Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Ngẩn ngơ một khúc sông… buồn!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ Kông Chro chúng tôi theo tỉnh lộ 667 (dài 32 km) chạy men theo sông Ba về thị xã An Khê, nơi cửa ngõ từ đồng bằng lên Tây Nguyên theo quốc lộ 19. Thị xã mới này nằm trọn trong thung lũng An Khê. Người An Khê yêu và tự hào về dòng sông quê hương của mình: “Sông Ba xanh như màu mắt ngọc/Sơn khê chiều mây thả bóng miền hoang...”. Có thể nói, sông Ba như một mạch máu khai thông và biến vùng địa linh An Khê phát tiết trong nhiều thế kỷ qua. Không phải ngẫu nhiên mà ba anh em nhà Tây Sơn từ Kiên Thành phía hạ lưu sông Côn lên vùng núi phía Tây này để tìm đất dụng võ. Đây là vùng thung lũng có hình sông thế núi vững như bàn thạch, có sản vật tự nhiên phong phú; nơi có thể dụng binh linh hoạt, tiến thoái đều thuận lợi; có nhiều địa thế để lập căn cứ địa nhằm che mắt kẻ thù. Bởi vậy, vùng Tây Sơn Thượng đạo, đất khởi nghiệp của nhà Tây Sơn, về sau này trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhân dân Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đã tiếp bước truyền thống cha ông, biết tận dụng địa bàn chiến lược này, bày binh bố trận làm bàn đạp tấn công kẻ thù lập nên những chiến công hiển hách. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, thị xã An Khê vẫn được xác định là địa bàn quan trọng, là vùng kinh tế động lực, là trung tâm công nghiệp-dịch vụ phía Đông tỉnh.

Dòng sông Ba trong lòng thị xã An Khê hôm nay. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Dòng sông Ba trong lòng thị xã An Khê hôm nay. Ảnh: Bùi Quang Vinh

Trong quy hoạch, kiến trúc đô thị xưa nay người ta rất chuộng loại đô thị có dòng sông đi qua trong lòng phố. Ngoài thuật phong thủy của người phương Đông, dòng sông tự nhiên ấy sẽ làm mềm hóa một đô thị phát triển và nó dễ dàng làm điểm nhấn để kiến tạo một bức tranh đô thị với vẻ đẹp như ý. Bởi vậy, các quốc gia có nền khoa học phát triển, họ rất coi trọng các yếu tố tự nhiên trong mối quan hệ với cộng đồng và thường có những chế tài nghiêm ngặt đối với việc xâm hại đến môi trường vốn có. Nhắc đến vấn đề này để chúng ta quay nhìn lại cách bức tử dòng sông Ba ở An Khê trong mấy năm qua.

Trong “phong trào” điện khí hóa, các dòng sông lớn nhỏ ở nước ta đã được ngành điện đưa vào tầm ngắm và lập kế hoạch để chinh phục, khai thác dòng thủy năng dồi dào phục vụ đất nước. Sông Ba là một trong những con sông lớn nhất Tây Nguyên đầy tiềm năng nên được khai thác triệt để. Hàng loạt các công trình thủy nông, thủy điện ở hạ lưu được xây dựng phục vụ dân sinh, góp phần trị thủy được đông đảo nhân dân phấn khởi, đồng tình. Đến năm 2005, công cuộc chinh phục dòng sông Ba ở thượng nguồn được ào ạt khởi công. Nhiều phương án tính toán thiệt hơn đã được bàn luận nhưng có lẽ lợi ích cục bộ đã thắng thế và dự án thủy điện An Khê-Ka Nak với liên hồ chứa, xẻ dòng sông Ba đưa một phần nguồn nước về sông Côn-Bình Định được tiến hành thi công mặc dù có những tiếng nói cảnh báo của người dân về tương lai của dòng sông mẹ. Những con số tính toán trên giấy của các nhà hoạch định thường bao giờ cũng đúng và thuyết phục nhưng họ quên rằng thực tiễn không phải lúc nào cũng vậy-“mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”. Công trình thủy điện An Khê-Ka Nak nằm trên 3 địa bàn: thị xã An Khê, huyện Kbang (Gia Lai) và huyện Tây Sơn-Bình Định, gồm 2 cụm nhà máy cách nhau khoảng 70 km: nhà máy An Khê (nằm bên kia đèo An Khê,thuộc xã Tây Thuận, Tây Sơn-Bình Định) với công suất 160 MW và nhà máy Ka Nak, cách thị trấn Kbang khoảng 7 km, có công suất 13 MW. Công trình được chặn dòng tích nước ở 2 hồ chứa vào tháng 9-2010 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012. Khi công trình đi vào vận hành đã xảy ra hàng loạt sự cố, nhất là việc xả lũ trong mùa mưa và tích nước trong mùa khô gây ra bất ổn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân ven sông Ba. Vào mùa khô Tây Nguyên, lượng mưa phía thượng nguồn rất thấp khiến sông suối thường khô cạn, nhất là trên sông Ba và các chi lưu luôn thiếu nước và gây ra hạn hán. Để tích nước cho 2 hồ chứa An Khê và Ka Nak trong mùa khô đủ cho 2 nhà máy hoạt động hết công suất, nhất là kênh dẫn dòng nhà máy điện An Khê cho thoát nước về sông Côn thì phía hạ nguồn sông Ba đa phần dòng sông bị phơi đáy. Ngay khúc sông Ba qua An Khê là “nạn nhân” gánh hậu quả nhãn tiền.

Chúng tôi diện kiến dòng sông Ba nơi đây vào khoảng trung tuần tháng 9-2015, đó là lúc mùa nước sông thường dâng cao bởi vào chính mùa mưa phía thượng nguồn đổ về. Nhưng điều ấy không xảy ra, sông Ba đi qua lòng thị xã vẫn kiệt nước như những mùa khô cháy. Dòng nước đục ngầu còn sót lại dường như đứng yên, buồn bã. Những cồn đất, bãi bồi với cát đá lổn nhổn, cỏ cây hoang dại nằm trơ trọi giữa lòng sông, đôi ba con bò đứng gặm cỏ. Bên chân cầu sông Ba ở An Khê, dường như để tiêu khiển, hoài niệm về một thời ở bến sông xưa, đôi người già vẫn xách cần câu lội ra cồn đất giữa dòng khô cạn mà buông câu dẫu biết rằng chẳng có con cá nào sống được với dòng nước ao tù đầy ô nhiễm. Thêm vào đó, các nhà máy chế biến mì, mía đường hoạt động khi bước vào mùa thu hoạch đã xả nước thải ra dòng sông khiến sông Ba càng thêm gánh nặng bởi môi trường bị xâm hại nghiêm trọng, mùi xú uế phát tán trong không khí kéo dài cả vài tháng trời bao trùm lên các vùng dân cư hai bên bờ sông đã làm cuộc sống của họ thêm quẫn bách. Từ đó mạch nước ngầm trong đô thị cũng bị ô nhiễm; đa phần người dân An Khê không còn sử dụng nước giếng hay nước cung cấp từ nhà máy lấy từ nguồn sông Ba để ăn uống mà thay vào đó là dùng nước lọc mua trên thị trường.

 

Dòng sông Ba khô cạn, ô nhiễm.
Dòng sông Ba khô cạn, ô nhiễm.

Chúng tôi gặp những người dân ngụ cư dọc theo cầu sông Ba-An Khê, có người sống nơi đây qua nhiều thế hệ, họ tâm sự rằng, cuộc sống của người dân An Khê hiện giờ đã thay đổi nhanh chóng, thu nhập tăng cao, bộ mặt đô thị ngày càng phát triển nhưng họ vẫn chưa “an” như mong ước của cha ông khi khai mở và đặt tên cho mảnh đất này. Dòng sông Ba chảy qua vùng Tây Sơn thượng là mạch sống ngàn đời của cư dân, là báu vật mà tự nhiên ban tặng. Trải qua nhiều thế hệ, người An Khê sống hòa hợp với dòng sông như người bạn thủy chung. “Ngày xưa nước sông Ba trong lành, chúng tôi còn gánh nước sông về ăn uống không cần lắng lọc. Cá sông Ba nhiều vô kể, có những loài như cá đá, cua đinh ở sông Ba trở thành đặc sản của địa phương. Nhiều làng chài từ đó hình thành, lớp ngư dân trên miền sơn cước này đã sống nhờ nguồn thủy sinh dồi dào của dòng sông mẹ. Nhưng tất cả nay đã đổi thay rồi…”-ông Lê Văn Tựu, tổ 8, phường Tây Sơn, thị xã An Khê là người dân chài bên cầu sông Ba đã tâm tình như thế.

Chiều hôm ấy, chúng tôi dành cả buổi để lang thang trên con đường mới mở bên hữu ngạn dòng sông Ba ở An Khê khá thông thoáng với bờ kè, thành lan can có thể đứng nhìn xuống dòng sông hóng mát. Những người An Khê khi thiết kế, xây dựng con đường này đã mang chút tâm hồn lãng mạn và hy vọng rằng, dòng sông Ba sẽ đem lại một vẻ đẹp vĩnh cửu cho đô thị nơi miền sơn cước này. Nhưng giờ đây, hoài bão đó đã trở nên phi hiện thực…

 Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm