Phóng sự - Ký sự

Bài 3: Mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vài năm trở lại đây, công tác thanh- kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm liên tục được tiến hành. Trong đó, Trung tâm Thương mại (TTTM) Pleiku (Gia Lai) là một trong những điểm được thanh- kiểm tra thường xuyên. Bởi lẽ, đây là nơi tập trung, phân phối đa dạng các loại hàng hóa, thực phẩm cho cả tỉnh.
Đáng chú ý là mỗi lần đoàn kiểm tra đều phát hiện không ít cơ sở kinh doanh sai quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng, chứa chất gây hại đến sức khỏe con người. Phần lớn hộ kinh doanh vẫn không chấp hành tốt vấn đề đảm bảo vệ sinh thực phẩm dù cơ quan chức năng đã dày công tuyên truyền, kiểm tra xử phạt.
Cảnh nhếc nhách và mất vệ sinh vẫn chưa khắc phục được. Ảnh: N.H
Cảnh nhếch nhách và mất vệ sinh vẫn chưa khắc phục được. Ảnh: N.H
Theo quan sát của chúng tôi trong những ngày gần đây, tại các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống và chế biến sẵn, nhiều hộ vẫn không mấy mặn mà với việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm, phớt lờ lời cảnh báo của cơ quan chức năng. Khu vực này lại gần nhà vệ sinh xập xệ, mùi xú uế nồng nặc, nhất là mỗi khi trời nắng. Hàng ngày tại đây vẫn luôn có người bày bán các loại cá, thịt. Một chủ hàng hỏi ngược lại người viết bài: “Chợ thì chật, còn cá, mực sống người ta mua về phải rửa và nấu chín nên có làm sao đâu. Từ trước đến nay, tôi bán vẫn được hàng và cũng có ai nói gì đâu?”.
Cách khu vực trên không xa, có gần cả chục tiểu thương kinh doanh giết mổ gia cầm cạnh khu nhà vệ sinh cũng chẳng mấy quan tâm đến việc gia cầm có được kiểm dịch hay chưa mà chỉ thực hiện theo nhu cầu của khách. Chị Chín- một người buôn bán tại đây nói: “Gà vịt của bạn hàng từ Bình Định lên là chúng tôi nhận và lại bán cho khách hàng chẳng biết kiểm dịch, phun thuốc gì cả”.
Chị Phan Thị Bích Thảo (tổ 5, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) thường xuyên mua sắm tại TTTM, cho biết: “Dẫu biết là không đảm bảo vệ sinh nhưng vì gần nhà và giá cả cũng rẻ hơn ở một số siêu thị nên tôi chọn mua”.
Bà Nguyễn Thị Linh Chi- Trưởng trạm Thú y thành phố, cho biết: Anh em vẫn đi làm đều, thịt gia súc luôn có cán bộ kiểm tra giết mổ để lăn dấu hàng ngày. Riêng gia cầm đã giao cho Ban Quản lý TTTM thực hiện, nhưng cũng không triệt để. Vì sau khi nhắc nhở, dọn dẹp thì mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Trước tình trạng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra hàng ngày tại TTTM, ông Trần Văn Tư- Trưởng ban Quản lý TTTM, cho rằng: Phương án thiết kế xây dựng thì nơi đây chỉ đủ để 612 hộ kinh doanh và được phân thành các khu vực riêng biệt. Tuy nhiên, theo nhu cầu phát triển của xã hội, đã nảy sinh thêm gần 400 hộ dân kinh doanh lộ thiên, do vậy nhiều vấn đề không đảm bảo và gây ra cảnh nhếch nhác. Dù hàng ngày vẫn có đội vệ sinh môi trường của thành phố quét dọn, thu gom rác và phun nước tẩy sạch các hành lang và lối đi lại vào mỗi đêm nhưng cảnh nhếch nhác và mất vệ sinh vẫn chưa khắc phục được.
Cũng theo ông Tư: Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, TTTM đã kiến nghị với UBND thành phố Pleiku xây dựng lại TTTM và cả khi lãnh đạo UBND tỉnh đến làm việc kiểm tra, những người có trách nhiệm cũng đã nêu lên về vấn đề này.
Nguyễn Huy
Theo giải thích từ ngữ về Quyết định ban hành Quy chế Siêu thị, Trung tâm Thương mại của Bộ Thương mại (năm 2004), nêu rõ: “Trung tâm Thương mại là loại hình tổ chức kinh doanh thương mại hiện đại, đa chức năng, bao gồm tổ hợp các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ; hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê… được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh thương nhân và thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ của khách hàng”.

Có thể bạn quan tâm