Bài 2: Trách nhiệm phải từ nhà trường-gia đình và xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực tế trong cuộc sống hiện nay, xe máy là phương tiện phổ biến, giá xe đa dạng, nhiều chủng loại, do vậy nhiều phụ huynh “bỏ qua” các quy định và khuyến cáo của nhà trường mua sắm cho con mình những chiếc “xế” đủ mạnh để tiện đến trường.

Biến xế “yếu thành mạnh”

Điều vướng mắc được cô Hải- Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu nhắc đến là do giới hạn của Luật. Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2001, "Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3…”.

 

Ảnh: Nguyễn Giác

Chính từ quy định của Luật này, nhiều học sinh đã tìm cách lách luật bằng việc đưa những chiếc xe “yếu” đến những tiệm sửa chữa xe máy chuyên nghiệp để nâng công suất. Việc làm này khá đơn giản, chỉ cần bỏ ra vài trăm đến một triệu đồng, sau một ngày học chiếc xe trở nên “mạnh” sau khi được các bác sữa xe thực hiện công việc đôn dên, xoáy nòng để nâng dung tích xi lanh. Qua thăm hỏi một thợ sữa xe trên đường Lê Duẩn (TP. Pleiku): Nhiều thanh niên tuổi còn đi học hay đến nhờ độ lại xe các chiếc xe dưới 50 cm3 cho mạnh giống xe 110 cm3, có khi bỏ tiền nhiều xe lại mạnh hơn, nhưng việc này cũng ít dần bởi nay các em đều có xe “mạnh” của các hãng lớn. Giờ mấy em đến để thay đổi các phụ tùng trang trí xe, móc pô, thay bô tăng âm cho giống tiếng xe mô tô cỡ lớn, việc làm này khá đơn giản nhưng tốn khá nhiều tiền, có khi thay đổi cả kết cấu xe.

Để phát hiện ra các xe đã thay đổi dung tích xi lanh hay các loại đồ chơi được thay đổi là không hề khó, do vậy với những chiếc thay đổi dung tích được các em đưa đến trường rất cẩn thận “xuống xe, tắt máy” khi vào cổng; còn với những xe mạnh hoàn toàn không có mặt tại trường mà được trông giữ ở những địa điểm tin cậy ở gần đó.

Cần mạnh tay

Chuyện bất hợp tác giữa nhiều phụ huynh với nhà trường trong việc kiểm soát học sinh đi xe máy đến trường cần được xem xét lại.

 

Ảnh: Nguyễn Giác

Ông Phạm Ngọc Thạch- Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai cho rằng: Học sinh điều khiển phương tiện, lưu thông trên đường cũng như mọi công dân khác, do vậy nếu phát hiện và xử phạt là điều cần thiết, thậm chí cần đánh văn bản gửi về nhà trường để tiếp tục có biện pháp xử lý, kỷ luật học sinh vi phạm. Sở sẽ tiếp tục bàn tìm ra các giải pháp hạn chế học sinh đưa xe máy đến trường trong thời gian đến.
 

Theo thống kê từ Bệnh Viện đa khoa tỉnh, riêng từ đầu tháng 9 đến nay tại khoa cấp cứu đã tiếp nhận 299 trường hợp bị thương tích do tai nạn giao thông nhập viện (203 người là nam giới), trong số đó, độ tuổi từ 15-19 đã có đến gần 60 trường hợp; Phương tiện gây tai nạn là xe mô tô chiếm đến 193/299; số người chấn thương sọ não là 19/299 và có đến 8 người đã tử vong.

Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ không chỉ diễn ra tại thành phố Pleiku mà còn diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên để đẩy lùi tình trạng này, xem ra vẫn là bài toán khó đối với ngành chức năng khi mà ý thức của một bộ phận thanh thiếu niên vẫn coi nhẹ việc chấp hành luật giao thông đường bộ.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến- Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông, Công an TP. Pleiku khẳng định: Chúng tôi đã liên hệ với các trường THPT trên địa bàn để tuyên truyền, tuy nhiên ngành chức năng cố sức tuyên truyền kể cả việc thường xuyên tuần tra và xử phạt đối với các trường hợp là học sinh vi phạm an toàn giao thông nhưng mọi chuyện như không, nếu xử lý vi phạm, xử phạt thì phụ huynh cũng tìm cách nộp phạt rồi lại cho xe máy để con sử dụng. Học sinh có vi phạm giao thông lỗi chính là ở phụ huynh, nếu có sự răn đe, giáo dục tốt thì việc xảy ra các tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh sẽ giảm rất nhiều.

Trước tình trạng học sinh sử dụng xe máy, lạng lách đánh võng trên đường và luôn tìm cách đối phó lực lượng chức năng khi tuần tra kiểm soát, nhiều bậc phụ huynh và đại diện nhà trường cho rằng: TP. Pleiku là nơi phổ biến tình trạng này, do vậy nên hay chăng triển khai thí điểm cấm học sinh đến trường bằng xe máy, thay vào đó là khuyến khích học sinh đến các điểm cụ thể để đi xe ô tô buýt đến trường và sử dụng các phương tiện cá nhân là xe đạp hay đi bộ nhằm tăng thể trạng, nâng cao sức khỏe đảm bảo cho việc học tập.

Việc “nên hay không” để học sinh lái xe máy đến trường, câu hỏi này chắc lẽ phụ huynh là người hiểu hơn cả. Dù nếu, ngành chức năng có cấm, phụ huynh vẫn “thả cửa” thì tình trạng tai nạn giao thông ở tuổi học sinh sẽ tiếp tục còn tái diễn, mà nguy cơ ngày một tăng khi mật độ phương tiện lúc một nhiều hơn.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm