Bài 2: "Vùng trắng" trong công tác quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cấp huyện trên lĩnh vực hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và hành nghề dược ngoài công lập thời gian qua ít được quan tâm, thậm chí có nơi còn bỏ ngỏ. Qua đợt giám sát của Ban Văn hóa-xã hội (HĐND tỉnh) về việc “thực hiện các quy định của pháp luật về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và hành nghề dược (ngoài công lập) trên địa bàn tỉnh”, nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý đã phơi bày…

Bức tranh toàn cảnh
 

 Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra hoạt động tại nhà thuốc. Ảnh: Đức Phương
Đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh kiểm tra hoạt động tại nhà thuốc. Ảnh: Đức Phương

Theo báo cáo tại buổi làm việc của Đoàn giám sát với lãnh đạo UBND thành phố Pleiku, UBND thành phố Pleiku mới chỉ nắm được trên địa bàn có 141 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập (không tính Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai); chưa điều tra, thống kê cụ thể về số lượng, loại hình và địa chỉ của các cơ sở kinh doanh dược tư nhân. UBND thành phố thẳng thắn nhìn nhận: “Tình hình hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều vấn đề như: vừa khám bệnh vừa bán thuốc, lạm dụng dịch vụ cận lâm sàng mang tính thương mại hóa trong khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề chất lượng, nguồn gốc, giá cả, thông tin quảng cáo về dược phẩm, mỹ phẩm chưa được quản lý chặt chẽ gây dư luận không tốt trong nhân dân, thậm chí gây bức xúc cho một số người dân”.

Tương tự, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và hành nghề dược tư nhân còn nhiều tồn tại, yếu kém ở huyện Đak Đoa. Báo cáo của UBND huyện đánh giá: “Cơ sở vật chất, trang-thiết bị thiếu, vừa khám bệnh, vừa bán thuốc, lạm dụng dịch vụ cận lâm sàng mang tính thương mại hóa trong khám bệnh, chữa bệnh gây tốn kém không cần thiết cho người sử dụng dịch vụ…”. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Chính-Giám đốc Trung tâm y tế huyện cho biết: Nhiều quầy dược bán thuốc không có đơn thuốc. Thậm chí ở Đak Đoa có cô giáo dạy trường THPT vợ của bác sĩ, nhà có quầy thuốc tây cô cũng thường đứng quầy bán thuốc cho người bệnh mà không cần đến chuyên môn?

Khôi hài hơn, ông Phan Xuân Trường-Trưởng ban Văn hóa-xã hội (HĐND tỉnh) cho biết, có trường hợp bà cụ bị gãy tay phải bó bột, vì ngứa quá bà ra phòng mạch ở TP. Pleiku nhờ tháo giúp. Bác sĩ phụ trách phòng mạch đang bận trực ở bệnh viện, vợ của bác sĩ ở nhà không có chuyên môn cũng “hăng hái” cưa tháo bó bột ra cho bà cụ. Về đến nhà bà cụ bị rạn xương, vì chưa đến ngày tháo bó bột, vừa gây nguy hiểm cho cụ vừa tốn thêm chi phí điều trị tiếp.

Chia sẻ với những bức xúc trên, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế, thành viên của Đoàn giám sát thừa nhận: Đã từng có trường hợp người bệnh đến khám ở phòng mạch, khi bác sĩ nhìn thấy người quen thì ra khám còn thấy người lạ thì để vợ ra khám mà không biết là vợ có bằng cấp, chuyên môn y tế gì không?

Chính quyền địa phương lúng túng

Ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến: Hầu hết UBND huyện, thị xã, thành phố không thực hiện quản lý nhà nước trên lĩnh vực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và hành nghề dược (ngoài công lập).

 

Ảnh: Đức Phương
Ảnh: Đức Phương

Minh chứng rõ ràng nhất là UBND TP. Pleiku, nơi có số lượng cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nhiều nhất tỉnh, nhưng theo báo cáo của UBND thành phố thì: “Cho đến nay chưa có một văn bản nào của tỉnh, Sở Y tế quy định, hướng dẫn về thẩm quyền, trách nhiệm của cấp huyện nói chung, TP. Pleiku nói riêng trong công tác quản lý nhà nước đối với việc hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và hành nghề dược (ngoài công lập) nên TP. Pleiku chưa triển khai nhiệm vụ công tác này”-trích Báo cáo số 52/BC-UBND của UBND TP. Pleiku. Điều này cũng dễ hiểu vì sao mà TP. Pleiku nắm không chắc số cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn và cũng chưa một lần tổ chức thanh-kiểm tra hoạt động của các cơ sở này.

Sự lúng túng của chính quyền địa phương cũng được thể hiện qua báo cáo của UBND huyện Đak Đoa “về hoạt động quản lý việc hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và hành nghề dược (ngoài công lập) trên địa bàn chưa được huyện triển khai thực hiện”. Mặc dù, có ý thức hơn TP. Pleiku là huyện Đak Đoa đã có 1 lần ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn huyện, tuy nhiên mọi việc cũng chỉ dừng lại ở trên giấy. “Công tác thanh-kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động này chưa được triển khai thực hiện”-trích Báo cáo số 35/BC-UBND của UBND huyện Đak Đoa.

Còn thị xã An Khê, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan-Phó Trưởng phòng Y tế thị xã cho biết, có thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhưng nhiều cơ sở khi đoàn đến kiểm tra thì chủ cơ sở bất hợp tác, không cung cấp thông tin, hồ sơ giấy tờ của cơ sở cho đoàn kiểm tra. “Nhiều cơ sở họ đổ lỗi cho Sở Y tế cấp phép chậm, họ đã nộp hồ sơ xin cấp phép về Sở, nhưng khi đoàn yêu cầu cho xem giấy hẹn trả kết quả của Sở thì họ không có”-bà Lan nói.

Sự buông lỏng quản lý của các chính quyền cấp huyện có nguyên nhân do các Phòng Y tế-cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có chức năng tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn không hoàn thành nhiệm vụ. Theo bà Trần Ngọc Chi-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thành viên đoàn giám sát, đánh giá, các Phòng Y tế đang rơi vào tình trạng “4 không”: không quân, không quyền, không tiền và không quản lý. Lực lượng mỏng, chuyên môn không đáp ứng yêu cầu, kinh phí không có, quyền hạn không rõ ràng thì khó hoàn thành nhiệm vụ. Đa số Phòng Y tế trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 3 biên chế (1 trưởng phòng thường xuyên phải đi họp, 1 phó phòng thì kiêm nhiệm công tác điều trị bên bệnh viện, và 1 chuyên viên)…

Theo nhận định của ông Dương Văn Tuấn-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh), Trưởng đoàn giám sát, công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân còn nhiều bất cập và lúng túng nhất là đối với cấp huyện. Phòng Y tế ở nhiều huyện, thị xã, thành phố chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ của mình hoặc né tránh, không muốn va chạm, chậm cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan, nên công tác tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố chưa tích cực, thiếu kiên quyết dẫn đến còn nhiều cơ sở hành nghề y, dược tư nhân vi phạm mà không được kiểm tra, uốn nắn, nhắc nhở và xử phạt theo đúng thẩm quyền. Cho đến thời điểm giám sát, số huyện có thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đi kiểm tra chỉ đếm trên đầu ngón tay (huyện Chư Sê, Ia Pa, Đức Cơ, Chư Pah và huyện Phú Thiện). Công tác giám sát hậu thanh-kiểm tra còn bị bỏ ngỏ.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm