sự thật. Đơn cử như trong buổi họp vào sáng ngày 10-8-2011, đội sản xuất số 5 có 75/85 công nhân nhận khoán tham dự và hầu hết đều phản đối phương án giao khoán này nhưng chẳng biết vì đâu ông Nguyễn Đình Sơn, Đội trưởng đội sản xuất số 5 lại lập biên bản khống ghi 25 công nhân không đồng ý, còn tất cả đều đồng thuận? Những biên bản khống như thế này ngang nhiên được lập trước sự bất bình lẫn bất lực của hàng trăm công nhân tại các đội sản xuất số 1, 2, 3, 4 và 5. Riêng đội sản xuất số 6, biên bản không được lập.

Chị Phạm Thị Bảy, công nhân đội sản xuất số 2: “Chúng tôi làm việc tại công ty này từ bao năm qua, gia đình tôi luôn nộp đủ, nộp vượt sản lượng khoán nhưng chẳng hiểu từ đâu khoản nợ 22 tỷ từ Công ty cà phê Ia Sao lại phải bắt công nhân chúng tôi gánh chịu thay cho họ?”.
Ngay sau buổi trao đổi về phương án giao khoán với đội sản xuất số 6, khoảng 16h30 phút nhóm PV chúng tôi đã gặp ông Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa, Tổng Công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) đăng ký làm việc xung quanh những bức xúc của hàng trăm công nhân doanh nghiệp này trước phương án giao khoán mới nhưng ông Ánh thẳng thừng từ chối- “Tôi không muốn làm việc với báo chí”.

Tuy nhiên, sau khi nhóm PV chúng tôi vừa ra khỏi cổng chính của doanh nghiệp này thì ông Dương Đình Kháng, Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính và ông Hà Đắc Long, Bảo vệ Công ty cà phê Đak Đoa chặn đường lại và yêu cầu báo chí vào cơ quan để… làm việc. Khi nhận được lời từ chối của chúng tôi, ông Dương Đình Kháng lớn tiếng quát tháo: “Nhà báo gì cũng vứt. Tao gọi bảo vệ bắt nhốt hết!”. Tuy nhiên, khi các công nhân đội sản xuất số 6 tan cuộc họp, ông Kháng và ông Long, bảo vệ Công ty cà phê Đak Đoa mới lên xe máy bỏ đi kèm theo hàng loạt câu nói thiếu văn hoá và lời hăm doạ thu lô cà phê của công nhân.

Vậy quyền lợi của hàng trăm công nhân đã gắn bó với hơn 320ha cà phê kinh doanh đang được Ban Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa để ở đâu?
Thanh Luận- Thanh Sơn
.

Có thể bạn quan tâm