Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Vững chắc biên cương Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), để hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức tuần tra thường xuyên 21 km đường biên (7 km đường sông) trên toàn tuyến không phải là chuyện dễ nếu không có sự nỗ lực của từng cán bộ, chiến sĩ.

Câu chuyện trên đường tuần tra

Chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pô Cô, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh trên cung đường tuần tra ngoằn ngoèo với đồi dốc để về với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Cách đồn chừng vài cây số, bác tài nói vui “anh chị tranh thủ bật máy lạnh (là cánh cửa phía trên trần xe) cho mát chứ đến đồn tìm không ra gió đâu”. Thật vậy, khi vừa bước ra khỏi xe không khí trở nên oi bức hơn khi nào hết. Dù vậy khi nhìn thấy vườn rau thanh niên xanh um với nhiều loại rau cải, bắp sú, mướp… ngay phía trước cổng đồn, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy như có thêm luồng gió mát.

 

Đội tuần tra biên giới Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trên đường tuần biên.Ảnh: N.G
Đội tuần tra biên giới Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trên đường tuần biên.Ảnh: N.G

Đã quá trưa, hay tin có đội tuần tra đang trên đường về, chúng tôi xin phép đến nơi để ghi lại những tấm ảnh về các chiến sĩ tuần tra trên tuyến biên giới được cho là dài và có nhiều khó khăn. Băng qua khoảnh rừng già có nhiều cây cao hàng chục mét, trước mặt chúng tôi là đoạn đường bê tông phục vụ cho công tác tuần tra vừa hoàn thành cách đây không lâu, xa xa là đội tuần tra cùng một chú chó béc-giê to lớn đang hướng về. Sau một lúc ghi hình và cùng nhau ngồi nghỉ mát bên cạnh dòng suối mát cho khô bớt những giọt mồ hôi đẫm trên áo, các anh kể không biết bao chuyện vui buồn.

Trước đây, khi toàn tuyến tuần tra trên địa bàn biên giới Đức Cơ chưa được bê tông hóa, các đội tuần tra phải men theo con đường mòn trơn trượt vào mùa mưa, mỗi giờ đi nhanh lắm cũng chỉ được khoảng 1 km. Đó là chưa kể những lần kiểm tra xuyên tuyến từ đường bộ lẫn đường sông, có đêm phải đi trong đêm mưa rừng, thậm chí có hôm phải ngủ lại giữa rừng.

Trung úy Hoàng Hữu Kỳ- Đội trưởng Đội vũ trang kể lại: Năm 2010, tôi được tổ chức phân công về địa bàn Đức Cơ nhận nhiệm vụ và công việc đầu tiên là cùng đội đi tuần tra.

Trong chuyến đi ấy, sau khi luồn lách qua các khoảnh rừng với những bụi gai nhọn hoắc thì anh em bảo xem lại trang phục kẻo vắt bám vào người hút máu. Cứ ngỡ là con vắt phải to lắm và mình sẽ dễ phát hiện, nào ngờ sau một lúc đi giữa những bụi le, thấy bên sau cổ khó chịu, sờ vào thấy mềm mềm, dùng tay kéo thì nó cứ dài ra, rồi “phựt” một con vật có hình thù giống như con đỉa trên tay. Tôi hoảng hốt vứt ra xa, các anh em nhìn thấy ồ cười, nói đó là con vắt. Tôi sợ phát khiếp, đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ con vắt nhỏ nhỏ, mềm mềm đó.

Trong câu chuyện các anh còn cho biết, nhờ thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra nên kịp thời phát hiện người dân địa phương vào rừng phát nương làm rẫy ngay khu vực đường biên, nên sớm nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân hiểu không còn tái phạm. Nguy hiểm nhất trong mỗi đợt là tuần tra trên đường sông vào mùa gió bão, dù điều khiển ca nô đã quen nhưng khi gặp gió thì điều khiển sẽ không theo ý mình.

Trao đổi với chúng tôi, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cho biết: Thời gian gần đây, việc giao thương của người dân khu vực biên giới có tăng nên dễ xảy ra mất an ninh trật tự. Trước tình hình ấy, đồn đã chủ động sắp xếp quân số trực đầy đủ, các bộ phận hướng dẫn, làm thủ tục xuất nhập cảnh được tăng cường cho các hoạt động kiểm tra, kiểm kiểm soát người và phương tiện qua lại. Ngoài ra, trong 2 năm gần đây, đơn vị đã tổ chức xây dựng cột mốc tại các điểm đã được ký kết và tiếp tục xác định các điểm mốc giới phục vụ cho công tác xây dựng trong thời gian đến.

Giữ màu xanh cho rừng

Sau một ngày làm việc tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, chúng tôi lại tiếp tục di chuyển trên tuyến đường tuần tra, vượt qua những vườn cao su xanh ngát được các doanh nghiệp vừa mới trồng để về đến Đồn Biên phòng Ia Púch (xã Ia Púch, huyện Chư Prông).

Xã Ia Púch hiện có 436 hộ với trên 2.000 khẩu, trong đó người Jrai chiếm trên 85%. Đời sống kinh tế-xã hội của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, song thời gian gần đây một số doanh nghiệp đã vào trồng, khai thác mủ cao su do vậy nhiều lao động là người địa phương được nhận vào làm, ngay bản thân của nhiều hộ tự học trồng cao su để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh những hộ chuyên cần làm ăn, thì vẫn có những người vì muốn nhanh có tiền nên cùng với nhiều thành phần ở nơi khác đến khai thác vận chuyển lâm sản trái phép làm mất an ninh trật tự trên địa bàn. Trước tình hình đó, ngoài lực lượng kiểm lâm chuyên trách, cán bộ, chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Ia Púch thường xuyên tuần tra kiểm soát các phương tiện ra vào khu vực biên giới và phát hiện nhiều vụ vi phạm.

Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2010 đến nay, đồn đã phát hiện xử lý trên 90 vụ, tạm giữ gần 300 m3 gỗ các loại cùng nhiều phương tiện được các đối tượng sử dụng dùng chuyên chở ra khỏi địa bàn. Bên cạnh đó, trong năm 2012, đồn đã phát hiện thu giữ 2 vụ tàng trữ vũ khí trái phép, thu 5 khẩu súng các loại (trong đó 2 khẩu súng quân dụng 1 AR-15, 1 CKC và 12 viên đạn; 3 súng tự chế 0,1 kg thuốc nổ, 44 viên bi chì, 8 cát tút đạn, 56 hạt nổ).

Đồn trưởng Nguyễn Thanh Quảng cho biết: Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, sự quan tâm của chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn, Đảng ủy-Ban Chỉ huy đồn đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ban ngành nắm rõ các diễn biến trên địa bàn góp phần bảo vệ toàn tuyến biên giới, giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được nhân dân tin tưởng, nâng cao ý thức trong bảo vệ biên giới quốc gia xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị.

Nguyễn Giác-Trần Dung

Có thể bạn quan tâm