Bài 2: Thắp lửa cho cuộc sống mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC), mang trong mình di chứng chiến tranh đã là một bất hạnh nhưng nỗi bất hạnh ấy càng lớn hơn khi con, cháu họ hiện vẫn đang từng ngày phải gánh chịu nỗi đau đến tận cùng. Thế nhưng, trong số họ đã có không ít người vượt lên số phận để sống khỏe và có ích.

Gầy dựng cuộc sống ấm no
 

Gia đình ông Lê Bá Luận chọn cách chăn nuôi gà để gầy dựng cuộc sống. Ảnh: Phan Lài

Chư Sê là một trong những địa phương có số người bị nhiễm CĐDC lớn, khoảng hơn 1.000 đối tượng bị phơi nhiễm da cam/dioxin; trong đó 61 hộ có 2-4 nạn nhân; nạn nhân là thế hệ thứ 3 (cháu nội, ngoại) 8 người; nạn nhân bị dị dạng, dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo, không tự sinh hoạt được phải có người chăm sóc thường xuyên là 240 người. Những năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC luôn được các cấp, các ngành của huyện quan tâm, nhất là việc quyên góp ủng hộ quỹ “Chăm sóc nạn nhân CĐDC/dioxin”. Ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện cho biết: Từ nguồn quỹ này, chúng tôi đã dùng 120 triệu đồng mua nhím giống hỗ trợ cho 6 hộ, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ chăn nuôi bò cho 22 hộ gia đình nạn nhân CĐDC trị giá 110 triệu đồng. Nhờ đó, đã có nhiều gia đình nạn nhân CĐDC vượt qua được đói nghèo, từng bước gầy dựng cuộc sống.

Cùng ông Thủy đi thăm một số gia đình nạn nhân CĐDC ở xã Kông Htok, chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống của những người đang từng ngày đối diện với nỗi đau do di chứng chiến tranh gây ra. Ông Nguyễn Hữu Vấn (làng Chư Ruồi) có con bị nhiễm CĐDC, gia đình đưa con đến khắp các bệnh viện lớn trong nước nhưng bệnh tình của con vẫn không thuyên giảm. Khi được Huyện hội cho vay 5 triệu đồng/năm, ông đầu tư tiền nuôi gà và heo. Sau nhiều năm chăn nuôi, cố gắng tiết kiệm, gia đình đã phát triển được mô hình chăn nuôi với 10 con bò, 15 con heo,… hiện gia đình ông đang trông cậy vào nguồn này để có tiền chữa bệnh cho con.

Gia đình cựu chiến binh Lê Bá Luận (làng Dơ Nông) cũng thế. Ông Luận có 2 con trai đều bị nhiễm CĐDC, người thì bị mắc bệnh não úng thủy, người thì câm điếc bẩm sinh, bại liệt tay chân. Nỗi đau đè nặng lên vai của vợ chồng ông, tiền thuốc thang, chữa trị cho con khiến ông phải bán hết tất cả những đồ có giá trị ở trong nhà. Ông Luận chia sẻ: “Nhờ Hội giúp đỡ, cho vay vốn, chúng tôi đã đầu tư để nuôi 400 con gà và chăm sóc 300 cây cà phê, mỗi năm thu cũng được khoảng 50-60 triệu đồng, như thế cũng đủ để trang trải cho cuộc sống và có thêm tiền thuốc thang cho hai con”.

Học để thành người có ích

 

Mọi chi tiêu trong gia đình ông Nguyễn Hữu Vấn đều trông cậy vào nguồn thu từ đàn bò. Ảnh: Phan Lài

Nhắc đến em Nguyễn Thị Kim Thanh-nạn nhân CĐDC ở thôn 5 (xã Nghĩa An, huyện Kbang) thì hầu hết những người dân trong làng, trong xã, cả những người mới gặp em lần đầu cũng dành cho em sự cảm mến bởi niềm tin yêu với đời và những cố gắng vượt bậc của em trong cuộc sống này. Với quyết tâm học để làm người có ích, Thanh đã trải qua 12 năm học phổ thông trong sự ngỡ ngàng, cảm phục của bạn bè, thầy cô bởi tiếng nói của em không rõ ràng, phát âm rất khó khăn, hơn nữa cả hai tay em đều khuyết tật. Sau khi tốt nghiệp THPT (năm 2004), Thanh tiếp tục theo học khóa học vi tính tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Năm 2009, em là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Dân lập Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh). Chia sẻ với chúng tôi qua những dòng chữ trên máy tính, Thanh cho biết, em luôn mơ ước có một việc làm phù hợp với khả năng của mình, tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Giống như Thanh, em Nay Djrueng (buôn Ji A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa)-cậu bé Jrai tật nguyền không chân không tay do CĐDC, dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, em vẫn rất ham học. Từ bậc tiểu học đến THPT, Nay Djrueng luôn nỗ lực phấn đấu học tập, là tấm gương cho các bạn noi theo về tinh thần vượt khó vươn lên. Hiện nay, Djrueng đang là sinh viên năm thứ hai, Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Đà Nẵng. Dù phải đối mặt với những khó khăn về chuyện ăn ở, sinh hoạt, đặc biệt là những chi phí cho việc học hành, nhưng Djrueng lúc nào cũng tươi tắn nụ cười và đặc biệt là rất tin vào cuộc sống trong tương lai. Chia sẻ cùng chúng tôi về những dự định sắp tới, Nay Djrueng cười: “Em dự tính ra trường sẽ ở lại Đà Nẵng tìm một công việc phù hợp để làm, sẽ kiếm thật nhiều tiền để phụ giúp ba mẹ và giúp những người có hoàn cảnh khó khăn như em…”.

Thu Huế-Phan Lài

Có thể bạn quan tâm