Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Sông Kôn mùa tan lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên đỉnh đèo An Khê, nơi cuối cùng của ranh giới tỉnh Gia Lai giáp với Bình Định, một buổi sáng yên bình, tôi thả hết tầm nhìn về Đông Bắc, dòng sông Kôn uốn lượn theo những triền núi lô nhô, lúp xúp, cùng với đó là màu xanh ngút ngàn của mía, của bắp, của cây trái ruộng vườn, cho dù mới cách đây chưa lâu, những cơn lũ lịch sử đã ùa qua vùng đất này…
Quanh co uốn lượn chừng trên 7, 8 cây số, chúng tôi xuôi khỏi con đèo được coi là cao nhất trên quốc lộ 19, án ngữ giữa hai vùng đất- đồng bằng và miền núi, nóng và lạnh, nắng và mưa, Hạ đạo và Thượng đạo. Nói chuyện với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Sơn Nguyễn Đức Thắng cho hay, những năm gần đây Tây Sơn đã có những bước phát triển đáng kể, đời sống của đại bộ phận bà con nông dân đã được cải thiện… Điều này chúng tôi đã tận mắt chứng kiến khi đi qua một số làng xóm để tìm về nơi mà trước đây các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng bộ Gia Lai “định cư” để làm bàn đạp tiến lên Tây Nguyên và Gia Lai nói riêng.
Đường thôn ngõ xóm cũng đã được bê tông hóa phẳng phiu. Ảnh: B.H
Đường thôn ngõ xóm cũng đã được bê tông hóa phẳng phiu. Ảnh: B.H
Đâu đâu đường thôn ngõ xóm cũng đã được bê tông hóa phẳng phiu, nhà cửa cũng dường như đã xi măng hóa, ngói hóa hoàn toàn. Nhiều ngôi nhà rường, nhà cổ còn giữ được nguyên vẹn. Có nhiều ngôi nhà đã và đang “phục chế, trùng tu” cho giống như xưa cổ. Mía, khoai chen lẫn với những vườn cây ăn trái đang trong mùa cuối đông xanh mươn mướt. Cho dù không xa lắm với thị trấn Phú Phong, nhưng ở đây tôi thấy có phiên chợ chiều, cũng tấp nập người mua kẻ bán, cũng mì bắp, khoai gạo, cá thịt, rau củ quả chẳng thiếu gì và chắc chắn là… sạch. Ôi, cảnh quê thanh bình đến nao lòng người xa xứ!
Cái nơi mà tôi vừa nói đến là thôn Phú Mỹ, thuộc xã Tây Phú- xã Anh hùng lực lượng vũ trang của huyện Tây Sơn. Nghe nói trước đây, những năm 40, 50, 60 của thế kỷ trước vùng này còn nghèo khó và heo hút. Chiến tranh tàn phá lại làm cho nó trở nên khó khăn thêm. Trong gian khó ấy như tôi luyện cho con người nơi đây trở nên cứng cỏi hơn lên. Họ biết yêu quý, chăm lo xây dựng quê hương mình cho bằng chị bằng em. Chính đây là nơi nảy mầm của phong trào cách mạng. Xa hơn nữa, phía trong của những ngọn đồi, con thác, của dòng sông nhỏ, bắt nguồn từ những dãy núi trùng điệp trên Hầm Hô nối với dòng Kôn xuôi về biển, anh em nhà Tây Sơn đã lấy đó làm chỗ dựa để ngăn suối, làm mương dẫn nước về cánh đồng phía dưới làm ra lương thảo phục vụ cho nghĩa quân. Đó cũng là nơi làm căn cứ tụ nghĩa, huấn luyện binh sĩ để nuôi chí lớn, thống nhất sơn hà. 
Và cho đến sau này, trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, những người cộng sản vẫn coi đây là địa chỉ, là nơi tin cậy, để làm cách mạng. Cho dù những năm tháng ấy người dân chưa lấy gì sung túc nhưng đã hết sức hết lòng giúp đỡ cách mạng, sẻ chia từng hạt gạo, xây dựng phong trào, góp phần cho cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đổ xâm lăng…
Một ngôi nhà cổ còn giữ được nguyên vẹn. Ảnh: B.H
Một ngôi nhà cổ còn giữ được nguyên vẹn. Ảnh: B.H
Vào tháng 2-1949, tại thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú ngày nay, Đảng bộ Gia Lai đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Bà con dân làng cho hay nơi diễn ra Đại hội là tại gò cây Cầy (còn có tên là đồi cây Ké). Bấy giờ nhân dân trong thôn, trong xã đã chung tay góp sức dựng lên những căn nhà, hội trường, tuy là tranh tre, lá nứa nhưng nghiêm túc, uy nghi lắm.
Cụ Phù Lạc, ngày ấy là nhân viên đánh máy chữ cho Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai còn nhớ khá kỹ những gì diễn ra trong những ngày lịch sử đó. Còn cụ bà Nguyễn Thị Sáu năm nay tuổi ngoài 80, là vợ của cụ Huỳnh Đệ- một trong những người cộng sản ở đây, kể rằng nhà của cụ ngày ấy là “trụ sở” của Tỉnh ủy Gia Lai.
Những ngày tháng ấy, trong thôn Phú Mỹ rất vui, cách mạng về làm cho cánh thanh niên, thiếu nữ như tiếp thêm sức sống. Và hơn thế nữa, nhiều người đã được tuyên truyền giác ngộ theo cách mạng, trong số đó có người đã trở thành lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền. Ghi công ấy, sau ngày miền Nam giải phóng, xã Tây Phú đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Cuộc hành trình trở về nguồn cội của chúng tôi tiếp tục đến thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh. Miên man trên con đường chừng 40 km nối từ quốc lộ 19, dưới chân đèo An Khê đến xứ Bình Quang xưa, tôi cố gắng “định hình”, lục trong ký ức mình: Sau giải phóng Vĩnh Thạnh- 1972, và sau ngày Hiệp định Paris năm 1973, tôi được đơn vị cử cùng đoàn công tác của An Khê xuống đây để gom mua hàng hóa, lương thực thực phẩm, rồi nhắn về để đơn vị cử người xuống cõng gùi hàng tiếp tế cho các bộ phận làm công tác ở phía trước, vùng địch tạm chiếm phía Bắc đường 19- An Khê.
Không những chỉ là “hậu phương” của vùng tạm chiếm An Khê, Vĩnh Thạnh ngày ấy, theo tôi biết nó còn là hậu phương lớn cho cả Gia Lai và Bình Định. Nơi đây từng chi viện cả người và của cho các đội công tác cánh Đông của Bình Định và vùng hậu cứ của Gia Lai từ hướng Đông Nam. Vùng này có một hành lang xuyên suốt từ hậu cứ Gia Lai- vùng Kbang ngày nay đến Vĩnh Thạnh. Đây còn là nơi “ngụ binh ư nông”, là vị trí trú quân an toàn của các đơn vị quân giải phóng miền Nam sau những trận đánh từ các chiến trường. Cho dù cố huy động hết bộ nhớ của mình nhưng tôi đã không thể tưởng tượng được những nơi mình đã đi qua, những gia đình mà mình ở nhờ trong những ngày tháng ấy.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Phạm Đình Thu (bên phải) thăm hỏi cụ bà Nguyễn Thị Quyển. Ảnh: B.H
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Phạm Đình Thu (bên phải) thăm hỏi cụ bà Nguyễn Thị Quyển. Ảnh: B.H
Bến đò xưa- Vĩnh Thái trên dòng Kôn vẫn đó, nhưng cảnh cũ người xưa giờ đã không còn. Phía trên bến đò không xa đã từng có một cây cầu kiên cố Vĩnh Bình để người dân qua lại. Trưởng thôn An Nội (Vĩnh Thịnh) lơ mơ nhớ lại những gì tôi hỏi và chỉ gật đầu “hình như thế, như thế”. Đành vậy, vì sự đổi thay đã nhiều. Xã “gốc” Bình Quang giờ đã thành 5 xã; chỉ riêng Vĩnh Thịnh đã có trên 7.000 dân. Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hiệp- nơi trong thời kỳ đầu chống Pháp, một số cơ quan của tỉnh Gia Lai đã đứng chân-“định cư” theo dọc sông Kôn phía bên hữu ngạn. Những rặng tre, vườn dừa tít tắp theo triền sông. Sau mùa lũ, nhiều đoạn phía thượng nguồn nước lại trong veo nhìn thấy cả những hòn cuội tận đáy sâu.
