Bài 2: Vì lòng yêu nghề, mến trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ là việc đi làm thuê để nhận lương, đối với những bảo mẫu có lương tâm và trách nhiệm, họ làm việc này còn vì lòng yêu nghề, mến trẻ. Với họ, việc làm thế nào để trẻ ăn ngon, ngủ đúng giấc, biết nghe lời… luôn là những tiêu chí quan trọng nhất. Tuy nhiên, không phải gia đình người chủ nào cũng hiểu cho tấm lòng của bảo mẫu…

Sau rất nhiều lần từ chối, cuối cùng chị Hoan cũng đồng ý tiếp chuyện chúng tôi, ngay khi vừa kết thúc một ngày làm việc. Ngồi cùng chúng tôi trong một quán cà phê bên đường Lê Duẩn (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), chị Hoan cười mệt mỏi: “Chồng tôi làm phụ hồ, vất vả mà gia đình lúc nào cũng khó khăn. Sức khỏe tôi không tốt nên không thể phụ việc cùng anh ấy, mấy năm vừa rồi thì ở nhà chăm con. Năm nay, cháu đã đến tuổi đi học mẫu giáo, tôi ở nhà chơi không nên quyết định đi trông trẻ, mong kiếm thêm được chút đỉnh để phụ cặp cho gia đình”.
 

Ảnh: Phương Linh

Theo lời kể của chị Hoan, một ngày làm việc của chị bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng và kết thúc lúc 7 giờ 30 phút tối, khi chị chủ nhà đã dọn xong hàng ở chợ về. Cùng với nhiệm vụ chính là chăm sóc cho một bé gái hơn 6 tháng tuổi, chị Hoan còn làm thêm những việc trong gia đình như lau nhà, nấu cơm; thứ bảy, chủ nhật thì trông cả đứa con lớn 8 tuổi, vì cậu bé nghỉ học ở nhà. “Thực ra ngần ấy việc trong ngày cũng không phải là nhiều.

Thường thì sau khi em bé ngủ, ngồi không cũng buồn nên tôi thường xoay qua dọn dẹp nhà cửa cho chủ, đôi khi còn bày cho bé lớn học hành. Tuy nhiên cũng có thời gian em bé mà tôi đang trông hay quấy khóc, đòi bế suốt nên chỉ xoay quanh việc chăm lo cho bé đã khiến tôi mệt nhoài, có ngày không có cả chút thời gian nghỉ ngơi. Tôi nghĩ, mình đã làm việc hết lòng; nhưng điều tôi thấy ấm ức là cái cách ứng xử của vợ chồng người chủ. Tôi không muốn nói xấu họ, nhưng có nhiều khi cách họ nói, cách họ xử sự với tôi khiến tôi chạnh lòng.

Họ đã giao con cho tôi chăm, giao nhà cho tôi trông thì chí ít cũng phải có chút tin tưởng ở tôi chứ. Tôi cũng đã lựa lời góp ý với vợ chồng chị chủ rồi, nếu anh chị ấy không thay đổi cách đối xử với tôi, chắc đi làm hết tháng thì tôi xin nghỉ. Tôi nghĩ, với mức thù lao 2 triệu đồng/tháng, tôi sẽ tìm được việc ở một gia đình khác”- chị Hoan tâm sự.

Bảo mẫu tại gia là thế, bảo mẫu tại các nhóm trẻ, các nhà trẻ tư nhân cũng lắm nỗi niềm không biết chia sẻ cùng ai. Không phải một trẻ mà các chị em tại đây phải trông coi cùng lúc ít nhất 5-10 trẻ, nhiều thì có thể lên tới con số hàng chục. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, các chị em phải nắm chắc lịch sinh hoạt, thuộc nằm lòng cách ăn uống cũng như tính nết của từng cháu. “Khổ sở nhất là lúc cho các bé ăn, cho các bé uống thuốc.

Đặc biệt những lúc bé bị ốm mà bố mẹ chỉ đưa tới với bịch thuốc, phó mặc hoàn toàn cho cô giáo, cả ngày không thèm gọi điện hỏi han lấy một lần, cảm giác rất khó chịu”.-chị Tr. (23 tuổi, hiện đang làm bảo mẫu cho một cơ sở tư nhân tại TP. Pleiku) chia sẻ.

Tâm lý chung của các bậc phụ huynh khi gửi con là “trăm sự nhờ cô giáo” nhưng nếu có chuyện gì xảy ra với con em của họ thì cũng “trăm sự tại cô giáo”! Chị Tr. tâm sự: “Nhiều khi trên lớp, bé mải nghịch hay giành đồ chơi với bạn bị té, bị đồ chơi quẹt xước. Xót con, nhiều phụ huynh không cần suy xét nguyên nhân đã mắng sa sả chúng tôi. Bức xúc lắm nhưng đành lặng im, dù sao cũng có trách nhiệm của mình”.

Ngoài ra, câu “một ách hai tròng” có vẻ đúng với trường hợp của các bảo mẫu tại các nhóm trẻ, một bên là phụ huynh, bên còn lại là chủ của cơ sở. Ngày làm việc của chị em nhiều khi phụ thuộc vào tâm trạng vui hay buồn của chủ. “Chỉ cần tâm trạng không tốt, thấy trẻ mới đến lớp mà khóc là thế nào mình cũng bị mắng vạ lây. Nhưng mình làm thuê mà, biết nói sao được”- chị Tr. nói thêm.

Thái Bình-Phương Linh

Có thể bạn quan tâm