Phóng sự - Ký sự

Bài 4: Tôi về nơi ấy, Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
.

(GLO)- Nói Măng Đen là “xứ ngàn thông” cũng đúng lắm. Người nơi đây tự hào bảo rằng quê hương của họ giờ là “Đà Lạt hai” cũng chẳng sai tý nào. Đến Măng Đen (Kon Plông-Kon Tum) vào những ngày này, những ngày đầu tháng Ba Tây Nguyên lịch sử, du khách có thể tự mình khám phá bao điều chung quanh xứ “Đà Lạt hai” này…

Lên xứ ngàn thông- Dĩ vãng “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen…”

Mấy cái món “đặc sản” này của Măng Đen đã có thời làm nản lòng những cán bộ, nhân viên được phân công đi công tác và về làm việc ở Kon Plông những năm đầu thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước khi mà nó còn chung tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Lưu trú lại nơi ấy trong một chuyến công tác đâu chừng 10 ngày, tôi đã kịp “làm” một ghi chép nhỏ để nói về sự khắc nghiệt của vùng đất nắng, gió và bọ… này. Còn nhớ cái thời mà thịnh hành của sự “đem rừng về biển”, ở đâu mà thật nhiều những doanh nghiệp đủ loại to nhỏ, lớn bé, cứ ùn ùn xe máy kéo đến khắp rừng Gia Lai-Kon Tum, trong đó có Kon Plông-Măng Đen.

Biệt thự Măng Đen. Ảnh: Bích Hà
Biệt thự Măng Đen. Ảnh: Bích Hà

Đó là một trong những nơi có những “miếng mồi” ngon nhất. Ở đây còn có cả một “Xí nghiệp Nông-Lâm nghiệp Kon Plông”. Nói là “nông-lâm” nhưng nhiệm vụ chủ yếu gần như chỉ lo việc khai thác và vận chuyển gỗ. Bạt ngàn những cánh rừng già, rừng nguyên sinh với không biết bao loại động thực vật quý hiếm nơi đây, dần dần biến mất.

Chẳng biết thế nào mà rừng càng lùi sâu lên núi thì các món “đặc sản” càng “lộng hành” có thể nói là quanh năm. Gió ngày đêm gào thét, cuốn tung bụi mịt mù rồi ập xuống bất cứ nơi nào có thể. Những căn nhà tạm bợ của một số cơ quan huyện và mấy cái lán của “ban quản lý” các lâm trường, xí nghiệp được bố trí dọc theo hai bên con đường hẹp không đủ sức chống chọi với gió. Nhiều đêm tôi và mọi người thức trắng với những cuộc rượu triền miên quanh những đống lửa được đốt bởi củi rừng vừa cho đỡ lạnh lại tránh được ruồi vàng, bọ chó…

Mấy lần theo chân Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ-chú Ksor Krơn xuống một số làng mà thời kháng chiến chống Mỹ chú đã được bà con cưu mang, chăm sóc. Cái nghĩa cái tình giữa dân với Đảng mà tôi chứng kiến từ những lần về làng này của Bí thư thật là ý nghĩa. Hồi ấy, tính ra sau ngày giải phóng cũng đã ngót 15 năm, nhưng vùng sâu, vùng xa đồng bào còn rất khổ, đôi làng còn đói giáp hạt, còn thiếu cả muối ăn, thuốc chữa bệnh, và nhất là mù chữ… thế mà nói chuyện với Bí thư Tỉnh ủy cứ như chỉ là một lời trách khéo, nhẹ tênh thôi, chẳng giận, chẳng kêu ca phàn nàn chi cả. Khai hoang, xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi, định canh định cư… là những chủ trương nói đến nhiều trong thời ấy, nhưng thực tế vô cùng khó khăn.

Từ chỗ bà con chỉ biết canh tác theo kiểu nương rẫy bao đời và làng tất nhiên cũng… theo từng mùa rẫy mà di chuyển. Bảo định cư nhưng chẳng có ruộng vườn thì làm sao định canh. Những cái khó ấy cứ bó lấy cái khôn. Đôi lần tôi chứng kiến Bí thư cùng các già làng trắng đêm với những câu chuyện làm gì để bà con vùng căn cứ xưa của cách mạng vượt qua đói, đau, mù chữ. Thế mà, ngoài kia, rừng mỗi ngày mỗi bị thu hẹp, bao thứ quý của rừng cứ ùn ùn theo những đoàn xe tải về xuôi, ngẫm mà đau…

Trở lại xứ ngàn thông

Thông Măng Đen. Ảnh: Bích Hà
Thông Măng Đen. Ảnh: Bích Hà

Trong “làn sóng” của công cuộc “chinh phục” rừng như đã nói ở trên hồi ấy, tôi chú ý đến một cô gái trẻ. Tốt nghiệp đại học lại chẳng ở những nơi thị thành đô hội mà theo chân những người “phá rừng” lên núi chung nỗi khổ của… ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen. Cô kế toán Lưu Thị Nga ấy sau mấy mươi năm lăn lộn với thương trường giờ đã là chủ một doanh nghiệp có tiếng khắp từ TP. Hồ Chí Minh đến Gia Lai và Kon Tum.

