Đoạn quốc lộ 1A từ Bạc Liêu đi Cà Mau dài khoảng 70 cây số nhưng tôi đếm có trên 10 cây cầu đang thi công dở dang. Chỉ vài năm nữa thì dự án nâng cấp quốc lộ 1A sẽ hoàn chỉnh, con đường thiên lý Bắc Nam sẽ thông suốt từ Hữu nghị quan đến bán đảo Cà Mau. Ngay cả đoạn đường 60 cây số từ TP. Cà Mau đi huyện Năm Căn hướng ra Đất Mũi cũng đã được nâng cấp.
Chúng tôi dừng ô tô tại trung tâm huyện Năm Căn để xuống ca nô ra Đất Mũi. Bên kia sông đã là huyện Ngọc Hiển. Thị trấn Năm Căn bây giờ đã trở nên nhộn nhịp hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều gia đình đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm ca nô phục vụ khách tham quan Đất Mũi. Mặc dù đã kịp mặc vào người chiếc áo phao song nhìn ra con sông Cái đầy ắp nước tôi vẫn có cảm giác sờ sợ. Chưa kịp định tâm, chiếc ca nô của cơ sở du lịch Quốc Kiệt đã rú ga nhấc bổng bốn người chúng tôi vút ra giữa dòng sông Cái. Hoang mang, thích thú, tốc độ… tất cả như đẩy chúng tôi vào trạng thái không trọng lượng.
Ảnh: Duy Lê |
Phải mất gần một giờ đồng hồ với vận tốc trung bình 45 km/giờ, chúng tôi mới đặt chân lên mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Không còn là một mũi đất hoang sơ trước đây, đất Mũi bây giờ đã hiện diện nhiều công trình có ý nghĩa như: Vọng hải đài, Mốc tọa độ quốc gia, mũi thuyền, cầu làng rừng, nhà hàng, ki ốt… Đứng ở Vọng hải đài cao 21 mét nhìn về mỏm đất tận cùng, trong tôi bỗng trỗi dậy hai câu thơ của Xuân Diệu:
Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau.
Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau.
Dường như tất cả thành viên trong đoàn chúng tôi đều cảm nhận được sự nở ra của từng thớ đất, cái vươn vai của mắm, của đước trong hành trình lấn biển. Chả thế mà người dân Đất Mũi thường có câu “Cây mắm đi trước, cây đước theo sau”, mỗi năm đất Mũi choài ra biển 80-100 mét. Dõi theo hành trình lấn biển của phù sa, con người có mặt nơi đầu sóng ngọn gió này từ rất sớm, để bây giờ hình thành một cộng đồng xóm Mũi với trên 30 nóc nhà. Trong ký ức của người dân xóm Mũi vẫn còn đọng lại hình ảnh của bác Ba Nhớ- người lập nên xóm này cách đây hơn 30 năm. Thế hệ ông giờ đã về với lặng thầm sông nước, bây giờ là thế hệ của Võ Văn Mận- cậu bé gác đăng cá kèo- có cái nhìn trong veo mà chúng tôi vô tình gặp được nơi xóm Mũi. Mận nói với tôi: Mỗi ngày chiếc đăng của cậu đem về khoảng 50 ngàn đồng tiền bán cá kèo giống. Muốn học lắm nhưng vì ở xa trường (trung tâm xã Đất Mũi) nên phải nghỉ và làm ngư dân đất Mũi thôi…
Ảnh: Văn Phú |
Bữa trưa ở vùng đất mới này cũng đặc biệt so với “nội địa”. Chỉ có cá nâu kho tộ, cá dứa nấu mẻ mà ngon đến lạ. Có lẽ nó ngon bởi đã nhuốm cái mặn mòi biển cả và thao thiết lòng người.
Ngày hôm ấy chúng tôi là những người cuối cùng chia tay Đất Mũi trước khi mặt trời trôi dần về phía hoàng hôn. Cả đất Mũi như ánh lên thứ ánh sáng diệu kỳ của phù sa ngàn đời bồi đắp nên mũi thuyền Tổ quốc.
Duy Danh