Đến thăm nhà cụ bà Nguyễn Thị Quyển, tuy đã ngoài 90, nhưng cụ còn khá minh mẫn. Nhìn qua cảnh nhà, tôi nghĩ là chính quyền nơi đây đã chăm lo cho các gia đình có công với cách mạng khá chu toàn. Anh cán bộ xã đi cùng cũng đã xác thực điều ấy khi tôi hỏi về chuyện này.
Cùng với nhiều gia đình khác, nhà cụ Quyển là nơi cách đây hơn 60 năm về trước đã có thời là chỗ dựa của các đồng chí trong Tỉnh ủy Gia Lai để từ đây hướng sự lãnh đạo, chỉ đạo về vùng Pháp tạm chiếm phía Bắc và Tây Bắc tỉnh Gia Lai ngày ấy. Cách thôn An Nội không xa về phía Đông Bắc, là ngọn núi mà người địa phương thường gọi hòn Cấm, dưới chân nó, bên rìa cánh đồng là chỗ ở của Tỉnh ủy một thời, sau năm 1945. Anh cán bộ Văn phòng Huyện ủy Vĩnh Thạnh tận tình chỉ dẫn cho tôi nơi mà có thể nhìn thấy hòn Cấm rõ nhất từ trụ sở của huyện.
Tôi ghi lại khá nhiều ảnh, nhưng không thể như ý muốn vì thời tiết không cho phép. Tôi muốn tự mình đến đó, nhưng thời gian không còn nhiều. Chuyến đi đã được sắp xếp khá chính xác về thời gian theo sự tiền trạm của Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Nguyễn Mộng Hoàng. Đành hẹn lại dịp sau vậy, Chánh Văn phòng Huyện ủy Nguyễn Kế Đấu và Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh Huỳnh Thị Sen đã nhận lời làm người chỉ lối cho chuyến đi mà tôi dự định thực hiện vào trước dịp Tết Âm lịch năm tới.
Núi Hòn Cấm. Ảnh: B.H
Núi Hòn Cấm. Ảnh: B.H
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định- Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Đình Kim- bạn học cùng trường trung cấp nông-lâm-thủy lợi thời kháng chiến trong căn cứ Khu 5 của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Phạm Đình Thu, trong cuộc trao đổi với đoàn chúng tôi, đã cho hay về những con số “biết nói” của huyện anh. Bình Định nói chung, Vĩnh Thạnh nói riêng đã trưởng thành vượt bậc, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn và đô thị đã thay đổi nhiều so với những ngày đầu sau giải phóng (1972 và 1975). Tôi vui mừng về điều ấy. Trên dòng Kôn giờ đã hình thành hàng loạt nhà máy thủy điện, hồ chứa thủy lợi phục vụ cho sản xuất và đời sống của bà con 9 xã của huyện, trong đó có bà con dân tộc Bahnar nơi thượng nguồn sông Kôn.
Xuôi theo dòng sông Kôn bên phần tả ngạn, chúng tôi chia tay với vùng đất anh hùng thời chống Mỹ cứu nước, nơi để lại bao dấu ấn của một thời lịch sử của Tỉnh ủy Gia Lai xưa. Tôi đã giữ lại nhiều kỷ niệm cho riêng mình khi còn trong chiến tranh với một chàng trai chưa đầy 18. Theo con đường láng nhựa phẳng lỳ, tôi chưa kịp nén lại những cảm xúc ấy của mình về vùng đất, về con người Vĩnh Thạnh kiên trung, bất khuất thì con đường 19 đã hiện ra trước mắt. Đành vậy thôi, chia tay nhau, chia tay với dòng Kôn sau mùa lũ…
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm