Bài 3: Giải pháp nào cho vấn nạn “rác trời”?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Muốn xây dựng đô thị Pleiku sạch đẹp, văn minh, xứng tầm một đô thị loại II nhất thiết phải có những biện pháp tích cực hơn nữa trong việc chấn chỉnh lại tình trạng “rác trời” đang ngày càng làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Ông Nay Kỳ Hiệp- Phó Giám đốc kiêm Chánh thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Gia lai liệt kê một số kiểu quảng cáo “trời ơi”, không dễ xử lý dù biết rõ mười mươi là vi phạm.

 

Ảnh: Lê Hòa

Thứ nhất, phải kể đến quảng cáo của sơn Alex. Đây là loại quảng cáo mà “dân” thanh tra văn hóa gọi vui là “từ trên trời rơi xuống”: Không đăng ký cấp phép quảng cáo nhưng xuất hiện nhan nhản trên các tuyến phố chính của TP Pleiku và các huyện, thị trong tỉnh. “Chúng tôi làm đủ mọi cách để liên lạc với đơn vị này để có biện pháp xử lý nhưng họ ở tận Hà Nội, thậm chí không thèm hợp tác, gọi điện không bắt máy, gửi công văn đi không phản hồi, rất khó cho ngành chức năng”- Ông Hiệp chia sẻ. Đây có thể nói là cách làm quảng cáo theo kiểu Chí Phèo, “đem con bỏ chợ”, rất coi thường quy định của Nhà nước về pháp lệnh quảng cáo.

Không hiếm các đơn vị quảng cáo có trụ sở tại các địa phương khác khi thực hiện việc quảng cáo tại Gia Lai không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, việc xử lý các trường hợp vi phạm này cũng rất khó khăn do ở quá xa, khi bị can thiệp xử lý, các đơn vị thường chây ì, thậm chí đánh bài “bỏ của chạy lấy người”.

Góp mặt vào sự nhốn nháo này, nhiều lúc, nhiều nơi, người kinh doanh còn thực hiện quảng cáo theo kiểu chộp giựt. “Có khi nghe thông tin báo cáo lên ở chỗ nọ có treo biển quảng cáo sai quy định, thanh tra Sở đến thì đã… sạch dấu vết! Hóa ra, người dân canh chừng khoảng thời gian ngoài giờ hành chính để hoạt động. Cứ mờ sáng họ đem treo, sát 7 giờ sáng ra gỡ về. Trưa lại treo, đến giờ hành chính lại đi gỡ, chiều đến tối cũng cứ như vậy”- Ông Nay Kỳ Hiệp, kể.

Riêng khoan cắt bê tông, hút hầm cầu, cần tuyển nhân viên hay trường hợp đứng phát tờ rơi ở các chốt đèn xanh, đèn đỏ thì có đến… 1001 lý do để họ quanh co, chối tội. “Nếu có bắt được đối tượng thì họ cứ đổ vấy cho ai đó thuê làm mà họ không biết, nếu có gọi kiểm tra theo số điện thoại thì chẳng dại gì họ bắt máy vì họ cực tinh mỗi khi có “động”. Chưa kể đến, nhiều đơn vị có đến Sở đăng ký cấp phép treo quảng cáo, nhưng làm thủ tục cấp phép họ chỉ đăng ký quảng cáo một lượng nhỏ để giảm tiền nộp thuế, sau đó đem treo một lượng quảng cáo lớn hơn rất nhiều. Đây là “chiêu” khá phổ biến của các đơn vị quảng cáo.

Ông Nay Kỳ Hiệp cũng thẳng thắn thừa nhận, đó là những điểm cần phải khắc phục, không nên để tồn tại nhưng do lực lượng quá mỏng, điều kiện hỗ trợ làm việc còn nhiều hạn chế thì thực tế lôm côm trên là điều không dễ khắc phục(?).

Không thể phủ nhận, quảng cáo là một trong những hoạt động không thể thiếu của việc kinh doanh. Thời buổi kinh tế thị trường, quảng cáo tồn tại như một nhu cầu tất yếu, phản ánh sự phát triển sinh động của kinh tế- xã hội địa phương. Vậy nhưng, quá lạm dụng quảng cáo, đẩy quảng cáo từ mục đích quảng bá, giới thiệu và vì lợi ích của một số ít người đến mức làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sống chung của cả cộng đồng là sự đánh đổi không cần thiết, rất cần có sự vào cuộc can thiệp kịp thời của ngành chức năng.

 

Để xử lý tình trạng “quảng cáo rác”, Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai vừa có văn bản số 106/STTTT-BCVT về việc “Rà soát, thống kê số điện thoại quảng cáo, rao vặt trái phép trên địa bàn” gửi UBND các huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh đề nghị rà soát, thu thập, tổng hợp các số điện thoại quảng cáo, rao vặt trái phép. Việc này phải được hoàn thành trước 10-4-2012. Dựa trên số liệu thu thập được, Sở sẽ đó sẽ đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông liên hệ với chủ thuê bao trên phải tháo gỡ tại những nơi đã dán, nếu không sẽ “cắt” liên lạc của số máy đó. Đây là động thái cho thấy, ngành chức năng bắt đầu “mạnh tay” với “quảng cáo rác”.

Nguyên nhân sâu xa của vấn nạn quảng cáo tùy tiện, bừa bãi, coi thường pháp luật một phần chính là do pháp luật về quảng cáo của chúng ta chưa thật sự chặt chẽ, nghiêm khắc. Chưa kể đến, một số lĩnh vực còn bị… “bỏ quên”, ví như việc thả nổi quy định về kích cỡ, số lượng… của biển hiệu quảng cáo. Những khoảng trống trong công tác quản lý đã tạo điều kiện cho người dân bằng cách này hay cách khác tìm mọi cách “lách luật". Trong khi đó, lực lượng chức năng, xét trên khía cạnh nào đó vẫn chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý. Vậy nên mới có những trường hợp vi phạm tồn tại hàng năm trời, thậm chí là phải chịu “bó tay” trước vi phạm của đơn vị quảng cáo như trường hợp “quảng cáo rác”, quảng cáo “từ trên trời rơi xuống” của sơn Alex… và hậu quả là thành phố bị bôi bẩn bởi thứ sản phẩm của cuộc sống hiện đại mang tên quảng cáo.

Rõ ràng, để Pleiku thực sự trở thành một đô thị sạch đẹp, văn minh, xứng tầm là trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên rất cần sự chung tay, góp sức từ nhiều phía, nhiều lĩnh vực. Trong đó, loại bỏ tệ “rác trời”, đưa quảng cáo vào một khuôn khổ hoạt động thật sự khoa học, đảm bảo hài hòa giữ lợi ích kinh tế với yếu tố thẩm mỹ đô thị, loại bỏ dần kiểu quảng cáo theo kiểu mạnh ai nấy sống thì Pleiku mới sạch, đẹp và văn minh. Muốn làm được điều đó, rất cần những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn đối với vấn đề này. Song song với đó phải là sự vào cuộc quyết liệt hơn của ngành chức năng cùng với ý thức của người dân tham gia hoạt động kinh doanh.

Lê Hòa
 

Có thể bạn quan tâm