Bài 2: Những nguồn nước… chết!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một thời là nguồn cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho hàng ngàn, hàng vạn dân cư sống ven sông suối, giờ đây, con sông cuồn cuộn, dòng suối mát trong ngày nào có đoạn đã trơ đáy, đoạn còn nước thì nổi váng đen ngòm, rác thải tứ tung, mùi hôi thối cứ thế bốc lên nồng nặc…

Khi dòng sông kêu cứu

Sông Ba, một trong 9 hệ thống sông chính ở nước ta và là con sông lớn nhất khu vực Nam Trung bộ có chiều dài 374 km, diện tích lưu vực 13.900 km2, trong đó 8.656 km2 nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Dòng chính sông Ba bắt nguồn từ đỉnh Ngọc Rô của dãy Trường Sơn. Khi công trình thủy điện An Khê-Ka nak chặn dòng vào tháng 4-2011 chuyển nước từ sông Ba về sông Côn (Bình Định) thì dòng chảy tối thiểu trên sông Ba sau đập An Khê vào các tháng mùa kiệt trung bình là 4 m3/giây.

 

Nước thải từ một ống dẫn đổ ra “vùng sình lầy”. Ảnh: Đinh Yến

Việc ngăn dòng thủy điện An Khê-Ka Nak đã làm mực nước trên sông Ba phía hạ lưu xuống thấp, nước không đủ để đẩy trôi các chất cặn bã, làm cho sự ô nhiễm ở đây ngày càng trầm trọng hơn. Cộng với nguồn nước thải công nghiệp của các nhà máy chế biến gỗ MDF Vinafor Gia Lai, tuyển quặng Hoàng Anh-Gia Lai, Nhà máy đường An Khê và Nhà máy Chế biến Tinh bột mì VEYU… đang hàng ngày xả thải ra dòng sông Ba với kết quả đo đạc vượt mức cho phép hàng chục lần, khiến con sông Ba gần như bị “cưỡng bức” để chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình.

Theo đó, thủy sinh chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối, việc sinh hoạt, sản xuất của người dân ở 5 huyện, thị xã phía Đông sông và khu vực hạ lưu sông Ba bị đảo lộn hoàn toàn. Trước bức xúc của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phân tích nước thải trên sông Ba và hầu hết các mẫu đều cho kết quả vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhiều lần.  

Chuyện thủy điện An Khê-Ka nak làm sông Ba kiệt nước đã “dậy sóng” một thời gian dài và giờ tới lượt nhà máy đường An Khê-tác nhân chính khiến mức độ ô nhiễm trên sông Ba càng thêm trầm trọng. Nguyên nhân là khi xây dựng nhà máy, hệ thống xử lý nước thải chưa được chú trọng đúng mực. Nhà máy từng cam kết đến cuối tháng 2-2012 sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, song thời hạn trên sẽ bị kéo dài tới cuối năm 2012.

Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho hay: “Theo phản ánh của người dân, hiện tại, mùi hôi thối từ sông Ba vẫn còn, nhất là vào buổi tối. Nhưng không thể đóng cửa nhà máy để chờ hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải (vì sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch mía của người dân). Chính quyền cũng khó kiểm soát việc xả thải của nhà máy, nhất là khi việc này được tiến hành vào ban đêm”.

Con sông một thời thơ mộng giờ chỉ còn trong ký ức những người dân nơi đây. Một con sông Ba hiện hữu chỉ còn trơ đáy với những rác rưởi, bùn đất bốc mùi hôi thối khắp vùng. Đó là hậu quả của việc làm kinh tế chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà lờ đi trách nhiệm bảo vệ môi trường, quên đi quyền lợi của người dân.

“Lời than” của suối

Nếu sông Ba ô nhiễm và cạn kiệt đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng vạn người dân thì việc suối Hội Phú (TP. Pleiku) dần trở thành một… con mương đen ngòm “tọa” ngay giữa lòng phố, giữa những con người văn minh lịch sự khiến cho nhiều người lo ngại. Những năm từ 2008 đến 2010, suối Hội Phú phải đối mặt với tình trạng san lấp chiếm lòng suối của một số cá nhân khiến dòng chảy ít nhiều bị ảnh hưởng. Sau khi vấn đề này được chính quyền tích cực giải quyết ổn thỏa thì suối Hội Phú vẫn chưa thể… yên thân khi hàng ngày, con suối phải “ôm vào lòng” một khối lượng nước thải lẫn rác thải nhiều đến mức khó đếm.

Bà Phượng (348/2 Hùng Vương-TP. Pleiku), một hộ dân nằm sát suối Hội Phú ngán ngẩm chỉ về phía hông nhà: “Đó cô coi, một vùng sình lầy ghê chưa!”. Suối Hội Phú đoạn qua đây đã không còn nhận ra dòng bởi cỏ rác và “vùng sình lầy” mà bà Phượng chỉ. Vũng nước thải rộng có màu nâu nổi váng lẫn bọt, bốc mùi nồng nặc kia chính là “tác phẩm” của việc xả thải bởi những hộ dân quanh khu vực này, nhất là những hộ chăn nuôi heo. Không làm hầm rút, không có biện pháp xử lý, tất cả phân heo, nước tắm heo… đều theo một đường ống thải xuống đó. Không chỉ vậy, ngay cả hầm cầu, các hộ cũng… linh động xả thẳng ra suối. Cộng với ê hề các loại rác, những người dân sống ở khu vực này triền miên chịu đựng sự hôi thối, ruồi muỗi (như bà Phượng nói, ruồi muỗi ở đây to như con ong), mùa mưa thì nước ngập vào nhà.

Ngày 27-1-2004, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 09/2004/QĐ-UB về việc “Phê duyệt quy hoạch chi tiết suối Hội Phú, TP. Pleiku”. Theo đó, trong tương lai nơi đây sẽ hình thành một khu đô thị mới phát triển và hiện đại của phố núi Pleiku. Và ngày 24-12-2010, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 4227/UBND-TH đồng ý về chủ trương và cho phép Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục lập dự án đầu tư Khu đô thị suối Hội Phú. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Trong khi người dân cứ tưởng rằng chuẩn bị giải tỏa và chuyển đi nên không cần phải giữ gìn vệ sinh, môi trường, mỹ quan làm gì thì dự án này vẫn “treo” mà lý do chính xác thì chỉ có chính quyền mới biết. Càng ngày suối Hội Phú vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, bị xâm hại một cách không thương tiếc...

Đinh Yến-Kim Linh

Có thể bạn quan tâm