Nói về Măng Đen, cô kế toán ngày xưa cứ như nói chuyện về nhà mình. Biết ở đấy chính quyền địa phương có những chủ trương chính sách mở cửa kêu gọi người có tiền đem vào đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ là gì, đã vậy Nga còn kêu gọi cả bạn bè mình từ xa về với Măng Đen. Khác với Nga, dự định đem đến với Măng Đen bằng tiền bằng của, Ngọc Tường lại đem đến cho Măng Đen một bản tình ca mà bạn bè chúng tôi thường bảo nó là… “huyện ca” nhưng có tầm lan tỏa và đã qua thời gian khẳng định nó thật sự không chỉ là “huyện ca” theo nghĩa nào đó của những người ngoài cuộc, mà nó như là người đưa lối dẫn đường cho bao người về với Măng Đen: Anh lên với Măng Đen/nơi lắm mưa nhiều gió/mang theo nắng đồng bằng… Và rồi sẽ là… Anh trả lời em anh ở lại Măng Đen/anh chẳng về đâu… anh ở lại cùng em! Thế đấy, Ngọc Tường đã nói thay lời cho biết bao chàng trai cô gái khi giờ đây đã có lần đến với Măng Đen, chẳng phải như xưa, khi nghe nói đến xứ của ruồi vàng, bọ chó là bao người tỏ ra ái ngại.

Có thể nói từng bước Măng Đen đã hồi sinh, bạt ngàn những đồi thông, xen với đó đã có những căn biệt thự xây dựng theo một quy ước bài bản, một tương lai gần sẽ là một thành phố trong rừng theo đúng nghĩa của cụm từ ấy.

Quanh vùng, những làng xưa tôi đến giờ nghe Phó Bí thư Huyện ủy A Dăm bảo “bà con cũng đã khá hơn rồi, không còn đói giáp hạt”. Bệnh tật, mù chữ là những “căn bệnh” xưa giờ đã thuộc về những câu chuyện buồn của quá khứ. Vùng đất lạnh này bây giờ đâm ra hữu ích vô cùng, nhiều người đã thử nghiệm nuôi trồng những loài động thực vật xuất xứ từ Âu, Mỹ và họ đã thành công. Rừng được hồi sinh đồng nghĩa với nhiều loài động vật cũng được hồi sinh. Theo một số người, rừng Kon Plông giờ đã thấy xuất hiện lại khá nhiều những loài thú quý như nai, hoẵng, beo, gấu… Mừng thay!


Cùng dự một cuộc gặp mặt mới đây giữa doanh nghiệp với chính quyền và cấp ủy Kon Plông, tôi thật sự tự hào về một đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện mới ở tầm của thời 7X, 8X, mà đại diện là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Tuy-tại diễn đàn này họ đối thoại một cách thoải mái và trả lời những câu hỏi khó của các nhà doanh nghiệp một cách như… những chuyện làm ăn ấy đã sắp sẵn nằm lòng. Con đường 24 nối giữa Kon Tum và Quảng Ngãi cho dù đang khó khăn về vốn nhưng dọc tuyến từ Măng Đen về TP. Kon Tum đang gấp rút thi công, nhiều đoạn đã hoàn thành; cây cầu lớn như Kon Rẫy cũng đã sắp xong, nhiều đoạn quanh co được “uốn” cho thẳng, với máy móc thiết bị và sự cố sức của những người làm cầu, làm đường, tôi nghĩ có lẽ cũng chẳng bao lâu con đường sẽ xong. Và khi ấy một Kon Plông, một Măng Đen sẽ được nối gần với TP. Kon Tum và xuôi về xứ Quảng, một Đà Lạt 2, một xứ ngàn thông với những thế mạnh của mình nhất định sẽ được khai thác và làm giàu…

Đưa tôi dạo quanh một vòng thị trấn, Giám đốc Nga “vẽ” ra một viễn cảnh cho Măng Đen trong tương lai và chị chỉ tôi ngay dưới chân nơi mình đang đứng rợp mát trong rừng thông cổ thụ với tầng tầng lớp lớp là thông và trước mặt là hồ nước trong veo rồi bảo với tôi: “Nơi đây doanh nghiệp bọn em đang dự định phối hợp cùng địa phương xây dựng một không gian làng văn nghệ đấy ạ”; không quên vai trò của khách, Nga còn “láy” lại: “Báo chí các anh phải ủng hộ các doanh nghiệp cho thật nhiều vào đấy nhé!”. Có nghĩa là những gì vị nữ giám đốc nói với tôi nó chẳng phải “một viễn cảnh” mà là đang hiện hữu đấy, tôi hiểu Nga muốn truyền thông điệp ấy cho tôi. Vâng, tôi tin!

Bích Hà

Măng Đen là một địa danh thuộc huyện Kon Plông (được chia tách và thành lập vào năm 2002) của tỉnh Kon Tum. Nằm ở độ cao 1.100 mét, so với mặt nước biển, với rừng nguyên sinh còn khá nhiều, rừng thông đỏ cùng hàng chục hồ và thác nước. Măng Đen hiện đang được định hướng quy hoạch thành khu du lịch quốc gia, được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai hay Đà Lạt của Kon Tum. Nay địa danh này là huyện lỵ của huyện Kon Plông.

(Nguồn: Internet

Có thể bạn quan tâm