(GLO)- Rừng Tây Nguyên bị xâm hại dẫn đến hàng loạt nguy cơ, hậu quả khiến các cấp, các ngành, các địa phương, từng người dân không thể thờ ơ, bàng quan thêm được nữa. Và trong những nguyên nhân mất rừng, chúng ta không thể không đề cập đến tập quán, thói quen, tâm lý sử dụng gỗ rừng tự nhiên phổ biến trong xã hội hiện nay.
Thói quen sử dụng gỗ rừng tự nhiên
Bởi nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đồi núi chiếm phần lớn diện tích và rừng tự nhiên đa dạng, phong phú, giàu có nên gỗ được người Việt Nam từ bao đời sử dụng, khai thác để phục vụ cuộc sống. Rừng, đất rừng là tiềm năng lớn nhất của Việt Nam, không dễ gì có được và không thể đánh đổi. Nhưng cũng từ tài nguyên sẵn có đó đã hình thành tâm lý: làm gì cũng nghĩ đến gỗ trước tiên. Đề cập đến tâm lý mà cũng là thói quen sử dụng gỗ trong cuộc sống, ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho rằng, đây là tâm lý ăn sâu bám rễ vào đời sống mỗi người Việt Nam, nhất là những nơi có rừng, nhiều rừng, hoạt động khai thác và chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ sôi động. Một số cán bộ kiểm lâm đúc kết: không dưới 30% đồ gỗ gia dụng có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên. Và có không ít tổ chức, cá nhân nhân danh này nọ xin xỏ, năn nỉ hoặc gây áp lực để chiếm đoạt gỗ rừng tự nhiên bằng nhiều cách khác nhau.
Thú chơi đồ gỗ được nhiều người coi là cách để thể hiện đẳng cấp. Ảnh: Đ.T |
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước khi phản bác xây dựng các công trình trụ sở ngàn tỷ đã cho rằng nhiều trụ sở chính quyền to như cung điện! Tất nhiên, nội thất của những công trình này làm sao có thể thiếu gỗ quý nguồn gốc từ rừng hay đá hoa cương giá trị và sang trọng. Đó là một sự thật hiển nhiên. Cũng chính ông Ksor Phước khi còn đương chức, trong một số cuộc tiếp xúc cử tri, đã thẳng thắn và quyết liệt chỉ ra rằng, nhiều diện tích rừng tự nhiên mất đi có nguyên nhân từ việc vận dụng chính sách phát triển và chuyển đổi rừng ồ ạt, có sự trục lợi của tổ chức, cá nhân. Và ông cũng chua chát lẫn hài hước khi nói một địa phương, một tổ chức nào đó đã hoàn thành nghĩa vụ phá rừng!
Ở một phương diện khác, Gia Lai có tới 46% dân số là người dân tộc thiểu số. Và với trình độ hiện tại, họ phụ thuộc rất nhiều vào rừng từ săn bắt, chăn thả gia súc đến sản xuất, sinh hoạt. Rất khó tách rừng ra khỏi đời sống của họ. Đây cũng là điều mà nhiều nhà khoa học tâm huyết từng nhiều lần khuyến cáo, cảnh tỉnh chính quyền các tỉnh Tây Nguyên phải ưu tiên bảo vệ rừng, duy trì cộng đồng làng buôn gắn bó chặt chẽ với rừng, đi đôi với chính sách khai thác và bảo vệ rừng một cách bền vững. Bởi nếu không làm tốt công tác này, rừng còn bị xâm hại tàn khốc.
Tâm lý trọc phú, khoe khoang
Do gỗ rừng tự nhiên được sử dụng phổ biến, rất có giá trị nên hoạt động khai thác, chế biến gỗ, sản xuất các sản phẩm đồ gỗ có một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng. Những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, nhận thấy tài nguyên rừng giàu có, chính sách thông thoáng nên nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất kinh doanh vào ngành gỗ và giàu lên nhanh chóng, trở thành những đại gia, tên tuổi nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Khi gỗ rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm, nhất là từ mấy năm qua, chủ trương đóng cửa rừng có hiệu lực, gỗ rừng tự nhiên càng trở nên có giá. Có cung ắt có cầu. Dù đã thu hẹp nhưng thị trường đồ gỗ gia dụng hiện đã phân khúc cao cấp hơn trước đây rất nhiều. Thông tin về những gốc sưa, những bộ phản, bàn ghế, sập gụ bằng gỗ quý xuất hiện không hiếm trên truyền thông và không ít người sẵn sàng bỏ ra cả trăm tỷ đồng để sở hữu nó. Nếu như trước đây gỗ rừng tự nhiên chủ yếu sử dụng cho mục đích xây dựng và đồ gia dụng nói chung thì nay nó đã trở thành thứ tài sản quý hiếm, giá trị, dùng để trang trí cuộc sống và thể hiện đẳng cấp của nhiều gia chủ. Thú chơi gỗ và đồ gỗ vì vậy vô hình trung đã tiếp tay cho hành vi phá rừng.
Những món đồ độc đó lấy từ đâu ra? Chắc là số hợp pháp không nhiều. Vậy mà nó vẫn xuất hiện ở khắp nơi. Cây rừng vẫn bị đào gốc, trốc rễ về làm cây cảnh, cùng với chim muông cầm thú ráo riết bị săn lùng và cầm tù. “Khỉ kêu vượn hú trong vườn đại gia”-một bài báo thống thiết phản ánh như thế. UBND tỉnh từng có chỉ thị cấm đào bới cây sống cũng như cây chết-như cây trắc thối. Nói chung là hành vi xâm hại đến rừng, phá vỡ môi sinh đều bị cấm tiệt. Vậy mà vẫn còn đấy những cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ, chế biến đồ gỗ, tạo tác tượng gỗ. Xe chở gỗ nhập về các cơ sở này vẫn đầy, công khai cả ban ngày. Tiếng máy cưa, máy bào xé rách màng nhĩ hàng xóm. Nhiều khách hàng “xộp” quen mặt quen tên từ chỗ chơi tiến đến lợi dụng kinh doanh kiếm lời, vào ra các cơ sở này như cơm bữa mà chẳng thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra.
Trong khi các nước văn minh đề cao văn hóa tiêu dùng, cho rằng tiết kiệm, tiết giảm mua sắm chi tiêu là tiêu chí của một xã hội hiện đại thì ở xứ ta, nhiều kẻ hãnh tiến, lắm tiền lấy văn minh vật chất ra để thể hiện đẳng cấp. Cũng ở các nước văn minh, người dân kiên quyết nói không với hàng hóa, sản phẩm bóc lột mồ hôi, công sức lao động, xâm hại tài nguyên môi trường, thì ở ta nhiều kẻ chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu ích kỷ riêng mình. Có gì đáng chơi, có gì sang trọng, đẳng cấp khi mà hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, bão tố bày ra mỗi ngày, tàn hại con người càng lúc càng gớm ghê, khốc liệt.
Nhóm P.V kinh tế