Bài cuối: Cần dạy nghề sát với nhu cầu của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn không phải ngày một ngày hai mà chương trình có tính lâu dài-đến năm 2020, vì vậy, những khó khăn vướng mắc có thể điều chỉnh hợp lý theo thời gian. Tuy nhiên, để người lao động nông thôn mặn mà với việc học nghề và học thực chất, vấn đề đặt ra là cần dạy nghề dân muốn học và gắn với đặc điểm phát triển kinh tế của từng địa phương.


Ông Nghiêm Trọng Quý- Phó Tổng cục trưởng Tổng cụ Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) sau khi kiểm tra tình hình thực tế về công tác đào tạo nghề tại huyện Đak Đoa, cho rằng Gia Lai cần rà soát lại những nghề nào thực sự hiệu quả sát với nhu cầu của người dân để công tác dạy nghề lao động nông thôn đạt được hiệu quả.
 

 

Đăng ký học nghề theo nhu cầu

Theo Thông tư liên tịch số 30 giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông thì việc phân cấp được nêu rất cụ thể. Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng: Để việc học nghề sát với nhu cầu của người dân thì cần có kế hoạch, quy trình cụ thể.

Đối với lực lượng thanh niên thì tổ chức cơ sở đoàn nắm bắt được nhu cầu nguyện vọng của thanh niên xem thanh niên cần học nghề gì là phù hợp thì đăng ký với cơ quan chức năng. Việc học nghề của người dân phải được rà soát từ cơ sở, sau đó đăng ký nghề học gửi lên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện và ban chỉ đạo cấp tỉnh. Lúc này, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 1956 tỉnh mới có căn cứ để ký kết hợp đồng với các cơ sở đào tạo đủ điều kiện mới tham gia dạy nghề. Làm được như vậy thì hiệu quả đào tạo nghề lao động nông thôn mới đem lại hiệu quả.

Cũng có nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng cách làm này nên đã mang lại hiệu quả cao từ việc học nghề. Ông Ksor Nguyệt-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: Đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của người học, đồng thời gắn với nhu cầu ngành nghề từng vùng, từng địa phương, ngành nghề truyền thống. Chính vì vậy, trong quá trình vận động người dân học nghề, huyện để họ tự đăng ký nghề theo nhu cầu. Nhờ vậy, một số nghề có hiệu quả trên địa bàn huyện được người dân rất thích học, đó là nghề trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê, tiêu, cạo mủ cao su.

Sẽ bổ sung chương trình dạy nghề

 

 

Hiện nay, Gia Lai đang thực hiện 24 danh mục nghề, với hai nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh triển khai. Năm 2013 là năm đầu tiên Sở Nông nghiệp và PTNT được phân cấp chủ trì tổ chức dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Sở này đã giao cho Chi cục Phát triển nông thôn là đầu mối quản lý, theo dõi các hoạt động dạy nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để việc dạy nghề nông nghiệp đem lại hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị với cơ quan chức năng bổ sung thêm 6 nghề vào danh mục đào tạo, gồm: trồng mía; trồng và khai thác rừng trồng; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; kỹ thuật sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; sản xuất thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi; kỹ thuật nuôi ong mật…

Nhằm thực hiện tốt chương trình dạy nghề nông nghiệp cho người dân, theo ông Kpă Thuyên-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì tỉnh cần sớm phân bổ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Có như vậy, kế hoạch đào tạo nghề cho gần 5.000 người học nghề nông nghiệp mới đạt kế hoạch đề ra.   

Hội nghị sơ kết 3 năm đào tạo nghề lao động nông thôn được tổ chức mới đây đã ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến những vướng mắc và hiệu quả sau đào tạo nghề cho nông dân. Ông Măng Đung-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo đề án cho rằng: Thời gian qua, chúng ta cho bà con quá nhiều “cần câu” để “câu cá” nhưng “có cá rồi thì bán ở đâu” để có tiền.

Cũng như việc chúng ta dạy nghề cho nông dân, phải định hướng rõ ngay từ đầu, bà con học nghề nào phát huy được hiệu quả thì học, còn không thì bỏ. Phải làm cương quyết như vậy thì công tác dạy nghề lao động nông thôn mới thực sự mang lại hiệu quả.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm