(GLO)- Không hào nhoáng đèn màu đô thị, không tấp nập bán buôn nhộn nhịp, vùng đất khiêm nhường phía hạ Lào này vẫn luôn hấp dẫn khách du lịch khắp nơi khi hiện hữu một Wat Phou trầm tịch với tấm áo choàng nâu như một nốt lặng đầy gợi mở trong bản giao hưởng nhuốm rêu thời gian ngàn năm.
Thấm tình quê hương
Chúng tôi dậy sớm để đến Wat Phou nhưng khi hỏi thì biết không có chuyến xe nào đi thẳng lên đền. Giá thuê xe đi và về là 700.000 kip (khoảng 2 triệu đồng) cho 45 km, tính tới tính lui, thấy khá đắt cho túi tiền của mình. Đánh liều bắt xe, may mắn chúng tôi gặp anh chị Thương chuẩn bị đi chở hàng, tiện đường nên cho chúng tôi đi nhờ.
Đền Wat Phou. Ảnh: L.V.T |
Quê anh chị ở Hà Tĩnh, một vùng đất khô cằn, kiếm miếng ăn cũng khó. Chồng chị Thương đã đánh liều qua Lào buôn bán, đầu tiên là buôn bán nhỏ sau đó mở rộng kinh doanh. Khi việc kinh doanh ổn định, anh đưa cả gia đình sang đây. Hai đứa con chị Thương chỉ nói lơ lớ tiếng Việt. Nghe chúng tôi kể về Việt Nam, khuôn mặt hai vợ chồng trông ưu tư hơn. Rồi hỏi rất nhiều về sự thay đổi của Việt Nam. Chị bảo chỉ về Việt Nam lấy hàng rồi qua lại Lào chứ chẳng đi được đâu, muốn đưa mấy đứa nhỏ về Việt Nam cho biết quê hương mà cũng không có dịp. Hành trình khoảng 45 km từ Pakse chạy men theo dòng Mekong về phía Nam kết thúc nhanh chóng qua những cuộc trò chuyện. Chúng tôi cảm ơn và chào tạm biệt gia đình chị Thương để tiếp tục chuyến đi của mình.
Gạch nối tôn giáo hài hòa
Vượt 45 km từ Pakse rồi theo phà qua sông Mekong, đi thêm 5 km bằng tuk tuk nữa, chúng tôi đã đến được di sản văn hóa thế giới thứ hai của Lào được Unessco công nhận năm 2001-Wat Phou.
Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Đây là quần thể đền đài bằng đá kỳ vĩ, là một công trình sớm nhất lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào. Lối kiến trúc này được xem là rất gần gũi với Angkor Wat (Campuchia) đến mức nhiều nhà khảo cổ học cho rằng, đã từng tồn tại một con đường nối Wat Phou với kinh đô Angkor Wat và thánh địa Mỹ Sơn của Việt Nam. Đến thế kỷ XIII, Wat Phou trở thành đền thờ Phật và tồn tại cho đến ngày nay.
Đến Wat Phou, chúng tôi mê đắm những điêu khắc tinh xảo được chạm khắc công phu, chiêm ngưỡng được vẻ đẹp độc đáo của sự giao hòa giữa các nguồn mạch tôn giáo và văn hóa, khi mà chánh điện Phật nằm trong đền thờ Hindu, tượng Phật nằm bên cạnh tượng thần Shiva, tinh thần phồn thực của Linga và Yoni tương tác với trang nghiêm thanh tịnh giới dục của tinh thần Phật giáo.
Triện son trên trang sử mở đầu
Bảo tàng Wat Phou đón chúng tôi ngay cửa vào với hàng trăm cổ vật từ những điện thờ. Những cổ vật này có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ XI, được gom nhặt lại sau khi bị bong tróc rơi rớt bởi chiến tranh và thiên tai.
Hai hàng trụ Linga thẳng tắp chạy dọc hai bên đường đi như những người lính gác nghiêm nghị. Chúng tôi ngẩn ngơ nhìn cổng chính và mặt trước của đền nhiều phần đã bị bào mòn khi tắm gội trầm trải mưa nắng thời gian. Bên hông đền có chỗ hư hỏng nặng đang phải dùng giàn giáo để đỡ. Cuối con đường đá rộng có hai quần thể đã xuống cấp đối xứng nhau, đang được trùng tu. Có người nói rằng đó là những ngôi nhà xưa dùng làm chỗ trú ngụ cho khách hành hương phương xa.
Toàn cảnh Wat Phou. Ảnh: L.V.T |
Trời nắng, chúng tôi khá chật vật để leo lên bảy mươi bảy bậc đá liếng lóa bóng nắng rọi qua những tán cây để vào đền chính-Đền chính là một tượng Phật lớn với các hương án trang nghiêm phía trước, nơi đây người dân và du khách đến viếng thường xin các lá xăm cầu phước. Ngoài ra còn thờ một chiếc Linga được tắm mình trong dòng nước thiêng được dẫn từ trên núi cao xuống. Nhìn những bức tượng đá, cột đá, phù điêu, họa tiết trang trí đẹp tuyệt vời tạo ra từ đôi bàn tay của những người thợ tài hoa cách đây hàng thiên niên kỷ, chúng tôi không khỏi thán phục kỳ công con người. Những chạm khắc và kiến trúc này khá giống với Angkor Wat.
Từ cách khắc trổ hàng vạn hoa văn tinh xảo, hàng trăm tượng Phật, thần linh rồi ghép tất cả lại với nhau trong một khối chung hùng vĩ. Bên ngoài còn có đền thờ thần rắn, các tượng Phật, các tác phẩm chạm khắc hình cá sấu, hình voi trên những vách núi dựng đứng. Tất cả hài hòa vững chãi trên vùng núi thẳm, đòi hỏi biết bao nhân lực, tài lực, trí tuệ và lòng kính ngưỡng tâm linh thâm sâu trong khát vọng bình yên thiêng liêng nơi tâm hồn con người. Vượt qua sự tàn nhẫn của vòng quay con tạo, hưng phế triều đại, Wat Phou vẫn mặc nhiên uy nghiêm như một ấn triện son chói lọi đóng dấu lên trang sử của vùng đất nhiều thăng trầm này.
Lê Vi Thủy
* Có sử dụng một số số liệu và ghi chép của Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở).