Kinh tế

Nông nghiệp

Bài 2: Nâng công suất nhà máy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đảm bảo vùng nguyên liệu với những giải pháp, chính sách phù hợp, nâng công suất và hiệu chỉnh thiết bị, máy móc để vào chính vụ hoạt động thuận lợi, chính sách tiêu thụ mía theo hướng có lợi cho nông dân là cơ sở để các nhà máy đường sản xuất kinh doanh có lãi.

Nâng công suất nhà máy

Để phát triển ổn định, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh luôn gắn việc nâng công suất với phát triển vùng nguyên liệu. Nếu vụ mùa 2011-2012 công suất của Nhà máy Đường Ayun Pa là 3.200 tấn mía cây/ngày thì vụ mùa 2012-2013 được nâng lên 3.500 tấn mía cây/ngày và năm 2015 công suất sẽ đạt 6 ngàn tấn mía cây/ngày.

 

Ảnh: Đức Thụy

Với Nhà máy Đường An Khê niên vụ 2010-2011 có công suất 4.500 tấn mía cây/ngày, niên vụ 2011-2012 phấn đấu nâng lên 7 ngàn tấn mía cây/ngày và đến niên vụ 2012-2013 phấn đấu nâng công suất trên 8 ngàn tấn mía cây/ngày, sau đó là 10 ngàn tấn mía cây/ngày, định hình vùng nguyên liệu mía của nhà máy vào khoảng 19 ngàn ha và lên 25 ngàn ha mía đứng trong toàn vùng.

Chúng ta đều biết, gần như các nhà máy đường trên địa bàn trong quá trình nâng công suất đều không diễn ra thuận lợi. Nguyên nhân trước tiên là vì dây chuyền sản xuất các nhà máy này đều ở trình độ công nghệ lạc hậu, phần lớn nhập từ Trung Quốc. Công nghệ đã lạc hậu lại thêm thiết bị, máy móc thiếu đồng bộ, vừa thi công vừa chế tạo, sửa chữa, khắc phục sự cố hỏng hóc nên quá trình nâng công suất thường kéo dài.

Tuy vậy, với sự nỗ lực, Nhà máy Đường Ayun Pa đã đảm bảo tiến độ nâng công suất đáp ứng nhu cầu vụ ép mới. Nhà máy Đường An Khê cũng đã hoàn tất việc nâng công suất lên 8 ngàn tấn mía cây/ngày trong niên vụ 2012-2013. Đó là dấu hiệu đáng mừng. Bởi đầu năm nay, khi cùng đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng dẫn đầu đến làm việc với Nhà máy Đường An Khê, chúng tôi hết sức lo lắng cho công tác này.

Thời điểm ấy, Nhà máy đang phải đối mặt với 3 vấn đề lớn: xả thải gây ô nhiễm sông Ba, chậm nâng công suất như đã cam kết dẫn đến chậm tiêu thụ mía cho nông dân. Khi ấy, Giám đốc Nhà máy cho rằng, việc chậm nâng công suất sản xuất khiến Nhà máy chỉ có thể tiêu thụ 1, 2 triệu tấn mía cây, 400 ngàn tấn khác được Nhà máy Đường Bình Định chia sẻ tiêu thụ, phần còn lại sẽ được sử dụng làm mía giống.

Điều chỉnh chính sách thu mua

Niên vụ 2011-2012, Nhà máy Đường Ayun Pa hợp đồng thu mua với 822 hộ trồng mía, diện tích 924 ha (13,76% tổng diện tích), hợp đồng nhận đầu tư 1.978 hộ, diện tích 5.903 ha (86,2% tổng diện tích), 2.583 hộ hoàn thành hợp đồng mua bán đạt 92,25% và 217 hộ vi phạm hợp đồng. Theo đánh giá của bộ phận nguyên liệu, tỷ lệ mía vi phạm hợp đồng bán ra ngoài có giảm so với vụ mùa trước.

Trong khi đó niên vụ 2011-2012, Nhà máy Đường An Khê thực hiện hợp đồng mua bán với 514 hộ, sản lượng 718 ngàn tấn, số không theo hợp đồng là 510 hộ, sản lượng 95 ngàn tấn. Người trồng mía trực tiếp bán cho Nhà máy đã nhiều hơn, do giá mua cao, người trồng chủ động công lao động, tự sắm phương tiện vận chuyển.

Để đảm bảo sản xuất và phục vụ nhu cầu của nhân dân, các nhà máy đường đã tiến hành xây dựng kế hoạch đốn mía, thực hiện các quy định về sắp xếp kế hoạch đốn, đảm bảo tính công bằng, phù hợp với thực tế. Đặc biệt, Nhà máy Đường Ayun Pa đã tiến hành thu mua mía trực tiếp tại ruộng cho nông dân, không qua khâu trung gian.

Tuy nhiên, 2 nhà máy đường đều thừa nhận diện tích mía thu hoạch vào cuối vụ gặp rất nhiều khó khăn và bị giảm sản lượng, chất lượng rõ rệt. Bên cạnh đó, tình trạng tranh mua, tranh bán giữa nhà máy với nhà máy, giữa nhà máy với nông dân, việc đánh giá chữ đường, tỷ lệ tạp chất, tình trạng “cò” mía nguyên liệu cũng còn xảy ra, có nơi có lúc trở nên nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Trong kế hoạch thu mua vụ ép sắp tới, về phần mình, các nhà máy đường đều cam kết thu mua hết mía cho nông dân và thu mua thuận lợi, đảm bảo người trồng mía có lợi, đồng thời phối hợp giải quyết những tồn tại, vướng mắc.

Thất Sơn
 

Có thể bạn quan tâm